Đồng bào S’tiêng biểu diễn cồng chiêng tại sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng - Ảnh: S.H
Dân nhạc của người S’tiêng hết sức độc đáo với nghệ thuật cồng chiêng cùng các loại nhạc cụ. Trước tiên và quan trọng nhất phải kể đến cồng chiêng - một loại hình tiêu biểu, có giá trị nghệ thuật cao. Trong tất cả lễ hội, hoạt động giao lưu văn hóa, nhu cầu giải trí và sinh hoạt của cộng đồng cư dân S’tiêng đều có sự tham gia biểu diễn của cồng chiêng. Cấu trúc cồng chiêng gồm hai loại: goong (cồng) có 5 cái, mặt có núm; ching (chiêng) có 6 cái, không núm. Cồng chiêng không dùng dùi mà chỉ sử dụng tay khi biểu diễn. Đối tượng tham gia biểu diễn chủ yếu là nam giới. Ngoài cồng chiêng thì người S’tiêng có các loại nhạc khác như khèn môi, sáo, tiêu, trống, đàn tre, đàn gió... Khèn môi, sáo, tiêu là những loại nhạc cụ dùng chủ yếu vào mục đích giao lưu kết bạn, để trai gái hẹn hò. Đàn tre thường được treo trong nhà. Đàn tre, trống được biểu diễn cùng với các loại nhạc cụ khác trong sinh hoạt văn hóa của người S’tiêng.
Dân vũ là một loại hình trình diễn dân gian độc đáo của người S’tiêng, đặc biệt là các điệu múa. Thông qua những động tác hình thể để thể hiện những hoạt động văn hóa thường ngày, được hình thành trong sự tương tác giữa con người với tự nhiên, như múa lục lạc, múa trong biểu diễn cồng chiêng, múa bà bóng... Trong đó tiêu biểu là múa bà bóng. Tùy vào từng gia đình và quy mô của lễ hội mà số người tham gia biểu diễn khác nhau. Múa bà bóng hầu hết là nữ và được biểu diễn trên nền nhạc cồng chiêng, lục lạc, trống... Động tác múa chủ yếu là sự chuyển động của đôi tay, đôi chân. Thời lượng múa không hạn định. Diễn tiến kéo dài theo diễn trình của lễ cúng bà bóng. Múa bà bóng không chỉ phục vụ lễ hội mà còn đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân.
Người S’tiêng có khá nhiều truyền thuyết, truyện kể, thơ ca dân gian nói về nguồn gốc tộc người, sự tích các vị thần, lịch sử đấu tranh và xây dựng của cộng đồng, những sinh hoạt thường ngày, tình yêu nam nữ... Trong đó hát tâm pơt, pơn rao là hai loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc S’tiêng. Loại hình nghệ thuật này có từ lâu đời và được truyền lại từ đời này sang đời khác. Cả hai loại hình đều có một phương thức thực hiện tương tự là những người lớn tuổi thường hát kể cho con cháu trong gia đình nghe. Có những câu chuyện, thời gian kể kéo dài hơn 5 giờ liên tục. Câu chuyện ngắn cũng phải mất 2-3 giờ kể. Thời gian thực hiện loại hình nghệ thuật này thường vào buổi tối. Do dung lượng khá dài nên thường mỗi tối hát kể một đoạn, hôm sau hát kể tiếp. Cứ như thế, kể xong câu chuyện này thì chuyển sang câu chuyện khác. Người S’tiêng còn có các làn điệu hát ru, hát dân ca, hát la nao (hát tự sự về một chủ đề nào đó)...
Nghệ thuật trình diễn dân gian của cư dân S’tiêng là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng cư dân. Mặc dù có những biến động xã hội và các tác nhân khác làm mai một một số giá trị và loại hình. Tuy nhiên, số lượng di sản duy trì trong cộng đồng cư dân còn khá lớn, vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của họ. Nghệ thuật trình diễn dân gian là một bộ phận quan trọng trong vốn di sản phi vật thể quý giá của người S’tiêng nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Nguyễn Tất Thắng
Bảo tàng tỉnh Bình Phước
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065