Phóng viên (PV): Thưa PGS, TS Trương Ngọc Nam, vừa qua, Báo Quân đội nhân dân đã đăng vệt bài "Phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng - vấn đề sống còn của Đảng và chế độ ta”. Đồng chí nhìn nhận về vấn đề này như thế nào, đặc biệt là thực trạng của vấn đề trong thanh niên, sinh viên hiện nay?
PGS, TS Trương Ngọc Nam: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ rõ tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cảnh báo nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong Đảng và cả trong xã hội có chiều hướng không giảm mà còn gia tăng nghiêm trọng hơn. Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) lần này cũng đang bàn giải pháp khắc phục nguy cơ lớn này. Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải có giải pháp nhằm vào những nguyên nhân chính, quan trọng. Thứ nhất, một trong những nguyên nhân cơ bản là hạn chế của công tác cán bộ. Chúng ta chưa có cơ chế đồng bộ để cán bộ, đảng viên luôn tự rèn luyện, tự tu dưỡng và được kiểm soát để bảo đảm phẩm chất, năng lực của mình không bị tha hóa, biến chất. Thứ hai, chúng ta phải có một cơ chế kiểm soát quyền lực; đây là vấn đề rất lớn, là vấn đề của toàn bộ hệ thống trong điều kiện Đảng ta là đảng chính trị duy nhất cầm quyền. Nếu chúng ta không kiểm soát quyền lực mà để quyền lực bị tha hóa thì không cách gì để chúng ta ngăn chặn suy thoái. Hệ thống các quy định, quy chế hiện chưa đầy đủ, chưa cụ thể và chưa hiệu quả. Thứ ba là cần phải có những giải pháp rất căn cơ về công tác tư tưởng, giáo dục chính trị và giáo dục đạo đức.
Về tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong thanh niên, sinh viên, đây là đối tượng lôi kéo của cả những người tiến hành chiến lược “Diễn biến hòa bình” và những người đã “tự chuyển hóa”. Tình trạng “tự chuyển hóa”, hay sự suy thoái từ trong Đảng, bộ máy nhà nước ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và tư tưởng của thanh niên, sinh viên. Những con người giữ vị trí nhất định trong xã hội luôn có tác động rất mạnh đến đời sống chính trị, tư tưởng, tinh thần, tình cảm của thanh niên, sinh viên. Đáng ngại là sự tác động tiêu cực đó hiện chưa giảm đi, không được ngăn chặn. Còn về biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” thì sinh viên đang có một bộ phận rơi vào hoài nghi, không có niềm tin vào chế độ, vào Đảng. Vì thế, nếu chúng ta có các giải pháp đấu tranh, ngăn chặn trong nội bộ Đảng, trong hệ thống chính trị thì tự nhiên công tác giáo dục thanh thiếu niên, sinh viên sẽ có những cơ sở, những trụ cột để dựa vào. Tôi cho rằng, đây là mối liên hệ rất đặc thù giữa xây dựng Đảng và công tác giáo dục thanh niên và nhất là sinh viên.
Đối với nhà trường, để ngăn chặn nguy cơ “tự diễn biến” trong sinh viên, trong quá trình giảng dạy, giáo dục, rèn luyện sinh viên phải đặc biệt coi trọng dân chủ ở học đường, phải quan tâm và có chính sách xã hội phù hợp để giúp đỡ thanh niên, sinh viên, tạo điều kiện để sinh viên có cơ hội học tập tốt và tiến thân, lập nghiệp sau khi ra trường. Quan tâm đến đời sống sinh viên, đồng hành với các em trong chuẩn bị tương lai thì các em sẽ không bị lôi kéo, không bị “kích động”, những tư tưởng tiêu cực sẽ ít “đất” để sinh sôi. Tất nhiên, cùng với quá trình đó phải coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho sinh viên. Như thế là vừa tạo điều kiện cho sinh viên phát triển, vừa làm “tấm khiên” che chắn những tác động tiêu cực từ bên ngoài vào các em.
PV: Là một nhà giáo nhưng đồng thời cũng là một nhà báo, đồng chí suy nghĩ như thế nào nếu như có hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong đội ngũ nhà báo và cơ quan báo chí, truyền thông? Việc này nguy hại như thế nào đối với công tác xây dựng Đảng?
PGS, TS Trương Ngọc Nam: Đội ngũ nhà báo, cơ quan báo chí, truyền thông có vị trí rất quan trọng trong xã hội và trong công tác xây dựng Đảng. Cho nên, tôi nghĩ nếu sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra ngay trong đội ngũ nhà báo, cơ quan báo chí truyền thông thì tác hại sẽ rất lớn, khôn lường. Tính lan tỏa của truyền thông đối với xã hội sẽ làm những vấn đề tiêu cực ở bộ phận bị thổi bùng lên thành những phản ứng tiêu cực, bức xúc xã hội. Biểu hiện này đã có, như việc đưa thông tin ở một số cơ quan báo chí không phản ánh đúng sự thật, không đúng bản chất. Điều đó tác động theo hướng tiêu cực rất mạnh đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Vì thế, chúng ta phải xây dựng được cơ chế làm việc, các quy định, các thiết chế, kể cả đạo đức, pháp luật để cho người làm báo nói lên sự thật, đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực nhưng trên tinh thần xây dựng, vì sự nghiệp của dân, của nước, của Đảng chứ không phải vì động cơ cá nhân. Đặc biệt, hiện nay phải chống quan điểm vụ lợi trong làm báo, đó chính là biểu hiện “lợi ích nhóm” trong báo chí và nếu để điều đó “phát triển” trong các cơ quan báo chí thì nó sẽ ảnh hưởng khôn lường đến xã hội.
Nhà báo là những cán bộ, đảng viên, họ đều là những con người cụ thể. Tình trạng suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ của xã hội, của Đảng thì chắc trong đội ngũ nhà báo cũng có một số người như thế. Tất nhiên, những cơ quan báo chí mà duy trì nghiêm nguyên tắc sinh hoạt Đảng, tổ chức Đảng vững mạnh thì sẽ giảm đến mức tối thiểu tình trạng suy thoái trong cán bộ, phóng viên. Từ quan sát của bản thân, tôi cho rằng đại đa số nhà báo hiện đều giữ được lập trường chính trị, ý thức, niềm tin, thái độ, tâm thế làm báo và có cái tâm cùng với tầm nhìn. Trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân, trách nhiệm với Đảng được họ thể hiện trong việc phát hiện các hiện tượng tiêu cực, phản ánh đúng đời sống của nhân dân đến Đảng, Chính phủ. Tuy nhiên, trong nội bộ các cơ quan báo chí không tránh khỏi những cá nhân vì một động cơ nào đó hoặc là vì có một thái độ, quan điểm không đúng mà có những bài báo, việc làm ảnh hưởng đến giới báo chí. Những trường hợp như vậy, chúng ta phải có kỷ luật nghiêm minh nhưng cũng phải coi trọng giáo dục, thuyết phục, đồng thời phải có chính sách cụ thể. Chúng ta trân trọng những người biết sửa sai sau khi lạc đường, còn những người nào đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, chủ trương, đường lối của Đảng một cách cố tình, có chủ đích, gây hậu quả thì phải xử lý nghiêm.
PV: Thưa đồng chí, cả hai vấn đề nêu trên đều phản ánh một thực tế là công tác giáo dục chính trị tư tưởng của chúng ta tồn tại nhiều hạn chế. Là người nghiên cứu sâu lĩnh vực xây dựng Đảng, đồng chí có suy nghĩ gì về giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị trong Đảng và trong xã hội ?
PGS, TS Trương Ngọc Nam: Như Đảng ta đã nhận định, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống hiện còn hình thức, chưa đủ sức động viên và thường xuyên nâng cao ý chí cách mạng của cán bộ, đảng viên; một số nơi có tình trạng những việc làm đúng, gương người tốt không được đề cao, bảo vệ; những sai sót, vi phạm không được phê phán, xử lý nghiêm minh. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên, ráo riết; đấu tranh với những vi phạm còn nể nang, không nghiêm túc. Vai trò giám sát của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội chưa được phát huy, hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, giáo dục có một số hạn chế như nội dung nghèo nàn, hình thức khô cứng, phương pháp thiếu linh hoạt, sáng tạo, đặc biệt là việc tuyên truyền, giáo dục một chiều. Ngay cả với một bộ phận nhỏ rơi vào “tự diễn biến”, chúng ta chưa tác động theo chiều hướng vừa "đẩy", vừa "hút”. “Đẩy” là đấu tranh với những quan điểm sai trái, “hút” là tạo con đường cho họ nhận thức lại, đi đến nhận thức đúng. Trong tuyên truyền, giáo dục, tôi cho rằng phải tăng cường đối thoại, trao đổi một cách chân thành, trách nhiệm để xây dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Thực tế, nhiều khi chúng ta tuyên truyền một chiều, thậm chí áp đặt; chỉ lo "đẩy" các nội dung, chủ trương, quan điểm của Đảng tới nhân dân nhưng chưa lắng nghe xem dân nói gì, phản ứng thế nào, góp ý gì vào vấn đề đó. Công tác tuyên truyền, giáo dục thiếu sự trao đổi, đối thoại và không có kiểm tra, đánh giá hiệu quả để điều chỉnh, nâng cao chất lượng.
Một hạn chế khác là đội ngũ người làm tuyên truyền, giáo dục chưa chuyên nghiệp. Chúng tôi đã có dịp đi thực tế, khảo sát công tác giáo dục, tuyên truyền của các nước tiên tiến, kể cả công tác tuyên truyền của các đảng chính trị, họ làm rất bài bản, khoa học. Người đi tuyên truyền, giáo dục là những người được đào tạo chuyên nghiệp. Mục tiêu tuyên truyền của họ rất rõ là xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với từng nhóm xã hội, với công chúng và nhân dân. Tuyên truyền không chỉ để dân nghe, dân biết mà quan trọng là để dân hành động. Hành động của nhân dân là thước đo hiệu quả tuyên truyền. Ở nước ta cũng vậy, tôi nghĩ việc tuyên truyền không chỉ để dân tin vào Đảng mà quan trọng là để dân tự nguyện, tự giác làm theo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, tuyên truyền để các lợi ích của dân được thực hiện tốt hơn. Đối tượng nào cũng vậy, đều thích nghe những điều liên quan đến lợi ích sát sườn của mình. Công tác tuyên truyền, giáo dục cần đổi mới mạnh mẽ theo hướng này thì mới đáp ứng được yêu cầu của tình hình cấp bách hiện nay.