Xưa học trò vẫn thường gọi họ là “ông cai”. Ngày nay họ là những người bảo vệ trường học. Nói về nghề của mình, một người gần 20 năm gắn bó với nghề “cai trường” đã hài hước: “Nếu tôi là nhà văn, tôi sẽ viết tác phẩm “Nghìn lẻ một chuyện quậy phá của học sinh”, bảo đảm không có kiểu nghịch nào giống kiểu nghịch nào và phụ huynh thường không hay biết điều đó!
Nỗi khổ những "ông cai"
Hơn 50 tuổi đời, đến lúc này ông Nguyễn Đình Lập (bảo vệ trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Hớn Quản) vẫn cho rằng mình đã đúng khi chọn nghề “cai trường”. Hàng ngày, ông vẫn miệt mài với công việc tưởng chừng như rất nhàm chán: Mở cửa lớp, kiểm tra các phòng học, mở cổng đón học sinh, kiểm tra xem học sinh để xe có đúng chỗ không… Gần 20 năm gắn bó với ngôi trường Nguyễn Huệ, hơn ai hết, ông hiểu sự khác biệt thế hệ của học trò xưa và nay.
"Ông cai" Lê Đức Chung (trường THPT Đồng Xoài, TX. Đồng Xoài) bên phòng trực bảo vệ
Ông Lập tâm sự: “Học trò trước ngoan hiền lắm, nghịch cũng dễ thương chứ không lì lợm quá quắt như học trò thời nay. Giờ học trò rất hay lý sự, có cháu trốn tiết đi chơi, tôi nhắc nhở, chúng còn tỏ thái độ khó chịu”. Một “ông cai” khác có hơn 10 năm trong nghề, chia sẻ: “Có những thời điểm tôi định xin nghỉ, kiếm việc khác làm cho bớt căng thẳng. Hầu như ngày nào ở đây, tôi cũng phải đối diện và chứng kiến những sự việc mà đáng lẽ ra không bao giờ xuất hiện trong môi trường sư phạm. Học sinh cãi vã, đánh nhau trong trường hay thản nhiên bỏ học giữa giờ, ra ngoài chơi game. Thậm chí không ít em đến trường với tác phong không khác gì dân bụi đời. Chứng kiến những điều đó, lòng tôi vừa bực bội vừa xót xa cho những phụ huynh cứ tin rằng con mình học hành nghiêm túc”.
Hiện có rất nhiều học sinh THPT chưa đủ tuổi vẫn đi học bằng xe máy. Đây là hiện tượng phổ biến khắp cả nước. Thầy giáo Nguyễn Xuân Báo, Phó hiệu trưởng trường THPT bán công Nguyễn Huệ (TX. Bình Long) cho biết: “Hiện nay, nhiều trường THPT có xe đưa rước học sinh nhưng nhiều em ở xa, rải rác nhiều nơi nên xe đưa rước không vào tới nơi được. Nếu cấm các em đi xe máy đến trường, chỉ còn nước nói các em nghỉ học. Chính vì lý do đó, chúng tôi cho phép các em đi xe máy dưới 50 phân khối đến trường”. Lợi dụng điều đó, nhiều em đua đòi đi xe phân khối lớn đến trường. Không những thế, tình trạng học sinh đi xe máy chở 3, chở 4 còn phổ biến. “Đơn cử ngày 16-10-2010, chúng tôi đã tiến hành lập biên bản một trường hợp học sinh đi xe máy chở 3 vào trong sân trường và biểu diễn bốc đầu xe, sau đó mời công an, cha mẹ học sinh lên xử lý”, ông Lập thuật lại. Theo ông, việc học sinh sử dụng điện thoại di động và xe máy ảnh hưởng nhiều đến việc học, vì các em chỉ lo chát chít, chơi bời, học đòi, đua xe… rất nguy hiểm
"Ông cai" Hoàng Văn Huy (trường Tiểu học Tân Phú, TX. Đồng Xoài) đang thực hiện công việc thân thuộc của mình
Trong trường học, dù không có vị trí khả kính như thầy, cô giáo, song các “ông cai” vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách cho học sinh, nhất là những học sinh có dấu hiệu hư hỏng, quậy phá. Đó là một công việc khó khăn, người không có lòng kiên trì và tình thương thì không làm được. Ông Lập kể, có lần học sinh uống rượu say bên ngoài rồi vào lớp nôn mửa bừa bãi. Giáo viên yêu cầu ra khỏi lớp không được, phải nhờ ông "cai" đưa ra để ban giám hiệu xử lý. “Những ngày sau đó, tôi thường xuyên tiếp cận các cháu, phân tích điều hơn lẽ thiệt và những tác động xấu của rượu bia ảnh đến sức khỏe tương lai của các cháu. Mưa dầm thấm lâu, từ đó các cháu tiến bộ rõ rệt, học hành chăm chỉ và cả 3 đều đỗ tốt nghiệp”, ông Lập nói đó là niềm vui lớn nhất trong công việc của ông
1001 trò "khoái khẩu" của học sinh
“Ngày xưa học sinh quậy nhau có thể chỉ vì giây phút nông nổi, rồi sau đó thưa với cô giáo bạn này bạn nọ đánh con… Còn nay khác nhiều lắm. Chỉ cần mâu thuẫn nhỏ, các em đã xử nhau như xã hội đen. Móc ngay điện thoại gọi băng nhóm của mình chuẩn bị sẵn “hàng” mai phục tại cổng trường, đợi khi tan lớp, trả đũa nhau. Đánh xong còn gọi nhau đi nhậu nhẹt”, ông Lập chia sẻ với chúng tôi.
Ông "cai" Trần Văn Thông bảo vệ trường Tiểu Học Đăng Hà B (xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng) kể những chiêu học sinh thường gây khó cho ông như: nhét cây khô vào ổ khóa cửa lớp, đập phá bóng điện, gây ô uế trong nhà vệ sinh, vẽ bậy trên bàn… Những học sinh cá biệt đó, hầu như ở trường nào cũng có, đã gây không ít phiền toái cho các thầy cô giáo và những ông cai. Ông Thông tếu táo tiếp chuyện: “Nếu tôi là nhà văn, tôi sẽ viết tác phẩm “Nghìn lẻ chuyện quậy phá của học sinh”, bảo đảm không có kiểu nghịch nào giống kiểu nghịch nào!
Thầy Phan Văn Hiếu, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đăng Hà (xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng) cho biết: "Học sinh tiểu học cũng tinh nghịch không kém gì các lớp đàn anh, đàn chị, nhất là các em lưu ban hoặc đi học trễ. Chúng tôi khá vất vả vì "trò" đổ keo dán sắt và nhét cành cây khô vào khóa cửa lớp. Các em còn ngây thơ chỉ nghĩ đổ keo dán sắt vào khóa lớp, cửa lớp không mở được thế là được nghỉ học... khiến bảo vệ nhà trường phải cưa khóa cho học sinh vào lớp".
“Hè đến học sinh nghỉ học hết, chỉ còn lại tôi với ngôi trường tĩnh lặng. Nhìn những cánh phượng rơi giữa sân trường rộng lớn, lòng tôi thấy trống trải vô cùng. Ngẫm nghĩ lại những trò nghịch của học sinh, rồi cười một mình, tôi thầm nghĩ, niềm hạnh phúc của chúng tôi là được chứng kiến từng lớp học trò lớn lên, trưởng thành. Tôi tìm thấy niềm vui bởi dù không dạy chữ, nhưng góp phần cùng các thầy cô giáo đem đến cho các em bài học sinh động về đạo làm người". Ông “cai” Nguyễn Đình Lập đã tự hào nói về nghề của mình như vậy!
Nhất Sơn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065