>> Bài 1: Vượt chuẩn vì... thừa phòng học
Bài cuối: Quá tải ở bậc mầm non, tiểu học
Là khu vực trung tâm, nơi có đông dân cư sinh sống, vì thế những năm qua nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền mà hệ thống trường học ở thị xã Đồng Xoài được xây dựng kiên cố, khang trang. Tuy nhiên, hệ thống các trường mầm non, tiểu học chưa được quan tâm đúng mức.
62 học sinh/phòng học
Vào trường Mầm non Hoa Phượng, xã Tiến Thành (TX. Đồng Xoài), chúng tôi mới thấy được không khí ngột ngạt nơi đây. Mới 10 giờ sáng, hàng trăm học sinh đang chuẩn bị ăn trưa tại hành lang của trường đã đổ mồ hôi hột vì chật chội và nóng. Cô Đồng Thị Huệ, Hiệu trưởng nói: Trường mới xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2010 nhưng chỉ có 8 phòng học và 1 bếp ăn. Để có phòng làm việc cho Ban giám hiệu và nhân viên hành chính, trường phải ngăn đôi nhà bếp. Hiện trường có 432 học sinh/10 lớp, nhưng do thiếu phòng học nên phải ghép 2 lớp học chung 1 phòng với 62 học sinh và có 2 lớp ghép như thế. Trong lớp ghép, các hoạt động như ăn, ngủ, chơi đều sinh hoạt chung, đến giờ học mới tách riêng. 6 phòng còn lại cũng luôn trong tình trạng quá tải so quy định, bình quân sĩ số tới 51 học sinh/lớp.
Các cháu hiện đang học trong ngôi trường quá tải, ngột ngạt. Ảnh: Các cháu trường Mầm non Hoa Lan chuẩn bị giờ ăn trưa
Cô Huệ lý giải, trường nằm trên địa bàn đông dân cư do tập trung nhiều sở, ngành, khu công nghiệp... nên chủ yếu là các gia đình trẻ và có số cháu trong độ tuổi học mầm non cao. Đầu năm học 2013-2014, vào đúng ngày Toàn dân đưa trẻ đến trường là nhà trường chốt danh sách. Số cháu được nhận nằm trong độ tuổi từ 3 đến 5. Nếu nhận hết, có thể lên đến 600 cháu. Chúng tôi là những người vận động các cháu ra lớp đúng độ tuổi nhưng lại không thể nhận hết các cháu vào trường vì quá tải. Theo thống kê, trên địa bàn xã số lượng trẻ từ 0 đến 5 tuổi khoảng 1.000 cháu, trong đó ở độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo từ 700 đến 800 cháu (chưa kể số trẻ tạm trú). Vì thế, đến năm học 2014-2015 sẽ còn quá tải hơn. Để giải quyết tình trạng này trường đã nhiều lần kiến nghị Phòng GD-ĐT thị xã xây thêm phòng học nhưng chưa được chấp nhận.
Trường “3 trong 1”
Đến trường Tiểu học Tiến Hưng A, xã Tiến Hưng (TX. Đồng Xoài) đúng giờ ra chơi mới thấu hiểu cảnh giờ nghỉ giải lao của giáo viên như thế nào. Nói là nghỉ giải lao nhưng giáo viên không có chỗ ngồi vì văn phòng quá chật. Toàn trường có 46 cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhưng chỉ duy nhất 1 văn phòng làm việc rộng gần 50m2. Phía cuối phòng, trường đặt 3 tủ đứng lưu văn bản, sổ sách, kế tiếp đặt 2 chiếc bàn dành cho nhân viên văn thư, kế toán... làm việc, khoảng không gian còn lại đặt 4 bàn là nơi làm việc của Ban giám hiệu và giáo viên. Phòng quá chật lại đông người nên người đứng, người ngồi.
Trao đổi với phóng viên, thầy Nguyễn Diên Sách, Hiệu trưởng cho biết: Trường xây dựng từ năm 1987 với 15 phòng cấp 4, đến năm 2004 được đầu tư thêm 4 phòng cấp 3. Trong 19 phòng học, trường dùng 1 phòng làm thiết bị - thư viện, 1 phòng làm văn phòng và hiện tất cả đã xuống cấp. Các trang thiết bị chưa được đầu tư, bàn ghế quá cũ, không đúng quy cách. Toàn trường hiện có 25 lớp với 750 học sinh, nhưng chỉ có 17 phòng học. Do thiếu phòng học nên trường chỉ tổ chức học 2 ca cho 9 lớp, số còn lại học 1 ca. “Ở đây nhu cầu học 2 ca lớn nhưng vì thiếu phòng nên trường chỉ ưu tiên những em đăng ký trước” - thầy Sách chia sẻ. Thiếu phòng học, phòng làm việc, nên những buổi họp hội đồng sư phạm, tổ chuyên môn... đều phải tổ chức vào thứ Bảy hoặc Chủ nhật. Thầy Sách cũng cho biết, hiện trường có đủ diện tích đất để xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng, khu hiệu bộ và trường nằm trong xã điểm xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm đầu tư.
Trường Mầm non Hoa Lan, xã Tiến Hưng được xây dựng từ năm 2002 trên diện tích 0,21 ha với 8 phòng học, 1 bếp ăn và 1 văn phòng. Cô Phạm Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng cho biết: Toàn trường có 33 cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhưng mọi người phải làm việc chung trong 1 văn phòng, rất bất cập và chật chội.
Khó thực hiện
Nhà giáo ưu tú Huỳnh Công Khanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, xuất phát từ lịch sử trước đây bộ GD-ĐT chủ yếu quan tâm đầu tư cho bậc học phổ thông và cao đẳng, đại học. Còn bậc học mầm non bộ chủ trương kêu gọi xã hội hóa cơ sở vật chất nhưng không thành. Đến năm 2010, từ khi có đề án phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi thì mới cấp kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho bậc học này. Theo đó, từ năm 2011 đến 2015 sẽ đầu tư 2.220 tỷ đồng, trong đó trung ương 50% và tỉnh 50%. Tuy nhiên, đến nay nguồn ngân sách mới chỉ cấp được 35 tỷ đồng (trung ương 26 tỷ đồng và tỉnh 9 tỷ đồng). Nguồn kinh phí hạn hẹp nên ngành ưu tiên những trường đặc biệt khó khăn. Và cũng do không chủ động từ đầu nên hiện các trường mầm non đang thiếu quỹ đất công, và muốn có đủ đất thì cần lượng kinh phí lớn để đền bù, giải tỏa.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, ngoài các trường còn chồng chất khó khăn về cơ sở vật chất thì toàn tỉnh vẫn còn 7 xã, phường chưa có trường mầm non, mẫu giáo, gồm: Phường Tân Thiện (TX. Đồng Xoài), xã Thành Tâm (Chơn Thành), phường Phú Đức (TX. Bình Long), phường Thác Mơ (TX. Phước Long) và các xã Lộc Phú, Lộc An, Lộc Thành (Lộc Ninh). Từ năm học 2013-2014 đến 2014-2015, để huy động trẻ ra lớp đúng độ tuổi, bậc mầm non đang có nhu cầu xây dựng thêm 675 phòng học với kinh phí hơn 200 tỷ đồng, nhưng tình trạng khó khăn chung như hiện nay là rất khó thực hiện.
Vũ Thuyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065