Trước hết, phải khẳng định đây là hành động tự vệ chính đáng của Việt Nam, vừa để bảo vệ độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vừa đáp ứng nguyện vọng thiết tha của nhân dân Campuchia.
Chúng ta đều biết, sau khi lật đổ quân đội Lol-nol do Mỹ ủng hộ (ngày 17-4-1975), Pôn Pốt và bè lũ tay sai đã hiện nguyên hình là chế độ diệt chủng chưa từng có trong lịch sử đất nước Campuchia. Ngày 20-5-1975, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Campuchia đã quyết định 3 chủ trương cực kỳ phản động: (1) Làm “sạch” nội bộ nhân dân, thực chất là thanh trừng những người không cùng chí hướng; (2) Xác định Việt Nam là kẻ thù truyền kiếp; (3) Xây dựng xã hội mới mô phỏng cực đoan kiểu “công xã” - một dạng trại tập trung trá hình như thời Đức quốc xã. Chúng thi hành chính sách “không tiền, không chợ, không trường học, không trí thức, không tôn giáo, không đô thị, không thương mại”, đuổi nhân dân Campuchia ra khỏi thành phố Phnôm Pênh và các thị xã về lao động khổ sai trong các hợp tác xã nông nghiệp ở vùng nông thôn, nơi mà quốc tế gọi là “địa ngục trần gian”. Trong một thời gian ngắn, bọn chúng đã tàn sát hơn 3 triệu người dân Campuchia vô tội, hàng trăm ngàn người dân Campuchia phải chạy sang Việt Nam và các nước lân cận để lánh nạn.
Song song với thi hành chính sách diệt chủng trong nước, bọn Pôn Pốt còn đưa quân lấn chiếm biên giới, vào sâu lãnh thổ nước ta. Chỉ tính từ ngày 30-4-1975 đến tháng 6-1977, bọn Pôn Pốt đã xâm phạm biên giới nước ta hơn 2.000 lần, gây tổn thất cho ta 4.000 người. Đặc biệt, chúng đã vượt biên, tàn sát cả làng như ở: Ba Chúc (An Giang), Long Khánh (Bến Cầu - Tây Ninh), Xa Mát (Tân Biên - Tây Ninh). Hành động của chúng vô cùng man rợ, “xác người la liệt trong nhà, ngoài sân, sau vườn. Quân Khơme Đỏ không giết người bằng súng, mà chúng dùng những cái rìu đốn củi”. Những cuộc xâm lấn nêu trên không phải là hành động bột phát mà có hệ thống, quy mô ngày càng lớn, hành động vô cùng tàn bạo, được chuẩn bị kỹ lưỡng, có chủ đích từ trước.
Sau nhiều lần chúng ta đề nghị giải quyết các tranh chấp, xung đột qua đường ngoại giao, thương lượng hòa bình nhưng Pôn Pốt không chấp nhận. Vì vậy, theo tiếng gọi của nhân dân Campuchia, để thực hiện sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng, ngày 13-12-1978, Quân đội nhân dân Việt Nam mở chiến dịch tổng phản công chiến lược, đập tan cuộc tiến công toàn tuyến biên giới Tây Nam của bè lũ Pôn Pốt. Sau đó, quân tình nguyện Việt Nam đã cùng lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia chuyển sang tổng tiến công, cùng với nhân dân Campuchia nổi dậy đánh bại tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt, giải phóng Phnôm Pênh, giúp bạn bước vào thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng đất nước Campuchia độc lập, phồn vinh.
Khi nói về vai trò của quân tình nguyện Việt Nam, ngài Say Chhum, Phó chủ tịch Đảng Nhân dân, Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Campuchia đã khẳng định: “Với sự ủng hộ, giúp đỡ kịp thời và có hiệu quả của quân tình nguyện Việt Nam, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia đã đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, cứu dân tộc và nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng”. Thủ tướng Samdech Decho Hun Sen đã từng nói: “Sự hiện diện của Quân đội Việt Nam ở Campuchia là vì sự sống còn của nhân dân Campuchia... Bộ đội Việt Nam đã hy sinh tính mạng vì sự sống, sự hồi sinh của nhân dân Campuchia”.
Và trong phiên xét xử sáng 16-11-2018, Tòa án quốc tế xét xử tội ác Khơme Đỏ tại Campuchia (ECCC) đã ra phán quyết rằng chính quyền Khơme Đỏ đã phạm tội “diệt chủng” tại Campuchia trong giai đoạn từ năm 1975-1979. Như vậy, việc ECCC tuyên án đối với bè lũ Pôn Pốt, Iêng Sary đã khẳng định: Việt Nam đưa quân tình nguyện giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ Pôn Pốt là đáp ứng lời kêu gọi của nhân dân Campuchia, là việc làm cao cả, chính nghĩa, trong sáng, đúng tinh thần nhân đạo quốc tế chứ không phải là xâm lược, chiếm đóng Campuchia như các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, bịa đặt chống phá.
Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy, khi xâm lược Việt Nam, dưới danh nghĩa “khai phá văn minh cho nhân dân An Nam”, sự hiện diện của quân Pháp không được triều đình nhà Nguyễn và nhân dân Việt Nam ủng hộ, hoan nghênh, song thực dân Pháp bằng vũ lực đã xâm lược Việt Nam, mục đích sâu xa là muốn độc chiếm nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng giàu có và phong phú của chúng ta, án ngữ cửa ngõ Đông Dương. Hay đế quốc Mỹ bằng chiêu bài giúp chính quyền Ngô Đình Diệm chống lại sự “xâm lược” của miền Bắc, thực chất là muốn sử dụng miền Nam như một “tiền đồn” để ngăn chặn, không cho làn sóng cộng sản từ Việt Nam lan ra các quốc gia Đông Nam Á và thế giới. Như vậy, có thể thấy, mục đích của cả thực dân Pháp và đế quốc Mỹ khi đưa quân xâm lược Việt Nam (cho dù với bất kỳ danh nghĩa nào) đều chẳng có gì là tốt đẹp. Nhưng, vì đó đều là những cường quốc nên các nước không dám phản đối, lên án (trừ các nước thuộc phe xã hội chủ nghĩa).
Thời điểm bấy giờ (năm 1979), chúng ta vừa chiến thắng đế quốc Mỹ, lại đang ở trong tình trạng căng thẳng về ngoại giao với Trung Quốc, Liên Xô thì bắt đầu suy yếu, Mỹ thao túng cả thế giới nên hành động cao cả, trong sáng của quân tình nguyện Việt Nam đã bị chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phản động bóp méo, nhằm lôi kéo cộng đồng quốc tế bao vây, cấm vận với mục đích bóp chết nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - vốn đã rất kiệt quệ khi vừa mới bước ra khỏi chiến tranh. Ngày nay, chân lý và sự thật đã được phơi bày, Liên hợp quốc và chính nhân dân Campuchia đã thừa nhận tinh thần quốc tế cao cả của quân đội nhân dân Việt Nam. Tóm lại, nói Việt Nam đưa quân xâm lược, chiếm đóng Campuchia năm 1979 là giọng điệu xét lại lịch sử của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, phản động.
Thanh Quang
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065