35 năm đã trôi qua, những người lính ngày ấy tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp nhân dân nước bạn Campuchia đánh đổ chế độ Khơme đỏ vẫn không thể nào quên được không khí của những ngày sục sôi khói lửa chiến tranh. Đất nước vừa yên tiếng súng sau cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhưng tập đoàn Khơme đỏ ở Campuchia không muốn nhân dân Việt Nam được hòa bình, yên ổn, chúng xua quân gây hấn, đánh chiếm trên toàn tuyến biên giới Tây Nam.
NGÀY ẤY Ở CAMPUCHIA
Tháng 4-1975, khi người dân Campuchia chưa kịp ăn mừng việc chính quyền Lon Nol (thân Mỹ) bị lật đổ thì tất cả nhận được lệnh từ chính quyền Pol Pot (Pôn Pốt): phải sơ tán toàn bộ khỏi thủ đô Phnôm Pênh và các thành phố, thị xã chính của đất nước. Đàn ông, đàn bà, già trẻ, sư sãi, nhà giáo, nhà buôn, sinh viên... bị lùa đi như những bầy nô lệ. Chính quyền mới giết chết bất cứ ai bị nghi ngờ có dính líu đến hoạt động thị trường tự do. Những người bị nghi ngờ là tư bản gồm tất cả số người có nghề nghiệp, những ai được học hành, là dân thành thị hay từng có liên quan đến các chính phủ nước ngoài. Xã hội Campuchia chỉ sau một đêm bị biến thành một trại tập trung khổng lồ. Mục đích của chính sách này là để biến người thành thị, trí thức (mà chúng gọi là “người mới”) trở thành những “người cũ” (chưa bị nhiễm độc tư bản) thông qua lao động nông nghiệp. Toàn bộ dân cư phải làm việc tập trung trong những hợp tác xã hay các chương trình lao động cưỡng bức. Hàng trăm ngàn “người mới” đã bị xiềng xích, bị buộc phải tự đào mồ chôn mình. Với chỉ thị “không lãng phí đạn”, binh lính Khơme đỏ đánh đập người mới đến chết bằng những thanh sắt và những cái cuốc hay chôn sống họ trong những khu mộ tập thể. Theo ước tính có khoảng 2 triệu người (tương đương 1/4 dân số Campuchia lúc đó) đã bị sát hại bởi các dụng cụ thô sơ như cuốc, mai, xẻng; hoặc bị bỏ đói và buộc lao động cưỡng bức.
Lễ diễu binh mừng chiến thắng tại thủ đô Phnôm Pênh - Ảnh: Tư liệu
TÌNH NGUYỆN GIÚP BẠN
Chế độ diệt chủng Pôn Pốt bị nhân loại tiến bộ trên thế giới ghê sợ và lên án kịch liệt. Sự khủng bố và kìm kẹp dã man của chế độ Pôn Pốt đã làm bùng lên hàng loạt cuộc nổi dậy chống chế độ tàn bạo này trên khắp đất nước Campuchia. Ngày 2-12-1978, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia được thành lập đã đề nghị Việt Nam: “Hãy cứu giúp chúng tôi, không phải chỉ cứu mấy vạn người tị nạn, mà phải cứu giúp cả một dân tộc”. Theo tiếng gọi khẩn thiết của nước bạn láng giềng thân cận, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mở cuộc phản công chiến lược và sau đó chuyển sang tiến công phối hợp các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, đánh tan lực lượng quân sự Khơme đỏ, xóa bỏ chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Ngày 7-1-1979, thủ đô Phnôm Pênh và đất nước Campuchia được giải phóng.
Theo thống kê của Campuchia, trong thời gian 3 năm 8 tháng 20 ngày cầm quyền của Pôn Pốt, có khoảng 20.000 hố chôn người tập thể, 189 nhà tù. Trong số người bị sát hại có gần 200 nhà văn, nhà báo; 600 bác sĩ, dược sĩ; 18.000 thầy cô giáo, giáo sư, hơn 10.000 sinh viên, hơn 1.000 văn nghệ sĩ. Hơn 1.000 trí thức ở nước ngoài về chỉ sống sót 85 người. Gần 6.000 trường học, hơn 700 bệnh viện và cơ sở y tế, gần 2.000 ngôi chùa, hơn 100 nhà thờ đạo Thiên chúa và đạo Hồi bị phá hủy hoặc biến thành nhà kho, trại giam...
|
Một điều đáng chú ý là khi quân tình nguyện Việt Nam đi tới đâu, người dân ở đó cũng xin tham gia lực lượng vũ trang của Campuchia. Họ gọi quân tình nguyện Việt Nam là “đội quân nhà Phật”. Giới lãnh đạo Campuchia, như Chủ tịch danh dự của Đảng CPP Heng Somrin nhiều lần nhắc lại chuyện người dân hồ hởi đón quân đội Việt Nam mỗi khi họ tới. Trong dịp sang thăm Việt Nam mới đây, Thủ tướng Hun Sen nói: “Quân dân Campuchia nếu không có sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam thì không thể giải phóng nhanh đến thế. Nếu Campuchia tự giải phóng thì dân Campuchia chết hết rồi”. Trong cuốn sách “Hun Sen - Nhân vật xuất chúng của Campuchia”, Thủ tướng Hun Sen thừa nhận: “Nếu Pôn Pốt không tấn công Việt Nam, tôi nghĩ chúng tôi sẽ không có được sự ủng hộ của Việt Nam để lật đổ chế độ Khơme đỏ”.
Ngày 7-1-2014, nhân dân Campuchia kỷ niệm 35 năm đất nước thoát khỏi thảm họa diệt chủng của chế độ Khơme đỏ. Biên giới Tây Nam Việt Nam cũng đã 35 năm yên tiếng súng. Những năm qua, tình hữu nghị giữa hai dân tộc ngày càng được củng cố và phát triển. Chính quyền và nhân dân các tỉnh dọc tuyến biên giới hai nước đã có nhiều hoạt động thắm đượm tình nghĩa anh em. Đặc biệt, đối với tỉnh Bình Phước cùng với các tỉnh Kratíe, Mundulkiri, Kampongcham, Kampongthom... đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, hoàn thành việc phân giới, cắm mốc, xây dựng vùng biên giới hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.
Hà Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065