Ngày 7-4-2014, Chính phủ đã ban hành nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình. Với những quy định chi tiết về giúp việc gia đình, Nghị định 27/2014/NĐ-CP không những đã chính thức thừa nhận giúp việc gia đình là một nghề, mà còn được kỳ vọng sẽ tạo ra bước quan trọng trong việc bảo vệ những người lao động là người giúp việc gia đình. Tuy vậy, vẫn rất nhiều băn khoăn, hoài nghi về tính khả thi của nghị định này khi đi vào thực tế.
Cụ thể là ngày nghị định này có hiệu lực thi hành (25-5-2014) đã gần kề, nhưng việc thực hiện một số quy định trong nghị định này đang còn nhiều vướng mắc và gây tranh cãi trong dư luận. Đó là việc trả lương, ký hợp đồng và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người giúp việc gia đình như thế nào? Kế đó là trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã, phường đến đâu (?)… thì vẫn chưa rõ. Và những quy định về tiền lương, tiền thưởng và thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi của người giúp việc gia đình sẽ thực hiện ra sao?
Tại Khoản 1, Điều 15 trong nghị định có quy định như sau:
1. Mức tiền lương do hai bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng lao động. Mức tiền lương (bao gồm cả chi phí ăn, ở của người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động nếu có) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận mức chi phí ăn, ở hằng tháng của người lao động (nếu có), nhưng không vượt quá 50% mức tiền lương trong hợp đồng lao động. Ngoài ra, cũng theo quy định tại nghị định này, gia chủ phải trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế theo quy định.
Tuy nhiên, theo nhiều gia đình đang thuê người giúp việc cho biết, mức ưu đãi của gia đình họ dành cho người giúp việc còn cao hơn các quy định này rất nhiều. Hiện mức tiền trả cho người giúp việc ở thị xã Đồng Xoài phần lớn đều có mức từ 2,7 đến 3,5 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể đến chi phí cho hoạt hàng ngày của người giúp việc gia đình, như: Tiền điện, tiền nước, tiền ăn ở…v.v… Theo tính toán của anh TVP ở phường tân Phú, số tiền gia đình anh trả cho người giúp việc là 3,5 triệu đồng/tháng, nếu công chi li các khoản, một tháng anh đã phải mất không dưới 5 triệu đồng. Để giữ chân người giúp việc, anh vẫn cho họ nghỉ ngày chủ nhật cũng như nghỉ Tết Nguyên đán, đồng thời biếu thêm một tháng lương thứ 13 và còn có quà Tết, rồi tiền tàu xe. Nếu tính tất tần tật các khoản trên thì thu nhập của người giúp việc gia đình ở Đồng Xoài đang ở mức cao hơn nhiều so với quy định trong nghị định trên.
Và anh TVP cho biết: Nếu bây giờ yêu cầu chủ nhà phải trả thêm một khoản tương đương phí BHXH và BHYT cho người giúp việc thì tôi sẽ chia nhỏ khoản lương 3,5 triệu thành nhiều mục lương cơ bản, lương bảo hiểm. Chưa hết, nhiều quy định trong nghị định này còn chung chung, không chỉ làm khó người sử dụng lao động mà còn khiến cơ quan quản lý cũng gặp không ít lúng túng. Ví dụ như chủ nhà phải ký hợp đồng với người lao động và thông báo với chính quyền sở tại, nếu không ký kết hợp đồng bằng văn bản sẽ bị phạt hành chính. Trong khi đó, nghị định lại không nêu rõ ai là người kiểm tra, giám sát nên rất khó có thể kiểm soát và đưa quy định này vào thực tiễn. Hơn nữa, giúp việc gia đình là một nghề đặc thù, mối quan hệ giữa người sử dụng người giúp việc và người giúp việc rất đặc biệt, vì họ không chỉ tiếp xúc trong 8 tiếng làm việc mà có thể cùng ở, cùng ăn trong một gia đình. Do đó, các quy định trong nghi định cần có sự hiểu biết và xét đến tính nhân văn giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Một bất cập nữa là tại Khoản 1, Điều 21 trong nghị định có quy định như sau:
1. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi do hai bên thỏa thuận nhưng người lao động phải được nghỉ ít nhất 8 giờ, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục trong 24 giờ liên tục. Và tại Điều 22 có nội dung như sau: Mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp không thể bố trí được thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 01 tháng ít nhất 04 ngày. Thời điểm nghỉ do hai bên thỏa thuận. Tiếp đó, tại Khoản 1, Điều 23 có quy định: 1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm là 12 ngày làm việc và được hưởng nguyên lương. Thời điểm nghỉ do hai bên thỏa thuận. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần. Như vậy, nghị định đặt ra thời gian nghỉ tối thiểu cho người lao động là 8 giờ, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục trong một ngày. Và quy định này sẽ dẫn đến có người hiểu rằng thời gian làm việc hợp pháp của họ có thể lên tới 16 giờ/ngày. Điều này mâu thuẫn với tinh thần của Công ước số 189 về Lao động giúp việc gia đình của ILO (Tổ chức lao động của Liên hợp quốc). Và mục đích của công ước này là nhằm giúp người giúp việc gia đình được hưởng sự bảo vệ về mặt pháp luật như người lao động khác.
Bất cập thứ ba là trong nghị định không quy định rõ chế tài đối với trường hợp gia chủ không trình báo sử dụng người giúp việc, nếu bị phát hiện thì sẽ bị xử phạt như thế nào? Ngoài ra, chính người giúp việc hay gia đình sử dụng lao động này, nếu thấy bên kia không thực hiện đúng các quy định, có thể kiện lên cơ quan chức năng.
Có thể nói, nghị định về giúp việc gia đình đã gửi đi một thông điệp rằng nghề giúp việc gia đình là một nghề chuyên nghiệp, mang lại những lợi ích đáng kể về kinh tế và xã hội cho các gia đình thuê người giúp việc, cho bản thân người giúp việc và cả xã hội. Tuy nhiên, chừng nào những bất cập trên đây được tháo gỡ thì sự kỳ vọng sẽ tạo ra bước quan trọng trong việc bảo vệ những người lao động là người giúp việc gia đình mới đi vào cuộc sống.
Quang Minh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065