Tình cờ gặp một người làng tại đám cưới ở thành phố Hồ Chí Minh. Sau một hồi hỏi han tình hình, ông nói với tôi: Làm nghề viết, sắp “hưu” rồi sao không viết cái gì về làng mình đi! Tôi “ớ” người ra. Ừ nhỉ, quả là từ trước tới giờ, tôi chưa viết được cái gì ra hồn về làng mình cả! Gần hết cuộc đời làm báo với những chuyến đi thực tế triền miên, ký ức về làng quê trong tôi thường là nỗi nhớ thương mơ hồ mà tôi không thể nào cắt nghĩa được. Ấy là khi phát hiện một bờ ao, một ngõ xóm, một triền đê hay một chòi canh trên cánh đồng na ná cảnh quê mình lại chợt thấy lòng nhói lên. Thế nên dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi này, tôi đã cố gắng thu xếp để về quê đón tết.
Đã 22 năm xa quê, lập nghiệp ở một đô thị trẻ đang được người ta nhắc tới bằng một cái tên rất mời gọi là vùng kinh tế tiềm năng, những ồn ào tiếng xe, tiếng nhạc, những rực rỡ đèn xanh đèn đỏ, những phức thơm của mùi vị phố phường vẫn không thể làm tôi nguôi ngoai một niềm thương nỗi nhớ không mang rõ hình hài nơi quê nhà. Những lúc nhớ về làng quê, nỗi nhớ thường dẫn tôi về nơi xóm cũ, nơi mà cả quãng đời thơ ấu của tôi đã diễn ra ở đó. Xóm cũ của tôi nằm sát bờ sông, hướng mặt ra cánh đồng và nhà tôi ở tận cuối xóm, ngay sát cầu sông. Cầu sông Đình của xóm tôi không rộng, không đẹp, chỉ có vài tấm đá xanh kê làm nơi giặt giũ, tắm rửa, nhưng tôi luôn cảm nhận nhịp sống hồn hậu thôn quê diễn ra suốt từ sáng sớm đến khi tối mịt nơi cầu sông ấy.
Tôi vẫn nhớ cứ tối nhọ mặt người thì thằng bé nhà bên mới đánh trâu về qua ngõ nhà tôi. Con trâu mộng đủng đỉnh như chẳng để ý gì đến vẻ nóng lòng của cậu chủ. Mặc cho ngọn roi quất đen đét vào mông, đến đoạn rẽ về nhà, bao giờ nó cũng cọ hông vào bụi duối ven đường, khiến những cành duối không thể mọc dài ra được mà cứ nhẵn bóng lên. Lâu dần, vết cọ ấy trở thành vệt mòn đặc trưng của ngõ xóm. Vào thời điểm ấy, cầu sông Đình lại lao xao tiếng nói cười của những người đi làm đồng về. Trên tay ai cũng mang theo một dụng cụ lao động nào đó, người thì cái cày, cái cuốc, người thì liềm hái, quang gánh. Và dù không ai đứng ra phân định rạch ròi, nhưng cứ như luật bất thành văn, phía trên cầu, cánh đàn ông thi nhau ngụp lặn. Phía dưới, các bà, các chị vừa tranh thủ rửa rau, vừa giặt áo quần đi làm đồng về. Đám con nít thì tắm cho trâu, bò ở đoạn cuối cùng, nơi ấy nước sông thường ngầu đục. Chúng hò hét làm ồn ã cả một khúc sông quê. Rồi khi ánh dương tắt hẳn, làng Mỹ Khê trước mặt, cách làng tôi một con sông với cánh đồng chỉ còn là một dải tím mờ. Mỗi khi có cơn gió mạnh, những cành cây cứ xấp xoãi khiến những ngọn đèn dầu le lói trong những mái nhà tranh nhấp nháy như sao sa.
Nhớ những ngày đầu thu, khi tiết trời đã se se lạnh, mấy chị thanh niên thường tranh thủ giặt chăn chiếu từ lúc còn chưa tỏ mặt người. Tiếng cười nói lao xao và tiếng đập chiếu đì độp trên mặt sông đánh thức một ngày mới. Những trưa hè, đám con nít sau khi sục sạo trong các mảnh vườn xem có thứ gì ăn được lại hò nhau ra sông ngụp lặn. Những đứa con trai tồng ngồng vừa la hét vừa rượt đuổi nhau trên bờ sông, tiếng nhảy cầu ùm ùm khiến nước bắn lên tung tóe. Thi thoảng có đứa khóc ré lên vì nhảy cầu bị va vào nhau đến gãy răng, chảy máu. Những buổi chiều làm đồng về, tôi thường giành mẹ rửa cỏ cho bò để được nán lại cầu sông lâu hơn, bởi có một cậu con trai cũng vờ vò đi vò lại tấm áo làm đồng mãi không chịu về. Những câu chuyện vu vơ không đầu không cuối nhưng chiều nào cũng phải chờ nhau để nói. Và đến lối rẽ về nhà, chân cứ dùng dằng không muốn bước.
Xóm cũ của tôi toàn những nhà tranh mái thấp lè tè. Những con ngõ dài hun hút với những hàng cúc tần hay hàng bông bụt thấp thoáng, lưa thưa. Nhớ những chiều đông rét mướt, mẹ lui cui nấu cơm trong bếp khi con mèo mướp khoanh tròn, gừ gừ cạnh đống tro ấm. Làn khói lam chiều bay là là trên mái rạ ẩm ướt. Những sợi khói vấn vít mãi không chịu tan trên mái rạ trong những chiều đông đã khắc vào ký ức tôi một niềm thương nỗi nhớ về nơi xóm cũ đến tận bây giờ. Và khi màn đêm buông xuống, đám trai làng bắt đầu tụ tập thành từng nhóm, chân mang dép bọt Lào, tay lăm lăm đèn pin, miệng ngậm thuốc lá Hải Vân và thập thò trước nhà những cô gái mới lớn. Tiếng chó sủa râm ran từ ngõ này sang ngõ khác và bóng những cô gái thẹn thò nghiêng người lách qua bậu cửa, xách ấm tích chè tươi rót nước mời đám trai làng. Những câu nói vu vơ, những tiếng cười ý nhị. Và đến đêm sau, đêm sau nữa vẫn thế, cho đến khi trong xóm có một đám cưới tưng bừng.
Tôi đã bước chân ra khỏi làng quê, thoát ly cảnh ruộng đồng, xa những đứa bạn một thuở lấm lem bùn đất. Cuộc sống tất bật nơi phố phường cùng những lo toan thường nhật đã khiến tôi không còn mộng mơ như trước. Có những buổi chiều đi làm về dưới cơn mưa miền Đông xối xả, tôi chợt nhớ cái thú đi dưới mưa thuở nào. Chẳng hiểu sao, tiếng mưa rơi lộp độp trên nón lá, tiếng ễnh ương kêu đến não lòng và những hạt mưa quất ràn rạt vào mặt lại khiến tôi thích thú đến vậy. Giữa phố phường đô hội, gặp những lúc buồn vui, những khi chán nản, tôi lại nương mình vào miền ký ức để tìm về những kỷ niệm thuở ấu thơ.
Về quê lần này, tôi ngỡ ngàng trước những đổi thay nơi xóm cũ. Bụi duối ven đường từng in hằn vết trâu cọ hông đến mòn nhẵn thuở nào, giờ không còn nữa. Hàng rào chằng chịt những bụi duối, mây tre và cả những bụi hoa dẻ với hương thơm ngọt lịm ngày xưa, giờ thành bức tường cắm mảnh chai tua tủa. Con trâu nhà ông hàng xóm đã chết từ lâu và chính ông cũng đã thành người thiên cổ. Và làng Mỹ Khê thì giăng giăng đèn điện khiến tôi thấy khoảng cách như gần lại rất nhiều so với ngày xưa.
Ngày xưa! Cái ngày mà ai cũng có một thời để nhớ thương, hoài niệm. Cái ngày xưa từng làm tôi đau đáu nhớ thương trong những đêm xa nhà không ngủ. Và bây giờ, khi đứng ngay trên mảnh đất quê nhà, sao lòng tôi vẫn khắc khoải, kiếm tìm những ký ức xưa. Nhìn những bức tường rào cắm mảnh chai tua tủa, tôi cố mường tượng những con ngõ dài hun hút với hàng cúc tần vấn vít dây tơ hồng, thấp thoáng bóng người con gái nghiêng đầu hong mái tóc dài thoang thoảng hương bưởi, hương bồ kết năm xưa. Những căn nhà sơn, ve lòe loẹt với khoảng sân toen hoẻn cũng cửa đóng then cài y như ngoài phố. Hết ruộng, đám trai làng rủ nhau đi làm ăn xa, kẻ vào Nam, người ra Bắc nên xóm làng ít hẳn tiếng nói cười. Và cầu sông Đình không ai dám bước chân xuống, bởi dòng sông giờ ngập rác.
Tôi ngơ ngác giữa xóm cũ để tìm một hình ảnh thân quen. Nhưng giữa những căn nhà lô xô mái ngói, mái bằng, biết tìm đâu ra một mái rạ, để lại được nhìn thấy làn khói lam chiều vấn vít trong những chiều đông lãng đãng sương mờ!
Thảo Linh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065