>> Bài 1: Nền tảng vững vàng
>> Bài 2: Nhiều bất cập cần có lời giải
BP - “Trên cơ sở rà soát, điều chỉnh vùng quy hoạch trồng điều, ngành sẽ xây dựng bộ tiêu chí phát triển điều bền vững theo vùng và địa phương, hình thành vùng trồng điều tập trung, trọng điểm để đầu tư thâm canh, xây dựng cánh đồng lớn. Nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như ý thức của doanh nghiệp (DN), nông dân trồng điều là yêu cầu cấp thiết cần phải thực hiện sớm để giữ uy tín, chất lượng điều Bình Phước thời kỳ hội nhập TPP” - ông Phạm Văn Hoang, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIỮ VỊ THẾ “SỐ 1”?
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ HIỆN ĐẠI VÀO SẢN XUẤT
Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1 ở ấp 2, xã Đức Liễu (Bù Đăng) là DN điều tiên phong trong ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Từ năm 2011, DN đã áp dụng sản xuất hạt điều nhân xuất khẩu theo hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP). Đây là quy trình sản xuất được quản lý chặt chẽ ở tất cả khâu nhằm hạn chế tối đa tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản xuất theo tiêu chuẩn HACCP, công nhân khi vào khu vực chế biến phải thay đồ bảo hộ lao động; vệ sinh, khử trùng tay, ủng; không sử dụng nước hoa, trang điểm, đeo trang sức... và phải kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Sử dụng công nghệ hiện đại trong chế biến hạt điều
TẠO VÙNG NGUYÊN LIỆU ỔN ĐỊNH
Nhờ áp dụng sản xuất theo hệ thống HACCP nên đối tác của DN là những tập đoàn chuyên về rang chiên lớn của thế giới, như Inter Snack (Hà Lan), Anns Houes, Red River (Mỹ)... Đối với thị trường Mỹ, sản phẩm xuất khẩu đều có chứng nhận của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA). Trước đây, mỗi tháng công ty xuất khẩu khoảng 300 tấn hàng nhưng khi áp dụng tiêu chuẩn HACCP sản lượng xuất khẩu tăng lên gần 500 tấn với giá ổn định. Bà LÊ THỊ THU HƯỜNG |
Từ năm 2007 đến nay, diện tích điều giảm 37.044 ha, trung bình giảm 3,26%/năm do chuyển đổi sang cây trồng khác và đất phi nông nghiệp. Năng suất bình quân từ năm 2007-2013 khoảng 1 tấn/ha, riêng 2 năm 2014 và 2015 đạt trên 1,4 tấn/ha. Sản lượng hằng năm đạt 156-190 ngàn tấn. Ông Trần Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Giống nông, lâm nghiệp cho biết: Đơn vị đã tuyển chọn giống mang đặc trưng điều Bình Phước từ năm 2012 đến nay. Để tuyển giống điều theo kiểu truyền thống mất 25-30 năm, nhưng trung tâm đã ứng dụng phương pháp sinh học phân tử xác định giống tốt chỉ mất khoảng 5 năm. Đến nay, trung tâm đã chọn được khoảng 70 dòng điều nổi trội, xuất sắc nhất, ít sâu bệnh và đánh giá các chỉ tiêu sản lượng, năng suất, chất lượng hạt trong vòng 3 năm. Sau đó, dùng phương pháp sinh học phân tử chạy chỉ thị phân tử trên cây điều đã chọn. Dựa trên kết quả khoa học và thực tế, hội đồng bình tuyển công nhận cây đầu dòng đã chọn được 5 dòng đặc biệt ưu tú nổi trội nhất khuyến cáo nông dân trồng, cải tạo... Các dòng điều này đang trồng thử nghiệm tại Bù Đăng, được chăm sóc đúng kỹ thuật và đã cho thu hoạch sau 18 tháng.
Việc chọn giống đã giúp xác định được những giống điều phù hợp từng địa bàn để nâng cao năng suất, hiệu quả phục vụ trực tiếp cho đề án tái cơ cấu vùng nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo xu hướng nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015-2020. Đây cũng là bước tiến vững chắc để cây điều bước vào thời kỳ hội nhập TPP.
ÁP DỤNG TIẾN BỘ KỸ THUẬT KẾT HỢP CẢI TẠO BỘ GIỐNG
“Trước kia, nông dân trồng điều theo cách truyền thống với kỹ thuật 10m x 10m, mất nhiều diện tích. Ngày nay nông dân áp dụng kỹ thuật quy trình thâm canh (tỉa cành, tạo tán, bón phân, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh...) thì có thể trồng điều với khoảng cách 5m x 5m hoặc nhỏ hơn nữa để tiết kiệm diện tích nhưng vẫn cho thu hoạch ổn định” - ông Trần Minh Đức cho biết thêm. Đồng thời trung tâm còn chuyển giao cho nông dân trồng điều các quy trình tái canh (thiết kế vườn, mật độ khoảng cách, đào hố, bón phân, chăm sóc thời kỳ kiến thiết cơ bản, phòng trừ sâu bệnh...), quy trình trồng xen trong vườn điều (cây ca cao, gừng, chăn nuôi dưới tán cây)... Hiện đã có 167 ha điều già cỗi được ghép cải tạo. Những dòng điều được tuyển chọn tại địa phương sẽ thích hợp khí hậu, giúp nâng cao khả năng chống chọi sâu bệnh, thời tiết, đồng thời giữ đúng chất lượng điều của Bình Phước.
Ngoài những vấn đề trên, ngành điều Bình Phước đang hướng đến nâng cao chất lượng điều nhân bằng cách đổi mới dây chuyền thiết bị, công nghệ kết hợp xây dựng mô hình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế: ISO, HACCP, GMP, BRC và quy chuẩn cơ sở chế biến hạt điều, bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm. Làm được điều đó sẽ tạo chỗ đứng trên thị trường thời kỳ hội nhập, đưa thương hiệu điều Bình Phước ngày càng vươn xa.
Ngoài những DN chế biến điều lớn trong tỉnh, như Công ty TNHH MTV điều Mỹ Lệ, Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1 thì sản phẩm hạt điều tươi rang củi của Công ty TNHH MTV hạt điều Hoàng Phú ở huyện Lộc Ninh cũng được bình chọn là sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, được Hiệp hội Điều Vinacas chứng nhận sản phẩm đoạt giải A và nhận giải thưởng thương hiệu nổi tiếng Đất Việt tại Nhà hát lớn Hà Nội năm 2015.
Tuy nhiên, với 280 DN sản xuất chế biến hạt điều trong tỉnh thì những DN đó chỉ là “hạt cát trên bãi biển”. Cần có nhiều hơn nữa những DN như thế để hạt điều Bình Phước tỏa sáng trên thị trường thế giới.
Ngọc Bích
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065