PHÚ QUÝ BÌNH YÊN
Sau hơn 8 tiếng đồng hồ, tàu Phú Quý 07 đưa chúng tôi vượt qua trùng trùng con sóng và cập bến cảng Phú Quý an toàn. Đây không phải là chuyến đi biển đầu tiên của chúng tôi, nhưng có rất nhiều người bị say do sóng lớn “nhồi” phải nôn thốc tháo. Bởi con tàu này chỉ là loại tàu vận chuyển hành khách loại nhỏ, chở khoảng 300 người cùng hành lý. Hơn nữa, đảo Phú Quý nằm ngoài khơi biển Đông, cách đất liền hơn 120km nên có nhiều dòng hải lưu đối ngược cùng hệ thống lạch luồng... làm cho sóng biển lúc nào cũng cao hơn 1m.
Một góc huyện đảo Phú Quý
Những ngày lưu lại Phú Quý, đoàn chúng tôi được tiếp xúc và trò chuyện với nhiều vị khách rất đặc biệt. Trong đó có chú Huỳnh Tự Do (Tư Do 74 tuổi), nguyên Chủ tịch UBND huyện đảo. Chú Tư Do kể, cư dân trên đảo được hình thành từ thế kỷ thứ XV. Đặc biệt, sau ngày thống nhất đất nước, Phú Quý là nơi hội tụ của người dân từ khắp mọi miền Tổ quốc đến lập nghiệp. Gia đình chú Tư Do quê gốc ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ông cố của chú Tư Do sinh được 3 người con trai. Người con út ở lại Lý Sơn, người anh cả lập nghiệp tại Phan Thiết (Bình Thuận), còn ông nội của chú định cư tại đảo này. Con trai của chú Tư Do nguyên là Chủ tịch UBND huyện đảo vừa được điều động vào đất liền giữ chức Phó chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận. Chú Tư Do tuy đã thuộc lớp người xưa nay hiếm, nhưng vẫn còn là người đàn ông trước biển khơi, thích ăn to nói lớn. Mỗi ngày chú dậy từ 3 giờ sáng, 4 giờ lên rẫy, 6 giờ đi tắm biển, uống cà phê... còn trưa và chiều “giao lưu” với bạn bè. Ngồi nghe chú Tư Do kể rất nhiều về nghĩa tình của người dân đảo Phú Quý, nhất là thời gian sau năm 1975 đầy khó khăn. Chú kể, ngày đó tất cả mọi vật dụng, sinh hoạt, đồ dùng, lương thực, thực phẩm đều phải chở từ đất liền ra. Vì không có tàu nên mỗi tháng chỉ một chuyến. Sản vật của biển do người dân làm ra không tiêu thụ được nên mỗi khi tàu cập bến Phú Quý là trở thành ngày hội. Vì tàu ra là có gạo, có đường, có dầu thắp, có thực phẩm tươi... Ấy vậy, người xứ đảo vẫn như cây phong ba trước biển cả, vẫn ra khơi bám biển, bảo vệ ngư trường, vẫn khai hoang trồng điều, lúa, rau và phát triển chăn nuôi...
Năm 2007, Phú Quý đưa vào sử dụng 3 trạm phong điện nên thoát khỏi cảnh đèn dầu. Và nhờ nguồn năng lượng thiên nhiên này, Phú Quý đang thừa nguồn điện sử dụng.
TIỀM NĂNG VẪY GỌI
Chú Tư Do cho biết, đảo Phú Quý rộng 16,5km2. Toàn đảo có 3 xã (10 thôn) với 29.928 người. Ngoài người Kinh thì Phú Quý có thêm dân tộc Chăm và Hoa cùng sinh sống. Địa hình của Phú Quý có đồng bằng nhỏ hẹp ở trung tâm, còn bao bọc quanh đảo là những dãy núi đá thấp. Đời sống của người dân trên đảo chủ yếu là đánh bắt hải sản. Hiện nhiều hộ dân ở đảo đã mở rộng sang lĩnh vực thương mại và nuôi cá bè. Một bộ phận nhỏ làm nông nghiệp, chủ yếu trồng điều, lúa rẫy và cây ăn trái...
Trung tâm huyện đảo
Với lợi thế của một hòn đảo rộng, nằm trên tuyến đường hàng hải của quốc gia nên Phú Quý có nhiều tiềm năng về du lịch. Phú Quý không chỉ đẹp với những bãi tắm hoang sơ mà còn mang bản sắc văn hóa biển phong phú của nhiều vùng miền, các loại hải sản thơm ngon. Ngoài ra, Phú Quý có trên 30 di tích văn hóa độc đáo mà 2 trong số đó là di tích cấp quốc gia, môi trường trong lành, đặc biệt là con người Phú Quý còn thân thiện và mến khách. Ngoài ra, thức ăn, nước uống ở đảo có phần rẻ hơn đất liền cũng là lợi thế cho Phú Quý phát triển du lịch. Khí hậu ở đây chia 2 mùa rõ rệt, mùa hanh khô từ tháng 6 đến tháng 9 và mùa gió bắc từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau, nhiệt độ ở đảo trung bình từ 22-28oC nên mát mẻ quanh năm. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng như khu lưu trú, ẩm thực, giải trí... trên đảo còn thiếu nên chưa thu hút được nhiều du khách.
NGHĨA TÌNH PHÚ QUÝ
Khi hay tin đoàn chúng tôi đến từ Bình Phước, ngoài các cán bộ lão thành ở đảo còn có đồng chí Bí thư Huyện ủy Trần Tới cũng dành nhiều thời gian tiếp đoàn. Đồng chí Bí thư Huyện ủy cũng là người từ đất liền được Tỉnh ủy Bình Thuận điều động ra đảo công tác. Ra Phú Quý chưa lâu nhưng đồng chí Trần Tới thể hiện sự chân tình, mộc mạc và rất bộc trực... như khí phách của người dân huyện đảo.
Nuôi cá bè trên biển Phú Quý
Chuyến đi của đoàn còn được ông Hà Song Lô, nguyên Phó bí thư thường trực Huyện ủy (tên thường gọi là Bảy Lô) tình nguyện làm hướng dẫn viên. Ông Bảy Lô quê miền Bắc, đi bộ đội đóng quân tại đảo. Say cảnh trời, mến lòng người nên ông Lô đã dừng chân lập nghiệp tại Phú Quý. Ông Lô cho hay: “Huyện đảo Phú Quý và huyện Bù Đăng đã ký kết nghĩa từ năm 2008. Hàng năm, UBND hai huyện tổ chức các đợt tham quan, giao lưu học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau”. Ông Lô cho biết thêm, Phú Quý hôm nay có vườn điều, vườn cây ăn trái đều học tập mô hình làm vườn từ Bù Đăng.
Nghĩa tình của người dân Phú Quý không chỉ qua lời ăn tiếng nói, mà còn thể hiện qua cử chỉ và hành động. Ở Phú Quý ra đường không có cảnh thanh niên chạy xe máy phóng nhanh vượt ẩu, không tụ tập gây sự, không lo cướp, hay các tệ nạn xã hội, đi chợ không sợ bị nói thách. Lạc đường sẽ có người chỉ tận tình, khi có nhu cầu mượn đồ vật, xe máy, thuyền, tàu... thì người dân sẵn sàng giúp đỡ mà không đòi hỏi công sá... Phú Quý hôm nay bình yên, hoang sơ và thấm đẫm tình người vẫy gọi.
Tấn Phong
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065