BP - Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, trong 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2006), các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý với số lượng lớn; đã khởi tố 2.530 vụ, với 5.447 bị can, đưa ra xét xử khoảng 2.630 vụ. Tổng thiệt hại của các vụ án tham nhũng được phát hiện lên đến 59.750 tỷ đồng và trên 400 ha đất. Các cơ quan chức năng mới chỉ thu hồi được 4.676,6 tỷ đồng, tức chưa đầy 8% và trên 219 ha đất. Điều đó khiến dư luận đặt câu hỏi, tài sản tham nhũng đã “chạy” đi đâu?
Tại cuộc họp vào đầu tháng 10-2016, Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chủ trương đưa 6 vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp ra xét xử sơ thẩm gồm: Vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty In, Thương mại và Dịch vụ Agribank; vụ án “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Tổng công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam; vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh; vụ án “Tham ô tài sản; Rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH MTV vận tải Viễn Dương Vinashin; vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Cho vay lãi nặng” xảy ra tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh TP. Hồ Chí Minh và vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương.
Chúng ta vẫn còn nhớ vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “tham ô tài sản” tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Hai bị cáo đầu sỏ là Dương Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Mai Văn Phúc, Tổng giám đốc đã bị tuyên án tử hình. Đồng thời mỗi bị cáo phải bồi thường 110 tỷ đồng cho các hành vi phạm tội của mình. Giấy trắng mực đen là như vậy nhưng liệu bị cáo và gia đình bị cáo có nghiêm chỉnh chấp hành? Nếu họ cứ “cù nhây” không chịu bồi thường thì sẽ xử lý ra sao? Hơn ai hết, những kẻ tham nhũng vừa có quyền vừa có tiền lại lắm âm mưu, thủ đoạn. Vì mang nặng chủ nghĩa cá nhân, lóa mắt trước đồng tiền, chúng sẵn sàng bất chấp, biết sai nhưng... vẫn làm! Tài sản có được từ tham nhũng sẽ nhanh chóng “hợp thức hóa” bằng cổ phần, cổ phiếu, bất động sản... đứng tên người khác. Trước đây là vợ, con đứng tên thì nay đã chuyển sang... bà con họ hàng để qua mặt các cơ quan chức năng nếu chẳng may bị phanh phui. Nếu chúng ta xử lý hành vi tham nhũng nhưng tài sản do tham nhũng mà có không thu hồi được (hoặc thu hồi không đủ) thì chẳng khác nào “bắt lươn đằng đuôi”!? Bài học nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do tham nhũng gây ra là phải đấu tranh, triệt tiêu tham nhũng khi vừa manh nha. Bởi không gì có thể qua được tai mắt nhân dân. Đồng thời nghiêm khắc xử lý cán bộ, đảng viên không trung thực trong kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập. Đây là vấn đề cốt lõi của công tác phòng, chống tham nhũng. Bởi khi kê khai thì nhiều “công bộc” chỉ kê khai chiếu lệ, ở mức “thường thường bậc trung”. Đến khi đụng chuyện mới “lòi” ra những khối tài sản rất lớn khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn về nguồn gốc.
Ông cha ta đã đúc kết, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đấu tranh chống tham nhũng là một cuộc chiến lâu dài và gian nan. Bởi suy cho cùng, chỉ những người có địa vị, quyền lực mới có điều kiện tham nhũng. Bác Hồ đã ví tham nhũng như một thứ ung nhọt trong người, làm suy yếu cơ thể và cần phải cắt bỏ. Muốn tiêu diệt được thứ “giặc nội xâm” này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Phát huy vai trò giám sát của MTTQ, các cơ quan thông tin, báo chí, mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến chống tham nhũng. Đảm bảo tính trung thực, khách quan, kịp thời, nghiêm minh trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về tham nhũng.
Chính Trực
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065