“Đội viên thiếu niên thị xã Bình Long nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ”. Hơn 500 học sinh Trường THCS An Lộc tham gia buổi lễ; 18 anh chị tổng phụ trách đội trên địa bàn Bình Long đã cùng ký cam kết thực hiện; 90 đội viên đi xe đạp điện diễu hành trên các trục đường chính nội ô thị xã với thông điệp: “Đội viên thiếu niên thị xã Bình Long nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ”. Đó là thông tin chính trong một bản tin trên Báo Bình Phước số ra ngày 12-4. Thời gian gần đây, những bản tin tương tự như vậy thường xuyên đăng trên Báo Bình Phước.
Người Á Đông, đặc biệt là người Việt, việc chấp hành pháp luật hay giữ ý thức nơi công cộng bị đánh giá rất kém. Điển hình dễ nhận thấy nhất là việc chấp hành pháp luật về giao thông ở nước ta. Tại các thành phố lớn hay khu vực đông dân cư, người Việt cứ “mạnh ai nấy chạy”, chỗ nào còn khoảng trống thì “tiến lên phía trước”, bất kể đó có phải là làn đường, có phải là phần đường dành cho “người đến sau” như mình hay không. Thậm chí đèn đỏ, không thấy bóng dáng cảnh sát giao thông là “vượt liền”, “vượt gấp”, chen lấn nhau vượt dẫn tới va quẹt và... đánh nhau. Ở nhiều thành phố phía Bắc có những câu chuyện “kinh điển” cho lối suy nghĩ “cùi không sợ lở” của người đi đường và tâm lý “nắm thằng có tóc, không ai nắm thằng trọc đầu”, hay “không ai muốn dây với thằng Chí Phèo” của lực lượng cảnh sát giao thông như: Nếu lỡ không có nón bảo hiểm đi xe máy, để không bị cảnh sát giao thông tuýt còi thổi phạt, hãy... cởi trần cho áo vào cốp xe mà đi, coi như “đây là đường nhà tao”; đi xe máy chở 3, nếu không muốn bị cảnh sát giao thông thổi phạt, hãy... cởi trần và bỏ luôn nón bảo hiểm đi...
Vì sao một thế hệ đang làm chủ đất nước, một thế hệ sinh ra trong hòa bình, có điều kiện vật chất ngày càng tốt hơn, lại có bộ phận trở thành những “con sâu” điển hình về ý thức pháp luật kém như vậy? Không chỉ hàng ngàn người thiệt mạng mỗi năm (là năm thứ 3 liên tiếp giảm cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương, nhưng năm 2015 toàn quốc vẫn xảy ra hơn 22.400 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.671 người, bị thương 20.556 người) mà quan trọng hơn, đã có một, thậm chí nhiều thế hệ người Việt xem thường pháp luật, coi nhẹ ý thức nơi công cộng. Đây là bài học đắt giá và chúng ta đang phải trả giá.
Những năm gần đây, ngành GD-ĐT có nhiều chương trình nhằm giáo dục ý thức pháp luật về giao thông cho học sinh, như tổ chức cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” dành cho học sinh khối 10, 11 và giáo viên THPT; tổ chức cho nhà trường và phụ huynh ký cam kết giáo dục con em, học sinh không vi phạm luật giao thông... Những hoạt động sáng tạo như tại Trường THCS An Lộc ngày 11-4, hoặc như Trường tiểu học Nha Bích (Chơn Thành) đưa học sinh toàn trường sang tham quan triển lãm về an toàn giao thông do UBND xã tổ chức ngày 6-10-2014, cũng như hàng loạt hoạt động giáo dục của cảnh sát giao thông trong học đường... cho thấy các nhà quản lý giáo dục, quản lý xã hội đã và đang đánh giá sát thực tiễn hơn bài học “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Bài học này dù được nhận ra muộn, nhưng vẫn còn nguyên giá trị và chắc chắn sẽ được “học tới nơi tới chốn”, bởi ngày mai đã bắt đầu từ hôm nay.
Trần Phương
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065