Tự hào về truyền thống
Cụ Nguyễn Thị Chát (SN 1916), quê xã Nga Mỹ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Cụ sinh ra lúc đất nước đang loạn lạc, gia đình đông anh em lại nghèo đói nên mới 8 tuổi cụ phải đi ở cho nhà địa chủ trong vùng, đến năm 23 tuổi thì được gả chồng. Ngày toàn quốc kháng chiến, chồng cụ Chát là cụ Mai Bá Cổn (SN 1918) tham gia cách mạng chống Pháp nên cụ Chát một mình nuôi 5 người con. Đến năm 1965, Nhà nước kêu gọi thanh niên nhập ngũ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, con trai đầu của cụ Chát là Mai Bá Côn (SN 1947) đã lên đường cứu nước. Chiến tranh kéo dài, đến năm 1970, cụ Chát tiếp tục động viên con trai thứ hai là Mai Bá Cương (SN 1950) nhập ngũ để cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Gia đình cụ Chát có 7 người thì 3 người (chồng và 2 con) ra chiến trường đánh giặc, những người ở lại làm hậu phương xây dựng quê hương và chi viện cho tiền tuyến. Chiến tranh chống Pháp kết thúc, chồng cụ Chát trở về trong niềm hân hoan của gia đình. Nhưng 2 lần tiễn con ra chiến trường cụ Chát không một lần được đón các con trở về. Đến bây giờ, thời gian vẫn không xóa được nỗi đau trong lòng người mẹ. Kể về liệt sĩ Mai Bá Côn hy sinh tại chiến trường Quảng Bình vào tháng 7-1972, nước mắt cụ Chát chảy dài trên má nhăn nheo. Lòng cụ như thắt lại, giọng nghẹn ngào khi nói về sự hy sinh của con trai Mai Bá Cương vào tháng 1-1973 tại chiến trường Tiền Giang. Sau ít phút lặng xuống vì nỗi đau, cụ Chát tự hào nói: “Chúng nó hy sinh để góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn đất nước”.
Đến năm 1978, chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, vợ chồng cụ Chát tiếp tục động viên con trai út là Mai Văn Quyết (SN 1959) lên đường nhập ngũ. 6 năm quân ngũ trôi qua, cụ rất vui mừng khi con trai út trở về lành lặn. Sự đóng góp của gia đình cụ Chát cho cách mạng, cho 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ là vô cùng to lớn. Vì thế, năm 2014, cụ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.
Xây dựng kinh tế trên vùng đất mới
Năm 1975, ông Mai Văn Xuyên (người con thứ 4) của cụ lập gia đình và sau đó không lâu cả nhà vào xã Long Hưng, huyện Phú Riềng (Bình Phước) làm kinh tế. Ngày mới vào xã Long Hưng sinh sống, cả nhà chỉ đủ tiền mua 2 ha đất có 10 cây điều và 15 trụ tiêu. Vợ chồng ông Xuyên vào rừng chặt lồ ô, cắt cỏ tranh về dựng chòi ở tạm, rồi phát cỏ, cuốc đất trồng điều xen lúa và các loại cây rau màu phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Khi đã có chỗ ở tạm, hằng ngày, ông Xuyên đi bốc vác, làm cỏ, phun thuốc cỏ thuê để kiếm tiền mua gạo, mắm muối. Sau một thời gian cây trong vườn cho thu, kinh tế gia đình ông dần ổn định.
Năm 1994, ông Xuyên về quê đón cha mẹ vào sinh sống cùng. Ông Xuyên cho biết: Cha mẹ nuôi mình từ nhỏ đến lớn, giờ cha mẹ tuổi cao mình phải phụng dưỡng. Trước đây, kinh tế gia đình khó khăn nên phải nhờ chú út phụng dưỡng cha mẹ một thời gian. Kinh tế ổn định, vợ chồng tôi liền đón ông bà vào. Tuy nhiên, do tuổi cao sức yếu nên cha tôi vào đây được vài năm rồi mất. Giờ chỉ còn mẹ. Bà cụ năm nay 102 tuổi, sức khỏe cũng chỉ như ngọn đèn trước gió.
Trên diện tích 2 ha đất trồng điều, hộ ông Xuyên trồng xen hồ tiêu, đồng thời chăm sóc, bón phân khoa học nên hằng năm cho thu nhập khá. Tích lũy dần, ông mua thêm 2 ha đất trồng điều ở xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) và gần 1 ha cao su gần nhà. Trung bình mỗi năm gia đình ông Xuyên thu nhập trên 500 triệu đồng. Khi 5 người con trưởng thành và lập gia đình, ông Xuyên chia cho mỗi người một phần đất để sản xuất. Còn lại 2 ha đất trồng tiêu xen điều vợ chồng ông để lại cho con trai thứ 2 là Mai Bá Kỳ vừa làm kinh tế gia đình vừa phụ nuôi dưỡng bà và ba mẹ.
“Tứ đại đồng đường”
Hơn 1 thập niên đã qua, chiến tranh, thời gian đã lấy đi nhiều người thân của cụ Chát, nhưng không ngày nào cụ phải sống cô đơn. Gia đình cụ đang có 4 thế hệ chung sống một nhà. Năm 2018, cụ Chát tròn 102 tuổi, vợ chồng con trai cụ là Mai Văn Xuyên và bà Mai Thị Cảnh cũng bước sang tuổi thất thập, cháu nội cụ là anh Mai Văn Kỳ đã có hai con, đứa lớn 14 tuổi, đứa nhỏ 9 tuổi. 4 thế hệ gia đình cụ Chát luôn sống yêu thương, hòa thuận. Và đây được xem là bí quyết giúp cụ sống vui, khỏe và gương mẫu cho con cháu noi theo. Ở cái tuổi 102, ít người có sức khỏe, nhanh nhẹn và minh mẫn như cụ. Mọi sinh hoạt hằng ngày cụ vẫn tự phục vụ, chỉ khi ốm đau cụ mới cần con cháu giúp.
Hằng ngày, các thế hệ trong gia đình cụ Chát lại quây quần bên nhau sau bữa cơm chiều
Bà Mai Thị Cảnh cho biết: Từ ngày về làm dâu, chưa lần nào tôi thấy cha mẹ to tiếng với nhau. Cha mẹ sống với anh em, họ hàng, bà con lối xóm rất vui vẻ, nhiệt tình. Thấy cha mẹ sống hòa thuận, hạnh phúc nên vợ chồng tôi luôn lấy đó làm tấm gương để học tập và giáo dục các con, cháu phải gìn giữ những nét văn hóa truyền thống gia đình. Mỗi lần tôi làm sai điều gì, mẹ chồng đều gọi tôi vào phòng và góp ý nhỏ nhẹ. Vì vậy, suốt quãng thời gian làm dâu, giữa tôi và mẹ chồng chưa hề có lời qua tiếng lại. Mẹ con tôi rất hiểu nhau.
Dù hòa thuận đến đâu nhưng gia đình cụ Chát cũng không thể tránh khỏi lúc bất đồng ý kiến giữa các thành viên. “Vì vậy, trước hết bản thân những người làm cha mẹ phải là tấm gương để con, cháu học tập. Vợ chồng tôi không bao giờ to tiếng trước mặt con, cháu. Đối với cha mẹ phải lễ phép, hiếu thảo. Mỗi khi nóng giận, bản thân mình phải tự kiềm chế. Những thành viên trong gia đình sai thì phải góp ý tế nhị, phân tích để ai mắc lỗi hiểu ra cái sai và không tái phạm. Mỗi lần gia đình họp mặt đông đủ nhân dịp lễ, tết... vợ chồng tôi đều giáo dục các con sống cho phải đạo, biết kính trên, nhường dưới, anh em trong nhà phải hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau. Ra xã hội phải là công dân tốt, sẵn sàng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, không được ganh đua thiệt hơn” - bà Cảnh cho biết thêm.
Bằng cách giáo dục tình cảm, mỗi thành viên trong gia đình cụ Chát luôn nêu cao ý thức xây dựng tổ ấm đoàn tụ, chính điều này đã tạo nên một “tứ đại đồng đường” ấm áp, hạnh phúc và tràn ngập yêu thương. Các thành viên trong gia đình luôn sống lạc quan, con cháu chăm ngoan học giỏi, cha mẹ yên tâm sản xuất, ông bà sống vui, khỏe.
T. Hương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065