Một trong những trọng tâm của Nghị quyết số 36 là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào và tự tôn dân tộc. Ảnh: Đoàn thanh niên xã Quang Minh (Chơn Thành) làm cổng trại hướng về Hoàng Sa, Trường Sa - Ảnh: S.H
Sau gần 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa, hội nhập và phát huy những thành tựu đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta đã đánh giá đúng về vai trò và vị trí chiến lược của nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Vì thế, ngày 9-6-2014, tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành khóa XI, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 36/NQ - TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Và nghị quyết đã khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Con người vừa là động lực vừa là mục tiêu phát triển xã hội. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa (chủ thể xây dựng và phát triển văn hóa là con người). Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với những đặc tính cơ bản là: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Tuy nhiên, để văn hóa thực sự là mục tiêu, động lực phát triển đất nước thì cán bộ, đảng viên và mỗi thành viên trong xã hội phải tự rèn luyện bản thân, điều chỉnh hành vi cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước và đi đầu trong mọi khó khăn, làm gương cho quần chúng học tập, noi theo. Nói cách khác là phải “mình vì mọi người, rồi mọi người vì mình”; “nói ít, làm nhiều; nói đi đôi với làm”; “một việc làm bằng trăm lời nói suông”; “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”...
Văn hóa là sự kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất của đời sống con người trong suốt khoảng thời gian dài và hàng ngàn năm mới có được. Với một quốc gia, dân tộc thì văn hóa còn có sự kế thừa, phát huy những giá trị của nhân loại. Theo đó, văn hóa được thể hiện ở phạm vi hẹp là văn hóa của mỗi cá nhân, gia đình, dòng tộc, làng xã, địa phương và rộng ra là văn hóa dân tộc, quốc gia hay thế giới. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là mỗi cá nhân phải biết nuôi dưỡng, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, dòng họ như thế nào để nó có sức sống bền vững, đồng thời là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Ví như dân tộc ta có truyền thống yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm; hòa hiếu, thông minh, cần cù, sáng tạo, nhường cơm sẻ áo khi khó khăn hoạn nạn...Tất cả những giá trị ấy đã làm nên bản sắc văn hóa riêng có của người Việt Nam từ mấy ngàn năm nay. Những giá trị to lớn ấy đã tạo cho dân tộc ta sức mạnh để chiến thắng mọi kẻ thù.
Về xây dựng con người Việt Nam, Nghị quyết số 36/NQ - TW đã chỉ rõ là xây dựng con người phát triển toàn diện, có sức khỏe, có tri thức, tự giác thực thi trách nhiệm “công dân”. Theo đó, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào và tự tôn dân tộc, có đạo đức và lối sống tốt, có tình thương yêu đồng loại; xây dựng con người có thế giới quan khoa học, luôn hướng đến chân - thiện - mỹ...tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật; hiểu biết sâu sắc và tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam. Mục tiêu của vấn đề xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam là nhằm phát triển đất nước bền vững.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, chúng ta cần nhanh chóng khắc phục những tồn tại, mặt tiêu cực trong xã hội. Đó là tư tưởng thực dụng, hám lợi, háo danh, giả dối, ích kỷ, kèn cựa, ỷ lại, không có ý chí phấn đấu vươn lên, sống thiếu lý tưởng, coi thường luật pháp, kỷ cương, thiếu hợp tác trong làm ăn phát triển kinh tế... Đây chính là lực cản sự phát triển đất nước và con người là yếu tố quyết định trong việc xóa bỏ những hạn chế, tiêu cực này. Do đó, việc tăng cường giáo dục từ trong gia đình, nhà trường, xã hội; đặc biệt là vai trò làm gương ở mọi lúc, mọi nơi của người cán bộ, đảng viên; người lớn với con trẻ; ông bà, cha mẹ với cháu con trong gia đình, dòng họ... là rất quan trọng.
Việc triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) của Đảng được Tỉnh ủy tổ chức trực tuyến ngày 6-8-2014. Tuy nhiên, để nội dung nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống thì mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải thấm nhuần tinh thần nghị quyết, tiên phong thực hiện một cách tự giác, hiệu quả, thiết thực.
Thanh Vũ
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065