BPO - Nhằm góp phần cùng cả nước sớm tháo gỡ cảnh báo "thẻ vàng" của EC đối với ngành thủy sản Việt Nam, tỉnh Kiên Giang đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Tỉnh đã chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể tới các ban, sở, ngành, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tập trung ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, loại bỏ khai thác IUU. Ngành thủy sản tỉnh đang triển khai các biện pháp quản lý hoạt động nghề cá và tàu cá, chú trọng vận hành, khai thác, kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu tàu cá. Các ngành chức năng cũng phối hợp với các lực lượng, đơn vị hữu quan mở đợt cao điểm phối hợp tuần tra, kiểm soát trên biển, xử lý nghiêm tàu cá khai thác thủy sản đến mức "tận diệt" trên vùng biển Kiên Giang, tàu cá không mở thiết bị giám sát hành trình, vượt biên giới biển phát hiện qua hệ thống giám sát. Đồng thời, phối hợp tuần tra quản lý các vùng biển giáp ranh, chồng lấn, tranh chấp giữa Kiên Giang và các nước trong khu vực.
Ngành thủy sản tỉnh cũng phối hợp với các đơn vị, địa phương có biển, đảo đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền cho ngư dân về Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, đặc biệt là những quy định về chống khai thác IUU, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản... Đến nay, tỉnh Kiên Giang đã cơ bản hoàn thành một số mục tiêu như: tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn, Nghị định số 42 của Chính phủ, các quy định về chống khai thác IUU, chấn chỉnh việc quản lý tàu cá, hoạt động khai thác, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng cá, cửa sông, cửa biển...
Ngư dân Vạn chài Mỹ Á, xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đánh bắt hải sản đầu năm 2020 - Ảnh: Đinh Thị Hương/TTXVN
Tại tỉnh Bình Thuận, UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các sở, ngành tăng cường chỉ đạo và tổ chức thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tập trung rà soát những tồn tại, hạn chế tại địa phương, triển khai quyết liệt các biện pháp để khắc phục có hiệu quả 4 nhóm khuyến nghị của đoàn thanh tra EC sau lần kiểm tra thứ 2. Cụ thể, không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; quản lý chặt chẽ tàu cá hành trình trên biển; kiểm soát truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác chặt chẽ, minh bạch; đảm bảo thực thi quy định pháp luật về chống khai thác IUU trong thực tế.
Thông qua nhiều giải pháp quyết liệt, tỉnh đã từng bước ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài. Từ tháng 7-2019 đến tháng 4-2020, không xảy ra vụ việc tàu cá, ngư dân trong tỉnh bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Bên cạnh đó, việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá ngư dân thực hiện nghiêm túc. Tính đến ngày 20-4-2020, toàn tỉnh có 1.043 tàu cá đã thực hiện lắp đặt thiết bị VMS; trong đó: nhóm tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên có 35 tàu cá lắp đặt và nhóm có chiều dài từ 15m đến dưới 24m có 1.008 tàu cá lắp đặt.
Còn tại tỉnh Sóc Trăng, tính đến tháng 2-2020, Sóc Trăng đã triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 189 tàu cá; 71 tàu đến hạn chưa lắp máy còn nằm bờ do ảnh hưởng thời tiết. Còn lại 106 tàu theo lộ trình lắp đặt đến ngày 1-4-2020. Theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, để quá trình thực hiện tiêu chí của EC về chống khai thác IUU, chi cục tiếp tục vận động các chủ tàu lắp đặt theo đúng quy trình đã quy định. Trong việc đánh dấu tàu cá, Chi cục Thủy sản Sóc Trăng đã hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tất cả số tàu có chiều dài 15m trở lên. Trong 2 tháng đầu năm, tỉnh đã chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 34 tàu cá đạt loại B. Tại các cảng cá, Chi cục Thủy sản cũng kiểm tra thường xuyên các lô hàng cập cảng để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm.
Theo kế hoạch tháng 6-2020, thanh tra của EC sẽ kiểm tra việc tuân thủ các quy định của IUU để quyết định việc có rút lại thẻ vàng đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU hay không. Vì vậy, cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng để ngư dân nắm được những quy định của pháp luật mà tự giác chấp hành. Đặc biệt, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ người đứng đầu cho đến các cấp, ban, ngành, thì mới có thể gỡ được "thẻ vàng".
Thanh Trà (tổng hợp)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065