BP - Trong kháng chiến, thanh niên xung phong (TNXP) luôn đoàn kết, sẵn sàng xông pha nơi tuyến lửa hoàn thành nhiệm vụ tiền tiêu, góp sức vào công cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc. Hòa bình lập lại, cựu TNXP tiếp tục giữ vững ngọn lửa cách mạng thông qua các hoạt động “Nghĩa tình đồng đội”, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, tham gia xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị và nông thôn mới, góp phần thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
NĂNG ĐỘNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Với ý chí tự chủ, tự lực, không chịu đói nghèo, không trông chờ ỷ lại, nhiều cựu TNXP đã năng động, sáng tạo đổi mới phương thức lao động, sản xuất, vươn lên làm kinh tế giỏi trong các lĩnh vực nông nghiệp, kinh doanh, dịch vụ.
Nhắc đến cựu TNXP làm kinh tế giỏi, nhiều người đều trầm trồ khen ngợi bà Lê Thị Hồng Tiến, Chủ tịch Hội Cựu TNXP thị xã Phước Long. Bởi, sau khi trở về cuộc sống thời bình, bà Tiến đã khai thác lợi thế đất đai trồng cao su, điều, tiêu để ổn định cuộc sống. Đồng thời với hoạt động sản xuất, bà mở thêm dịch vụ, kinh doanh nông sản. Áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nhanh chóng tiếp cận thị trường, đến nay bà Tiến đã có cơ ngơi khang trang với thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
80 gương điển hình trong toàn tỉnh nhận huy hiệu Cựu TNXP làm theo lời Bác
Tuổi cao nhưng trí sáng, bà Bùi Thị Đầm, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành mạnh dạn chuyển đổi vườn cao su già cỗi, kém năng suất sang kết hợp trồng cây ăn trái và cây ngắn ngày, tạo việc làm thường xuyên cho 15-20 lao động là con, cháu cựu TNXP, với mức thu nhập từ 4 triệu đồng trở lên/người/tháng. Phó chủ tịch Hội Cựu TNXP thị xã Bình Long Lê Đức Vân với mô hình sản xuất cây - con giống truyền thống nhưng nhờ áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật hiện đại đã đem về mức thu nhập 400 triệu đồng/năm. Hội viên cựu TNXP Phạm Thị Sợi ở Chơn Thành thu về hơn 500 triệu đồng/năm nhờ biết cách kinh doanh mủ cao su...
Ông Trần Văn Vang, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh cho biết: Giai đoạn 2012-2017, toàn tỉnh có gần 100 hội viên cựu TNXP làm kinh tế giỏi với mức thu nhập từ 500 triệu đồng/năm trở lên; khoảng 562 hội viên thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Nhiều tấm gương cựu TNXP quyết tâm vượt qua khó khăn, khai thác tiềm năng đất đai, chăm chỉ lao động, tích góp để phát triển kinh tế trở thành những hộ sản xuất - kinh doanh giỏi. Trong mỗi cơ sở hội xuất hiện ngày càng nhiều hội viên dám nghĩ, dám làm, đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây - con mới như nuôi dế, bò, nhím, heo rừng, trồng các loại cây ăn trái, phát triển nghề dịch vụ...
ẤM ÁP NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘI
Ông Trần Văn Vang cho biết thêm: Những năm qua, các cấp hội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ hội viên hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo. Nhiều giải pháp giúp nhau đã được áp dụng hiệu quả như cuộc vận động thành lập quỹ giúp nhau làm kinh tế; nuôi heo đất, hũ gạo tình thương, phong trào 5+1 (5 hộ khá giúp đỡ 1 hộ khó khăn); hộ khá, giàu nhận đỡ đầu hội viên khó... Giai đoạn 2012-2017, toàn tỉnh huy động được gần 3 tỷ đồng giúp đỡ kịp thời 268 lượt hội viên khó khăn và có nhu cầu tăng gia sản xuất với lãi suất thấp hoặc không lãi; tạo điều kiện giúp 579 lượt hội viên khó khăn vay ngân hàng chính sách 12 tỷ đồng phát triển sản xuất, giảm nghèo. Không chỉ giúp nhau vốn để ổn định kinh tế, giai đoạn 2012-2017, cựu TNXP toàn tỉnh đã xây dựng 28 căn nhà với tổng trị giá 768 triệu đồng, sửa chữa 51 căn nhà dột nát cho cựu TNXP khó khăn, tặng 78 sổ tiết kiệm với tổng 274 triệu đồng, hàng ngàn suất quà tặng cựu TNXP dịp lễ, tết...
Bên cạnh sự quan tâm của tổ chức hội, hội viên cựu TNXP hoàn cảnh khó khăn còn nhận được sự chia sẻ ấm áp từ đồng chí, đồng đội. 5 năm qua, bà Lê Thị Hồng Tiến luôn đồng hành với tổ chức hội và hội viên nghèo bằng cách cho vay không tính lãi hơn 500 triệu đồng. Cựu TNXP sản xuất - kinh doanh giỏi Nguyễn Hữu Tho ở Đồng Phú tận tình giúp 4 hội viên 200 triệu đồng/2 năm không tính lãi. Bên cạnh đó, nhiều hội viên đã tạo cần câu cho hội viên nghèo bằng cách hướng dẫn phương thức sản xuất, hỗ trợ cây - con giống. Đó là hội viên Hồ Xuân Thủ ở huyện Hớn Quản hỗ trợ 4 hội viên khó khăn mua bò sinh sản để tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống. Hội viên Dương Duy Trì ở huyện Phú Riềng hỗ trợ cá giống và vốn giúp 2 hội viên phát triển kinh tế từ nuôi cá. Ông Phạm Xuân Trường ở huyện Bù Đốp giúp 3 hội viên 10 triệu đồng và 7 con dê sinh sản...
Cựu TNXP trên địa bàn tỉnh nay tuổi đều đã cao. Những cống hiến của họ là minh chứng vẻ vang về một thời sẵn sàng hy sinh tuổi trẻ phục vụ đất nước, quê hương và trong thời bình, họ lại gương mẫu đi đầu trên mặt trận kinh tế. Họ là những tấm gương sáng để thế hệ trẻ hôm nay học tập, noi theo.
Cẩm Liên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065