Nhắc tới nghề báo là nói tới sự gian nan, vất vả và cả những hiểm nguy. Vì vậy, người làm báo không những phải vững vàng về bản lĩnh chính trị mà còn phải biết nỗ lực vươn lên để vượt qua mới có thể thành công. Tác nghiệp trong môi trường thời tiết khắc nghiệt, có mặt tại những điểm nóng nhằm đưa thông tin chính xác, kịp thời,... tính chất công việc đòi hỏi nhà báo phải xông pha vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Một yếu tố quan trọng mà nhà báo không thể thiếu đó là đạo đức và tác phong nghề nghiệp. Nhà báo phải phản ánh đúng sự thật của cuộc sống, đặt lợi ích của tập thể, xã hội lên hàng đầu. Cuộc sống đan xen bởi nhiều “nhóm lợi ích” thì nhà báo phải đứng về lợi ích của nhân dân, vì sự phát triển đất nước. Đó là một thử thách với những người làm báo và cả nền báo chí trong xã hội hiện đại.
Đội ngũ những người làm báo chí cách mạng Việt Nam rất đỗi tự hào có một người thầy vĩ đại. Người thầy ấy đã từng lăn lộn trong cuộc sống để làm nghề, coi báo chí như một thứ vũ khí chính trị đặc biệt quan trọng để đòi độc lập, tự do cho Tổ quốc và quyền sống của nhân dân. Người thầy vĩ đại ấy được thế giới tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc - Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Trong rất nhiều lời dạy của Bác Hồ về báo chí, có lẽ lời Bác nói với những nhà báo trẻ cách đây hơn nửa thế kỷ: “Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào...?”(*) vẫn là lời dạy mang tính thời sự nhất.
Nghĩ về những lời dạy của Bác, đối chiếu với thực tế báo chí hôm nay, nhiều người làm báo vẫn thấy mình đang có lỗi. Cách đây vài chục năm, báo chí mang tính chân lý; báo đã viết, đã nói là rất ít khi sai, đặc biệt càng hiếm khi sai sót có chủ đích. Ở các vùng quê, người dân khi đi làm mang theo những bài báo để tranh luận, giáo dục, cổ vũ mọi người làm theo báo, bởi họ coi thông tin trên báo là lẽ phải. Báo là tiếng nói của Đảng, của chính quyền; báo bênh vực, chở che lẽ phải, tôn vinh người tốt. Những người tốt, việc tốt được báo nêu gương thì trân trọng ấn phẩm báo chí như một báu vật...
“Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào?” là câu hỏi cho người cầm bút, cũng là nhiệm vụ Bác Hồ giao cho đội ngũ nhà báo. Không thực hiện nghiêm những điều đó, trước hết báo chí mất đi tính nhân dân. Một khi mất đi tính nhân dân thì tính Đảng cũng không còn, bởi Đảng ta không có mục đích nào khác là vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Mất tính nhân dân, sẽ đi ngược lại xu thế phát triển, sẽ là trở ngại cho xã hội. Mỗi bài báo dù ngắn hay dài, báo Trung ương hay địa phương đều phải lấy nhân dân là đích đến, viết những điều nhân dân đang nghĩ, đang vui mừng hay cả khi đang buồn đau; phản ánh trung thực cuộc sống sinh động của nhân dân.
Mong rằng, các nhà báo khi cầm bút viết, dù một mẩu tin ngắn hay một bài dài, hãy khắc ghi lời dạy của Bác Hồ để cùng gìn giữ danh thơm nhà báo và nghề báo.
(*) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.10, tr.378
Hà Thanh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065