Nhiều công trình dân sinh hiệu quả
Trên địa bàn 5 xã Phú Văn, Đức Hạnh, Phú Nghĩa, Đắk Ơ, Bù Gia Mập của huyện Bù Gia Mập có được cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại như ngày nay phải kể đến những công lao đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Đoàn KT-QP 778. Đại tá Đặng Công Bầu, Đoàn trưởng cho biết: Trước đây, khu vực dự án là vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, hệ thống giao thông thiếu, phần lớn là đường mòn tự phát. Tuyến ĐT741 xuống cấp trầm trọng, hệ thống cầu, cống còn thô sơ, khả năng chịu trọng tải thấp. Mùa mưa hầu như xe cơ giới không thể lưu thông, vận chuyển; kinh tế chậm phát triển, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Năm 2002, đơn vị được Bộ Quốc phòng phê duyệt đầu tư 9 công trình, dự án dân sinh với kinh phí hơn 43 tỷ đồng, gồm: Nâng cấp đường ĐT741 dài 39,85km và 3 cây cầu đường 61,74m; 7 phòng học diện tích 420m2; phòng khám, chữa bệnh rộng 100m2 và thiết bị máy siêu âm; đường điện trung - hạ thế dài 16,95km và 8 trạm biến áp; 1 chợ nông thôn diện tích 718,34m2; đường liên xã, cầu nông thôn dài 21,66km; 2 giếng nước sạch và 2 bể chứa dung tích 30m3/bể, 2 hồ thủy lợi dung tích 1 triệu 750m3. Đến năm 2011, phần lớn các công trình hoàn thành và bàn giao cho địa phương sử dụng.
Cán bộ đơn vị hướng dẫn kỹ thuật cạo mủ cao su cho thanh niên xã Bù Gia Mập
Đại tá Đặng Công Bầu cho rằng, các công trình, dự án dân sinh đưa vào sử dụng hiệu quả, đó là tuyến ĐT741, hệ thống mạng lưới điện và 2 hồ thủy lợi. Tuyến ĐT741 từ thị xã Phước Long đi xã Bù Gia Mập sau này đã được UBND tỉnh Bình Phước đầu tư nâng cấp toàn bộ nhưng trước đó đơn vị tạo lập nền móng, giải quyết nhu cầu giao thông, thông thương hàng hóa. Đường điện trung - hạ thế đã đưa điện lưới quốc gia đến tận các thôn, sóc với 100% số hộ trong vùng dự án được sử dụng điện, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, thông tin được thông suốt. Nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước vào mùa khô, từ dòng suối nhỏ, đơn vị đã ngăn thành 2 hồ thủy lợi lớn tại xã Phú Nghĩa và Đắk Ơ. Hiện 2 hồ thủy lợi này giải quyết nước tưới cho 220 ha cây trồng và giảm thiệt hại hạn hán gây ra trên địa bàn huyện.
Giúp dân giảm nghèo
Đoàn KT-QP 778 có nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với quốc phòng, trong đó nhiệm vụ chủ yếu là giúp dân vùng dự án giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Đơn vị hiện quản lý, khai thác 362 ha cao su. Ngoài tạo việc làm cho hàng trăm lao động tại địa bàn với thu nhập 8,5 triệu đồng/tháng, thì nguồn thu từ mủ cao su phần lớn để giúp dân. Cuộc sống ổn định của 42 hộ dân tộc S’tiêng ở thôn Hai Căn, xã Phú Nghĩa hôm nay là minh chứng cụ thể nhất. Các hộ dân tộc S’tiêng tại đội 6, thôn Tân Lập, xã Phú Nghĩa trước đây sống độc lập, cách trung tâm xã, huyện 15km. Giao thông đi lại khó khăn, không điện, không nước sinh hoạt, nhà ở tạm bợ trình độ dân trí thấp. Để giúp nhân dân ổn định cuộc sống, từ năm 2015 đến nay, đơn vị đã phối hợp UBND huyện Bù Gia Mập vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm xây dựng 60 mái ấm tình thương tại thôn Hai Căn trao tặng các hộ S’tiêng. Ngoài ra, đơn vị còn hỗ trợ mỗi hộ 1 con bò giống nuôi nhân đàn và đào tạo nghề, hướng dẫn cách thức trồng trọt, chăn nuôi, sinh hoạt hợp vệ sinh. Gia đình anh Điểu So (1987), thôn Hai Căn là một điển hình. Năm 2015, vợ chồng anh được tặng căn nhà tình thương với diện tích 45m2, 1 con bò giống. Khi nơi ở ổn định, vợ chồng anh được Đoàn KT-QP 778 đào tạo nghề cạo mủ cao su. Hiện hai vợ chồng đi cạo mủ cao su thuê, thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Đến nay, ngoài nuôi 2 con đang học tiểu học, gia đình anh còn xây nhà vệ sinh, làm hàng rào bao quanh nhà, tăng gia sản xuất nâng cao cuộc sống.
Nhằm tạo việc làm cho thanh niên trong vùng dự án, những năm qua, đơn vị phối hợp Trung tâm Dạy nghề huyện mở các lớp khuyến nông, khuyến lâm, dạy cạo mủ cao su cho gần 1.500 người, tỷ lệ có việc làm đạt trên 90%. Để người dân có cuộc sống ổn định tại các khu tái định cư, đơn vị đã phối hợp chính quyền cơ sở xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, cao như: Trồng cao su, hồ tiêu, cây ăn trái, rau sạch, chăn nuôi bò, heo, gia cầm... Đơn vị đã phân công cán bộ, đội sản xuất phụ trách giúp dân từng địa bàn, thực hiện “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân). Hằng quý, đơn vị phối hợp chính quyền địa bàn tổ chức giao ban già làng, trưởng thôn, ấp để kịp thời rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, nhân rộng cách làm hay. Nhờ vậy, đến nay, nhân dân vùng dự án đã trồng được hơn 17.448 ha điều, 2.197 ha cao su, 648 ha cà phê... Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng, nhiều hộ sản xuất giỏi thu nhập tiền tỷ, hộ nghèo giảm còn dưới 11,5%.
Những lễ lớn của dân tộc, đơn vị tổ chức tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt người thuộc hộ nghèo, đối tượng chính sách, có công với cách mạng. Đặc biệt, hình ảnh tạo ấn tượng trong lòng nhân dân là khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn trên địa bàn đều có các cán bộ, chiến sĩ đơn vị hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Khoảng 18 giờ ngày 13-8-2017, trên địa bàn huyện Bù Gia Mập có mưa lớn kèm lốc xoáy làm tốc mái, đổ tường 69 căn nhà. Trong đó, thôn Bù Ka, xã Đắk Ơ 34 căn; thôn Đắk U, thôn Bù Gia Phúc 2, xã Phú Nghĩa 35 căn. Nhận được thông tin, ngay trong đêm đơn vị đã huy động 40 cán bộ, chiến sĩ, tự vệ phối hợp các lực lượng địa bàn khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn cho người dân. Những căn nhà bị tốc mái hoàn toàn, đơn vị hỗ trợ 150 ngày công và trích kinh phí mua tôn, đòn tay thay mới với tổng trị giá 30 triệu.
V. Thuyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065