QUYẾT NGHỊ
I. Thống nhất những nội dung cơ bản về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ tỉnh (2010 - 2015) và phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2015 - 2020 nêu trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX trình Đại hội lần thứ X:
1. Về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng bộ tỉnh:
Trong bối cảnh vừa có thuận lợi và những khó khăn, thách thức đan xen, toàn Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức kịp thời điều chỉnh nhiệm vụ, giải pháp phù hợp. Khai thác hiệu quả các thế mạnh về tài nguyên, đẩy mạnh 3 chương trình đột phá, nên đã đưa quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, tốc độ tăng trưởng đạt khá; chất lượng tăng trưởng theo hướng bền vững; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Các yếu tố sản xuất được phát huy, khai thác hiệu quả, tạo điều kiện thúc đẩy và nâng cao chất lượng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Vai trò của các doanh nghiệp, mô hình kinh tế hợp tác cùng với các thành phần kinh tế khác tiếp tục khẳng định vị trí trong nền kinh tế; đầu tư công được cơ cấu lại; phát triển nông nghiệp gắn kết chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới. Các lĩnh vực xã hội có bước phát triển, đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên; cải cách hành chính, kỷ cương hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí đạt kết quả tích cực. Quốc phòng - an ninh được tăng cường; tuyến biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại góp phần quan trọng bảo đảm an ninh và phát triển kinh tế. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều đổi mới; vai trò lãnh đạo của Đảng được nâng lên. Công tác dân vận và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp đóng góp tích cực vào thành tựu chung của tỉnh; dân chủ được phát huy, quyền và nghĩa vụ của công dân được tôn trọng.
Tuy nhiên, cũng còn những yếu kém, khuyết điểm cần khắc phục như: Một số chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội IX đề ra chưa đạt. Trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư chưa cao; một số công trình, dự án trọng điểm triển khai chậm; sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại - dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn gặp khó khăn và vướng mắc. Khoa học và công nghệ chưa thể hiện được vai trò quan trọng trong lực lượng sản xuất. Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường còn hạn chế. Lĩnh vực văn hóa, xã hội có mặt yếu kém, khắc phục chậm. Sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo an ninh quốc phòng chưa thực sự chặt chẽ; an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định. Hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước, công tác xây dựng Đảng còn hạn chế ở một số mặt. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời.
Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan: Do tác động của suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh, giá cả những măt hàng chủ lực của tỉnh giảm sâu, các yếu kém vốn có của nền kinh tế; những diễn biến phức tạp trên biển Đông, sự chống phá của các thế lực thù địch; nguyên nhân thuộc về chủ quan như sau:
Thứ nhất: Chậm xử lý những khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết, nhất là những khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế.
Thứ hai: Việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp tuy đã được quan tâm nhưng chưa kịp thời, chưa thực sự đồng bộ, chưa sát với yêu cầu thực tế của từng thời điểm giúp doanh nghiệp vượt qua thời kỳ suy giảm kinh tế. Chưa tạo được cơ chế, chính sách có tính đột phá để huy động mọi nguồn lực, nhất là thu hút vốn đầu tư cho phát triển.
Thứ ba: Trong quản lý điều hành đã phạm sai lầm khuyết điểm; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và một số quy định pháp luật, để lại hậu quả nặng nề, khó khắc phục.
Thứ tư: Vai trò lãnh đạo của Đảng, nguyên tắc tập trung trong sinh hoạt đảng; công tác quản lý cán bộ, đảng viên, tổng kết thực tiễn có lúc, có nơi chưa thực sự được coi trọng.
Thứ năm: Công tác phối hợp, tuyên truyền, vận động nhân dân chưa sát với yêu cầu nhiệm vụ.
2. Về mục tiêu nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2015 – 2020:
Mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới là: Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới. Tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ; đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh; tạo động lực đưa Bình Phước phát triển nhanh, bền vững, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Phấn đấu đạt các chỉ tiêu sau:
a) Về kinh tế:
1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP, giá so sánh 2010) bình quân thời kỳ 2016 - 2020 là 7,5%/năm.
2. Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người đạt 61,1 triệu đồng (tương đương 2.848 USD).
3. Cơ cấu kinh tế (theo giá thực tế) đến năm 2020 là: Nông - lâm - thủy sản: 32,4%; Công nghiệp - xây dựng: 30%; Thương mại - Dịch vụ: 37,6%.
4. Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020 là 100.000 tỷ đồng.
5. Thu ngân sách nhà nước đến năm 2020 đạt 4.850 tỷ đồng.
6. Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 2 tỷ USD.
7. Tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm đến năm 2020 đạt 74,8%; có 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường; 98% dân số nông thôn và 99% dân số đô thị sử dụng nước hợp vệ sinh.
b) Về xã hội:
8. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới: 50% trên tổng số xã.
9. Có 25% trường học đạt chuẩn quốc gia.
10. Có 100% đề tài sau nghiệm thu được đưa vào ứng dụng hiệu quả.
11. Phấn đấu đạt 8,5 bác sỹ và 30,5 giường bệnh/vạn dân; mức giảm tỷ suất sinh hằng năm 0,2%o; có 95% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế (theo tiêu chí mới); có 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng; khống chế tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng là 13,5%.
12. Phấn đấu hàng năm có từ 80% trở lên hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”; có từ 60% trở lên thôn, ấp, khu phố và tương đương được công nhận, giữ vững danh hiệu “thôn, ấp, khu phố văn hóa”; có từ 50% trở lên xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; có từ 50% trở lên phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; có từ 80% trở lên cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
13. Giải quyết việc làm cho 150.000 lao động; khống chế tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị mức dưới 3%, duy trì tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn trên 90%. Đào tạo nghề cho 30.000 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,0% theo tiêu chí hiện hành.
c) Về xây dựng hệ thống chính trị:
14. Hàng năm có từ 80% trở lên tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; kết nạp mới khoảng 6.000 đảng viên.
15. Mỗi tổ chức đoàn thể chính trị, hàng năm có trên 90% tổ chức cơ sở được xếp loại khá trở lên; thu hút 80% đối tượng quần chúng vào tổ chức.
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, các nhiệm vụ, giải pháp nêu trong báo cáo chính trị, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập trung vào các lĩnh vực:
1.1. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Ưu tiên đầu tư vào 6 lĩnh vực: Hệ thống điện; Hệ thống đường giao thông; Hệ thống trường học; Hệ thống cơ sở y tế; Hệ thống trạm, trại; Hệ thống thủy lợi.
1.2. Tái cơ cấu nền kinh tế trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Triển khai thực hiện 6 chương trình kinh tế sau: (1) Chương trình phát triển công nghiệp - xây dựng; (2) Chương trình phát triển nông, lâm nghiệp; (3) Chương trình phát triển du lịch; (4) Chương trình phát triển thương mại - dịch vụ; (5) Chương trình đô thị hóa; (6) Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Tập trung nguồn lực triển khai thực hiện các dự án trọng điểm gồm: (1) Dự án khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Đồng Phú, (2) dự án Becamex Bình Phước, (3) dự án đường Đồng Phú - Bình Dương, (4) dự án đường Minh Hưng - Đồng Nơ, (5) dự án Tà Thiết - Hoa Lư, (6) dự án nâng cấp đường ĐT759, (7) dự án nâng cấp đường tuần tra biên giới, (8) dự án khu du lịch sinh thái Bù Gia Mập, (9) dự án khu du lịch tâm linh núi Bà Rá, (10) dự án Khu di tích lịch sử và du lịch sinh thái căn cứ Bộ chỉ huy Miền - Tà Thiết, (11) dự án Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo.
1.3. Tiếp tục nâng cao hiệu quả đầu tư công, hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo hiểm; đẩy mạnh huy động vốn.
2. Nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả khoa học - công nghệ vào sản xuất, từng bước nâng cao năng suất lao động, tạo sản phẩm mới có sức cạnh tranh cao.
3. Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
4. Đẩy mạnh thực hiện các lĩnh vực xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân: Chú trọng xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Tập trung nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, thiết thực. Phát động phong trào người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trước hết là xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan Nhà nước, trong doanh nghiệp với ý thức thượng tôn pháp luật, giữ gìn chữ tín, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.
Tiếp tục ưu tiên phát triển giáo dục - đào tạo; Tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện có hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, tạo bước chuyển biến từ giáo dục trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn.
Coi trọng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng dân số. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh; tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp để kiểm soát tốc độ tăng dân số; đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Tạo chuyển biến căn bản chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo; quan tâm tốt hơn đối với bộ phận người yếu thế trong xã hội. Tập trung giảm nghèo ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện đầy đủ các chính sách đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công và thân nhân của họ. Đẩy mạnh các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”...
5. Đảm bảo quốc phòng - an ninh và đối ngoại: Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị để bảo vệ vững chắc tuyến biên giới của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng - an ninh và quốc phòng - an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, xây dựng khu vực phòng thủ từng bước đi vào chiều sâu, vững mạnh. Chủ động phát hiện, xử lý kịp thời những tình huống phức tạp ngay từ cơ sở.
Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, củng cố quan hệ với các tỉnh giáp biên. Đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước về công tác quốc phòng - an ninh và đối ngoại.
6. Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Tập trung xây dựng đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Trọng tâm công tác cải cách thủ tục hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường kỷ cương, kỷ luật.
7. Đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tập hợp và phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân với trọng tâm là: Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội; đổi mới phương thức tập hợp, vận động, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân theo hướng thiết thực, gắn quyền lợi với trách nhiệm, kết hợp hài hòa lợi ích của tổ chức với lợi ích chung và lợi ích của từng đoàn viên, hội viên; đẩy mạnh dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
II. Thông qua báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa IX trình Đại hội lần thứ X Đảng bộ tỉnh. Giao Ban Chấp hành khóa X tiếp thu ý kiến của đại hội để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, nâng cao chất lượng lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ 2015 - 2020.
III. Thông qua kết quả đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI trình Đại hội lần thứ XII của Đảng.
IV. Thông qua kết quả bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 gồm 55 đồng chí (khuyết 1 đồng chí). Kết quả bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng gồm 16 đại biểu chính thức, 2 đại biểu dự khuyết.
Đại hội giao Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X và các cấp ủy, tổ chức Đảng tổ chức quán triệt, triển khai, xây dựng chương trình và kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X.
Đại hội lần thứ X của Đảng bộ tỉnh Bình Phước, kêu gọi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng; đoàn kết, chung sức, chung lòng tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu nghị quyết đề ra, cùng cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065