Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, ngành chế biến cao su ở nước ta đang phát triển với mức tăng trưởng bình quân 30,3%/năm trong giai đoạn 2007-2013. Qua đó góp phần giảm nhập siêu của cả nước nói chung và mặt hàng này nói riêng, đưa kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su đạt gần 1,1 tỷ USD năm 2013. Một số sản phẩm cao su là thế mạnh của Việt Nam đã chiếm vị trí quan trọng trên thị trường thế giới là đế giày, ruột xe các loại, sợi chỉ thun... Đặc biệt, Việt Nam đã xuất siêu vỏ ôtô, vỏ xe máy, vỏ xe đạp, linh kiện cao su kỹ thuật, đế giày, ruột xe, găng tay.
Công nhân Nông trường cao su Thọ Sơn (Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng) thu gom mủ - Ảnh: C.C
Nguyên nhân của tình trạng trên là do cơ cấu chủng loại nguyên liệu cao su thiên nhiên tại Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu trong nước. Cụ thể, trong khi các doanh nghiệp chế biến sản phẩm cao su cần sử dụng số lượng lớn chủng loại SVR 20, SVR 10, RSS3, nhưng những mặt hàng này có tỷ lệ thấp trong cơ cấu sản phẩm cao su nguyên liệu của các doanh nghiệp trồng cao su. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất phải nhập khẩu bổ sung từ nước ngoài. Trong khi Việt Nam sản xuất nhiều chủng loại SVR 3L (chiếm khoảng 40-50%), nhưng nhu cầu tiêu thụ của các nhà công nghiệp chế biến trong nước lại không cao.
Thứ hai là chất lượng và nguồn cung nguyên liệu cao su trong nước chưa ổn định. Cụ thể, trong khi các nhà chế biến sản phẩm từ cao su rất cần nguyên liệu ổn định về chất lượng, nhưng chất lượng cao su thiên nhiên trong nước chưa được quản lý chặt chẽ. Nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ ít quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng. Mặt khác, nguồn cung cấp cao su trong nước thường sụt giảm vào mùa khô. Vì thế, các doanh nghiệp chế biến quy mô lớn có xu hướng nhập khẩu nguyên liệu thay vì sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước. Và còn nhiều nguyên nhân khác như nhiều sản phẩm cao su phát triển nhanh nhưng cần sử dụng cao su tổng hợp hơn cao su thiên nhiên và đều phải nhập do trong nước chưa sản xuất được.
Để khắc phục nghịch lý này rất cần có sự liên kết giữa ngành chế biến cao su và nhà cung cấp nguyên liệu; đồng thời quy hoạch sản xuất, xác định cơ cấu chủng loại cao su phù hợp yêu cầu thị trường trong và ngoài nước, quản lý chất lượng nhiên liệu... Cụ thể là triển khai và nhân rộng mô hình liên kết bằng hình thức nhà sản xuất cam kết cung cấp nguyên liệu ổn định cho nhà chế biến sản phẩm qua hợp đồng dài hạn; liên doanh giữa nhà sản xuất cao su thiên nhiên và nhà chế biến sản phẩm bằng hình thức công ty cổ phần. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm hạn chế nhập khẩu các sản phẩm cao su sơ chế và cao su công nghiệp trong nước sản xuất được, các sản phẩm kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường trên cơ sở phù hợp với cam kết quốc tế.
Vấn đề quan trọng nữa là Nhà nước sớm ban hành các quy định bắt buộc về việc kiểm tra chất lượng sản phẩm cao su thiên nhiên sơ chế, thực hiện chính sách ưu đãi thuế đối với sản phẩm cao su thiên nhiên sơ chế dùng chế biến sản phẩm cao su công nghiệp trong nước. Có như vậy thì nghịch lý trên mới sớm được giải quyết và ngành cao su mới có cơ hội phát triển bền vững.
Văn Lâm
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065