Trong phiên làm việc sáng 23-10, sau khi nghe ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng phát biểu đóng góp ý kiến về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến tán thành với quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 17 dự thảo luật, theo đó, viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật không được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư; một số ý kiến đề nghị cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư nhằm bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho đội ngũ luật sư; có ý kiến đề nghị cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư nhưng chỉ trong lĩnh vực tư vấn pháp luật nhằm tận dụng và phát huy năng lực chuyên môn của họ. Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc có cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được hành nghề luật sư hay không cần được cân nhắc thấu đáo, cả về lý luận và thực tiễn.
Theo Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, kết quả tổng kết 5 năm thi hành Luật Luật sư cho thấy, một trong những hạn chế căn bản của hành nghề luật sư thời gian qua là “hoạt động hành nghề luật sư, tổ chức hành nghề luật sư chưa mang tính chuyên nghiệp, số luật sư hành nghề kiêm nhiệm các công việc khác vẫn còn khá cao chiếm trên 20%, điều này đã làm cho hoạt động luật sư hiện nay bị kém hiệu quả và kém chất lượng”. Việc cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật được kiêm nhiệm nghề luật sư sẽ không khắc phục được tình trạng trên. Hơn nữa, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy, khó bảo đảm chất lượng hành nghề luật sư và cũng không phù hợp với mục tiêu xây dựng đội ngũ luật sư theo hướng chuyên nghiệp. Do vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị không nên cho phép viên chức chỉ làm công tác luật sư tư vấn, bởi như vậy sẽ hình thành hai loại luật sư: Luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng. Điều này không phù hợp với quy định hiện hành và định hướng phát triển nghề luật sư cũng như xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh rằng, mặc dù Luật Luật sư không cho phép viên chức làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư, nhưng theo quy định hiện hành, họ vẫn được phép tham gia tư vấn pháp luật theo nhiều hình thức khác nhau (tư vấn miễn phí, tư vấn cho tổ chức trợ giúp pháp lý...).
Không đồng tình với tiếp thu, giải trình của ban soạn thảo về vấn đề này, đại biểu Bùi Mạnh Hùng, phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho rằng, quy định không cho phép giảng viên hành nghề luật sư, đó là một sự lãng phí về chất xám về khoa học pháp lý trong hoạt động tố tụng. Mặt khác, việc ngăn cản này cũng đồng nghĩa với việc hạn chế và không tạo điều kiện để gắn giữa lý luận với thực tiễn trong công tác giảng dạy ở các trường đại học Luật. Qua đó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đào tạo luật sư. Điều cơ bản nhất hiện nay chúng ta quan tâm là khi có đội ngũ luật sư giỏi tham gia tranh tụng sẽ góp phần nâng cao được chất lượng công tác xét xử. Tuy nhiên, khi cho phép giảng viên được hành nghề luật sư cũng cần phải có những quy định bổ sung là giảng viên làm nghề luật sư chỉ được hành nghề dưới hình thức là làm việc hợp đồng với cơ quan, tổ chức hành nghề luật sư và không thành lập, cũng như không tham gia thành lập các tổ chức hành nghề luật sư. Đồng quan điểm với đại biểu Bùi Mạnh Hùng, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị nên khuyến khích các giảng viên dám nhận làm luật sư. Ông cho rằng, "với phương châm học đi đôi với hành, thậm chí giúp cho hành tốt thì nên khuyến khích". Do đó, hoàn toàn có chế tài để yêu cầu giảng viên nếu đã hành nghề luật sư thì sẽ phải làm tốt hai vai trò.
Về sự bất hợp lý trong bố trí vị trí của luật sư tại phiên tòa hình sự, Đại biểu Bùi Mạnh Hùng cũng đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể vị trí của luật sư khi tham dự phiên tòa. Đại biểu nêu lên hình ảnh luật sư tham gia tranh tụng tại tòa mà ngồi dưới nói vọng lên để tranh tụng với các công tố viên để minh chứng cho sự khó khăn của luật sư trong quá trình bảo vệ quyền lợi cho đương sự. Đại biểu cho rằng, dưới tinh thần của Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp thì đây không phải là chuyện nhỏ, tuy là hình thức tổ chức trong một phiên tòa nhưng lại thể hiện sự đảm bảo về dân chủ trong hoạt động xét xử và thể hiện sự tôn trọng pháp luật của cơ quan xét xử và của cơ quan tố tụng đối với luật sư và bị cáo.
Theo chương trình nghị sự, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 20-11-2012.
Vũ Ngọc Long
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065