NHIỀU CÁCH THOÁT NGHÈO
Cả gia đình ông Danh Sa Rinh có 6 người thuộc diện cận nghèo của ấp 4, xã Lộc Hưng. Hơn 8 năm trước, tình cờ ông bán được 5 nhánh lan rừng với giá 200 ngàn đồng. Ông hớn hở mang tiền đi mua gạo và cá, thịt về để cả nhà ăn thỏa thuê một bữa. Sau lần ấy, ông bắt đầu để tâm tìm tòi và đầu tư mua giống lan rừng trong hộ dân trên địa bàn huyện Lộc Ninh. Nghề trồng, nhân giống và mua bán lan rừng đến với ông hết sức tình cờ như thế.
Đường bê tông ấp 4 được xây dựng từ sức dân và công lao động của cán bộ, chiến sĩ Huyện đội Lộc Ninh
Từ việc mua bán lan rừng khá thuận lợi của gia đình ông Rinh, cả 50 hộ dân ấp 4 cũng học theo. Có gia đình chia nhau về tận các tỉnh miền Tây, TP. Hồ Chí Minh nằm cả tháng trời để bán lan. Họ bán theo ký, theo nhánh, theo dò, tùy nhu cầu của khách hàng. Nhờ cách làm ăn nhỏ lẻ nhưng linh hoạt này mà mỗi gia đình kiếm thêm 4-5 triệu đồng/tháng. Cá biệt trong tuần vừa qua, anh Lâm Diêu bán vườn lan rộng chừng 4m2 với giá 21 triệu đồng, trong khi đầu tư chỉ 4 triệu đồng. Còn anh Lâm Bly mới xây xong ngôi nhà cấp 4 khang trang hơn 250 triệu đồng cũng từ tiền lãi mua bán lan rừng. 95% người dân ấp 4 là đồng bào Khơme. Trong 4 năm qua, nhờ nghề mua bán lan rừng đã giúp 20 hộ thoát nghèo, có hộ vươn lên thu nhập khá. Danh Sa Rinh là một điển hình như thế.
Cách đây 5 năm, gia đình anh Lê Công Khanh từ tỉnh Long An đến đây lập trang trại trồng quýt đường với diện tích 13 ha tại ấp 7. Chuyện anh mua đất cao su trong thời điểm giá mủ cao ngất ngưởng rồi cưa bỏ để trồng quýt đường ai cũng bảo “khùng”. Thế nhưng, sau 3 năm đầu tư, mỗi ha quýt đường cho thu nhập vài trăm triệu đồng. Năm 2013, trang trại này thu 7 tỷ đồng. Thấy vườn quýt của gia đình anh cho thu nhập cao, 18 hộ trong ấp 7 cũng theo anh học cách trồng quýt. Trong số 100 ha quýt đường của xã, riêng ấp 7 có 50 ha. Người dân ấp 7 còn tự bỏ vốn để đầu tư 400m kênh mương nội đồng dẫn nước từ công trình thủy lợi về tận vườn quýt. Cả ấp 7 giờ đây không còn hộ nghèo.
Theo ông Nguyễn Thanh Cả, Chủ tịch UBND xã Lộc Hưng, toàn bộ vốn đầu tư xây dựng NTM đều được điều chuyển đến tận tay người nghèo hoặc cận nghèo. Những hộ nghèo cầm tiền đi mua bò giống do các thành viên UBND xã giám sát. Xã còn triển khai mô hình trồng lúa giống mới chất lượng cao hoặc trồng đậu nành, bắp lai phù hợp với đặc điểm từng vùng đất trong xã. Nhờ vậy mà vốn từ chương trình NTM phát huy hiệu quả. Hơn 4 năm triển khai đã giúp tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 11,8% năm 2011 xuống còn 3,8% trong năm 2015. Thu nhập bình quân 11 triệu đồng năm 2011 tăng lên 19,476 triệu đồng/người vào cuối năm 2014.
ĐƯỜNG LÀNG KHANG TRANG
Năm 2011, Lộc Hưng được đầu tư hơn 1,6 tỷ đồng triển khai chương trình xây dựng NTM. Để giải ngân nguồn vốn, xã đầu tư quy hoạch lập đề án hết 779 triệu đồng, còn lại 837 triệu đồng đầu tư xây dựng tường rào UBND xã và nhà văn hóa ấp 2. Ông Lê Xuân Vinh, Trưởng ấp 2 cho biết, từ khi có nhà văn hóa, người dân cũng như Ban điều hành ấp rất phấn khởi vì có nơi họp bàn.
“Với xuất phát điểm thấp, thu nhập bình quân của người dân chỉ đạt 11 triệu đồng/người/năm, để huy động sức dân chung tay xây dựng NTM là điều không dễ. Tuy nhiên, không phải không có cách để chính quyền xã Lộc Hưng huy động nguồn lực trong dân. Dân không có tiền thì góp công lao động; thiếu công lao động thì huy động đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ. Năm 2014, tôi còn nhờ cả Huyện đội Lộc Ninh hỗ trợ ngày công làm đường. Làm NTM phải uyển chuyển, nếu không thì đừng nghĩ đến việc hoàn thành các tiêu chí”. Chủ tịch UBND xã Lộc Hưng Nguyễn Thanh Cả |
Để có nhà văn hóa khang trang và đầy đủ thiết bị phục vụ hội họp, người dân ấp 2 đã tự nguyện đóng góp 50 ngàn đồng/hộ. Nhờ vậy, toàn bộ hệ thống thiết bị âm thanh, tủ sách được trang bị khá đầy đủ. Đây là bước khởi đầu quan trọng cho việc triển khai chương trình xây dựng NTM trên địa bàn xã.
Tiếp nối cách làm của người dân ấp 2, ấp 3 cũng góp vốn nâng cấp 800m đường từ quốc lộ 13 dẫn vào trung tâm ấp. Nhờ đó, người dân trong ấp đi lại dễ dàng hơn rất nhiều. Theo ông Thái Tử Minh, người đóng góp 200 ngàn đồng để làm đường thì việc làm đó là hoàn toàn tự nguyện. Ai có nhiều đóng nhiều, có ít đóng ít. Những gia đình kinh tế khó khăn thì góp công lao động. Với tình làng nghĩa xóm như thế, khi triển khai nâng cấp đường nông thôn, người dân hò nhau ra làm vui như trẩy hội.
Chỉ tính riêng năm 2014, Lộc Hưng đã triển khai thực hiện 41 công trình giao thông nông thôn. Trong số 61km đường, hiện đã có 75% đường nhựa, bê tông đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật Bộ Giao thông - Vận tải quy định. Hơn 4 năm qua, người dân trong xã đã góp tiền, công lao động cũng như mặt bằng, vật kiến trúc để bê tông hoặc nhựa hóa đường giao thông nông thôn với 3,601 tỷ đồng. Hiện Lộc Hưng chỉ còn 3 tuyến đường ấp dài 2,4km chưa được cứng hóa. Tuy nhiên, hộ dân đã đăng ký và dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ thi công. Như vậy, Lộc Hưng là xã thứ hai sau Tiến Hưng (Đồng Xoài) trên địa bàn tỉnh hoàn thành tiêu chí giao thông năm 2015.
Đông Kiểm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065