GIAN NAN CON ĐƯỜNG ĐẾN TRƯỜNG
Thầy Phan Công Hiếu, Hiệu trưởng cho biết: Học sinh của trường thuộc các thôn 3, 5, 6, trong đó thôn 5 có diện tích rộng, dân sống thưa, giao thông cách trở. Từ tổ 4, thôn 5 ra đến trường có nơi gần 10km, trong đó phần lớn là đường đồi, hẹp, dốc cao, trơn trượt, các phương tiện không thể lưu thông mà phải đi bộ. Để đến trường kịp giờ học, nhiều em phải dùng đèn pin soi đường đến lớp từ lúc mờ sáng. Những năm trước, trường phối hợp với phụ huynh dựng 1 phòng học tranh tre tạm tại tổ 3, thôn 5 (điểm Bàu Tre, cách điểm trường chính 3,5km) tạo điều kiện cho các em đi học. Năm học 2015-2016, do phòng học này xuống cấp, không thể sử dụng, nhà trường đã vận động các nhà hảo tâm xây dựng 1 phòng học cấp 4 trị giá 65 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện điểm trường Bàu Tre vẫn chưa có điện, nước và mới chỉ đáp ứng khối lớp 1 và 2, còn học sinh các lớp 3, 4, 5 vẫn phải vượt quãng đường dài ra điểm chính học.
Học sinh lớp 51, Trường tiểu học Đăng Hà trong giờ học
Em Lục Văn Hoàng, học sinh lớp 51 ở tổ 4, thôn 5 cho biết: Nhà em cách trường 7,5km, hầu hết là đường đồi, dốc, hẹp phải đi bộ. Vào mùa mưa nước dâng cao, có nơi các đoạn phải đi học bằng bè. Hằng ngày, em thức dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị mọi thứ cần thiết, đến gần 5 giờ thì đến trường. Cùng lớp với Hoàng là em Nguyễn Thị Quỳnh Trúc, nhà cũng ở tổ 4, thôn 5 nhưng cách trường 8,5km. Trúc cho biết, nhà em ở tận trên đồi cao, có 6 anh chị em, kinh tế gia đình khó khăn, vì thế không phải lúc nào cũng có xe đạp đi học. “Dù gia đình khó khăn, nhà xa trường nhưng em luôn được thầy cô động viên, được ăn cơm trưa miễn phí tại trường nên cố gắng học tập tốt. Từ lớp 1 đến lớp 4 em đều là học sinh giỏi” - Trúc nói.
Thầy Hiếu cho biết, tại tổ 4, thôn 5 có khoảng 25 em đang học tại trường. Đây là những em thuộc gia đình khó khăn, bố mẹ làm rẫy ở trên các đồi cao, dốc. Dù khó khăn nhưng các em đi học đầy đủ, đúng giờ và luôn có ý chí vươn lên trong học tập.
NGHĨA TÌNH THẦY TRÒ
Trường tiểu học Đăng Hà hiện có 371 em/19 lớp, trong đó trên 80% là học sinh dân tộc thiểu số, kinh tế gia đình các em phần lớn còn nghèo, khó khăn. Tuy vậy, với sự nỗ lực của thầy và trò chất lượng dạy học của trường luôn được các cấp, ngành đánh giá cao. Năm học 2015-2016, trường có 99,45% học sinh hoàn thành chương trình lớp học; nhiều năm liền trường có 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, có phẩm chất đạo đức tốt. Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, trường không có học sinh bỏ học, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 luôn đạt 100%, tỷ lệ chuyên cần cũng luôn ở mức cao. Thầy Hiếu cho rằng, có được kết quả đó là nhờ tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường luôn hướng đến học sinh bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Để giúp học sinh nghèo, khó khăn, xa nhà có được bữa cơm trưa khi ở lại học buổi chiều, từ năm 2008, trường đã thành lập bếp cơm tình thương và vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ lương thực, thực phẩm, tiền mặt. Những năm đầu, trường vận động được từ 20-30 suất/ngày, đến năm học 2015-2016 vận động 54 suất/ngày. Bếp ăn do chính các nhân viên văn phòng nhà trường thực hiện, vừa đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm vừa đỡ tốn chi phí thuê nhân công. “Nguồn lương thực, thực phẩm của bếp ăn luôn bị động vì phụ thuộc vào sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, nhưng năm học này trường phấn đấu tăng thêm 10 suất, vì ở đây còn rất nhiều em cần bữa cơm trưa” - thầy Hiếu nói.
Ngoài bữa ăn trưa miễn phí, phần lớn học sinh nơi đây không phải đóng góp bất cứ khoản nào. Hằng năm, nhà trường đều gửi thư ngỏ kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ hàng trăm suất quà, học bổng, xe đạp, sách vở, quần áo, gạo... cho các em. Ngay từ đầu năm học 2015-2016, mỗi cán bộ, giáo viên của trường đều tự nguyện đăng ký theo dõi, giúp đỡ từ 1-3 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Với những thành tích đạt được, Chi bộ trường luôn đạt trong sạch vững mạnh; tập thể nhà trường nhiều năm liền đạt lao động tiên tiến. Thầy Phan Công Hiếu là điển hình trong học và làm theo Bác của tỉnh giai đoạn 2009-2013 và nhiều thầy cô, như Lê Văn Duyệt, Hoàng Thị Huyên, Mai Thị Thanh được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT, Chủ tịch UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua “Dạy tốt - học tốt”.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065