Trước nhu cầu ngày càng cao của đời sống xã hội, ngành mộc mỹ nghệ đã được nhiều gia đình quan tâm, trưng dụng. Nhiều đồ mộc đã trở thành vật phẩm thiêng liêng có giá trị về tinh thần trong gia đình. Chính vì vậy, ở Bình Phước ngành mộc mỹ nghệ đang dần khẳng định vị thế trong đời sống xã hội.
MỞ RA CƠ HỘI MỚI
Từ sự hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực của các doanh nghiệp, thời gian gần đây, ngành mộc mỹ nghệ Bình Phước đã có những chuyển biến cả về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 1.360 doanh nghiệp, cơ sở và hộ gia đình tham gia sản xuất - kinh doanh ngành mộc mỹ nghệ gia dụng, trong đó 727 cơ sở có đăng ký kinh doanh. Số lượng các cơ sở phân bố tương đối đồng đều: thị xã Đồng Xoài có 190, thị xã Phước Long 62, thị xã Bình Long 95, huyện Đồng Phú 107, huyện Chơn Thành 122, huyện Hớn Quản 54, huyện Lộc Ninh 95, huyện Bù Đốp 144, huyện Bù Gia Mập 265, huyện Bù Đăng có 227 cơ sở.
Sản phẩm gỗ mỹ nghệ đang được thị trường ưa chuộng - Ảnh: K.B
Hiện sản phẩm gỗ của Việt Nam đã thâm nhập đến 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó 3 thị trường lớn và rất khó tính là EU, Mỹ và Nhật thì hàng mộc mỹ nghệ gia dụng của Việt Nam cũng có được những vị thế nhất định. Tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chiếm trên 20%, EU 28% và Nhật Bản 24%. Tuy nhiên, đồ gỗ Việt Nam hiện mới chiếm 0,78% tổng thị phần thế giới. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng loại hàng này luôn tăng nhanh. Vì vậy, tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có tỉnh Bình Phước là rất lớn.
THÁCH THỨC CỦA NGÀNH MỘC MỸ NGHỆ GIA DỤNG
Sự phát triển ngành gỗ mỹ nghệ gia dụng đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung về kinh tế - xã hội của tỉnh. Với các mặt hàng trang trí nội thất, hàng lưu niệm và nghệ thuật trang trí kiến trúc đồ gỗ, ngành gỗ mỹ nghệ gia dụng có tiềm năng rất lớn cần được khai thác hợp lý. Bên cạnh tạo ra nguồn thu nhập ngoại tệ cho nền kinh tế, các cơ sở sản xuất ngành mộc mỹ nghệ đang tạo việc làm cho lao động ở các vùng nông thôn, cải thiện thu nhập của người dân, góp phần tăng thu nhập ở các vùng; đẩy mạnh hình thành các nhà sản xuất - kinh doanh và dịch vụ liên quan đến ngành này.
Tuy nhiên, ngành gỗ mỹ nghệ gia dụng của tỉnh đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết là lực lượng lao động. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở đều nhận lao động vào để vừa học, vừa làm nên năng suất không cao, chưa qua đào tạo. Những thợ lành nghề đa số từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung vào làm theo thời vụ, dẫn đến tình trạng sau tết Nguyên đán hầu như tất cả các doanh nghiệp đều thiếu thợ. Nhiều doanh nghiệp không dám ký kết các hợp đồng kinh tế lớn do thiếu lao động có trình độ tay nghề cao. Khó khăn nữa là năng lực của doanh nghiệp, cơ sở. Trình độ quản lý còn hạn chế, chưa quen tác phong công nghiệp, sản xuất theo thời vụ, theo xu hướng cộng đồng, mô hình liên kết tổ chức sản xuất hoặc hợp tác xã không nhiều, chưa đạt trình độ và quy mô. Hoạt động sản xuất chủ yếu là hộ gia đình, cơ sở theo quy mô nhỏ lẻ. Chưa chú trọng bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ và an toàn lao động, đa số công nhân và người sử dụng lao động không chú trọng trang bị bảo hộ lao động. Máy móc công cụ thiết bị thô sơ, thiếu vốn cũng như mặt bằng sản xuất. Việc áp dụng khoa học - kỹ thuật còn gặp nhiều khó khăn, do trình độ tiếp nhận của lao động còn hạn chế. Các doanh nghiệp, cơ sở hầu như không quan tâm đến việc tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình, chỉ một số ít doanh nghiệp sản xuất lớn chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm.
VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP
Từ thực tế trên, Nhà nước cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trực tiếp liên kết với chủ rừng để khai thác nguyên liệu gỗ theo hiệp ước, các hiệp định song phương đã ký kết giữa Việt Nam và các nước có rừng. Đồng thời hỗ trợ vốn với lãi suất vay ưu đãi hoặc không tính lãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại. Trong tỉnh cũng cần triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung cho lĩnh vực xúc tiến thương mại, khuyến công, hỗ trợ ứng dụng chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đầu tư thiết bị, đăng ký thương hiệu; thực hiện tốt quy hoạch, các chính sách hỗ trợ về vốn, đào tạo lao động cho các doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, nên chủ động tiếp cận tiến bộ khoa học, tham gia thương mại điện tử để nắm bắt kịp thời nhu cầu, xu hướng của từng thị trường. Những nhà sản xuất gỗ mỹ nghệ gia dụng của tỉnh nên thành lập hiệp hội để mở rộng liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trong và ngoài tỉnh. Cải tiến thiết kế mẫu mã sản phẩm, tạo cho sản phẩm sự khác biệt mang lại lợi thế cạnh tranh. Khai thác tốt thị trường nội địa với tư duy dài hạn, chú trọng xuất khẩu trong tư thế sẵn sàng cạnh tranh, mang thương hiệu đồ gỗ mỹ nghệ gia dụng của tỉnh đến được thị trường trong và ngoài nước.
Thực tế cho thấy, ngành gỗ mỹ nghệ gia dụng đang tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo tồn nét đẹp truyền thống văn hóa của dân tộc. Từ những lợi ích kinh tế - xã hội lâu dài và tiềm năng phát triển của ngành mộc mỹ nghệ gia dụng mà các cấp, ngành hữu quan cần có nhiều chính sách để khuyến khích ngành này phát triển.
Thanh Tường
(Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065