BP - Doanh nghiệp (DN) thiếu vốn, sản phẩm không đảm bảo chất lượng, việc thu mua chưa được quản lý chặt chẽ... Tất cả những vấn đề này đều phát sinh từ việc thiếu nguồn nguyên liệu thô; ý thức về thương hiệu của DN cũng như nông dân trồng điều chưa cao; việc thành lập nhiều DN, cơ sở sản xuất chế biến điều nhỏ lẻ không theo hệ thống chuyên nghiệp… Những bất cập này nếu không được giải quyết triệt để sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng, uy tín, vị thế ngành điều Bình Phước trên thị trường trong nước và quốc tế.
NHIỀU BẤT CẬP CẦN CÓ LỜI GIẢI
Với 280 DN, cơ sở chế biến hoạt động trong lĩnh vực chế biến điều thì nguồn nguyên liệu tại chỗ không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất hằng năm. Do đó, các DN sản xuất chế biến điều nhân phải nhập nguyên liệu thô từ nước ngoài. Theo thống kê của Vinacas, năm 2014 cả nước nhập khẩu 700 ngàn tấn điều thô, trong khi nguồn nguyên liệu trong nước chỉ đạt 500 ngàn tấn.
PHỤ THUỘC VÀO... ÔNG TRỜI
Bình Phước hiện có khoảng 30 ngàn ha điều trồng mới hoặc tái canh bằng giống mới, chiếm trên 20% diện tích điều toàn tỉnh. Các giống điều trồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công nhận cho kết quả tốt như PN1, MH4/5 và MH5/4 với khả năng ra bông, thu hoạch tập trung cao, thời gian thu hoạch ngắn cùng các giống chọn lọc có triển vọng của địa phương, như PL18, ĐP41, DDP27 và BDD44. Tuy nhiên, những giống này thường gặp rủi ro khi thời tiết bất lợi. 80% diện tích điều còn lại (trên 105 ngàn ha) được trồng bằng hạt. Trong đó 88.084 ha điều trên 10 năm tuổi, chiếm 65,22%; 26.400 ha điều trên 20 tuổi, chiếm 30%, còn lại là điều già cỗi năng suất thấp cần được cải tạo. Ngoài ra, 35% diện tích điều được trồng trên đất ít thích nghi và không thích nghi.
Phơi điều thô tại một doanh nghiệp ở ấp 4, xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài - Ảnh: B.L
Hiện tiến bộ kỹ thuật mới chưa được ứng dụng vào sản xuất đại trà (khoảng 45% nông dân bón phân chủ yếu đợt 2, giai đoạn chuẩn bị ra bông đậu trái và phun thuốc trừ sâu, bệnh, thuốc kích thích ra bông 1-2 lần khi ra bông đậu trái). Các biện pháp kỹ thuật thâm canh đồng bộ, như tưới tiết kiệm, áp dụng tưới tiên tiến và trồng xen tăng hiệu quả sản xuất theo quy trình kỹ thuật chưa được quan tâm. Diện tích thâm canh cao, cho năng suất 3,5-5 tấn/ha chỉ khoảng 2.000 ha, chiếm 2% tổng diện tích điều cho sản phẩm trên địa bàn tỉnh.
Diện tích điều do các hộ nông dân sở hữu dưới 2 ha là 86.781 ha, chiếm 64,29%, đa số của nông dân nghèo thiếu vốn đầu tư và đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hiểu biết về khoa học - kỹ thuật. Một trong những nguyên nhân dẫn tới năng suất thấp là bởi người dân chỉ coi điều là cây giữ đất, thu nhập phụ nên không đầu tư chăm sóc mà phó mặc cho thiên nhiên, dẫn đến điều kém cả về sản lượng lẫn chất lượng.
GIAN LẬN THƯƠNG MẠI GIẾT CHẾT THƯƠNG HIỆU “SỐ 1” CỦA BÌNH PHƯỚC
Không chỉ xuống dốc về sản lượng, việc thu mua hạt điều hiện vẫn theo kiểu “cờ đến tay ai người ấy phất”. Nông dân thu hoạch xong có thể bán ngay cho người thu mua dạo, các điểm thu mua ở gần để không phải cất trữ. Tuy nhiên, nông dân dễ bị ép giá và các trung gian không phải do DN tổ chức thu mua nên thường gian lận như ngâm, trộn tạp chất, ngâm bột nở... làm giảm chất lượng điều thô, dẫn đến DN thu mua giảm giá và nông dân là người trực tiếp chịu thiệt.
Một cơ sở chế biến điều không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ở huyện Phú Riềng
Giá điều thô đầu mùa năm 2016 dao động 30-33 ngàn đồng/kg và vụ điều này cũng dự báo một mùa thất bát. Do nguồn nguyên liệu tại chỗ giảm trầm trọng, khả năng DN phải nhập điều thô từ nước ngoài với số lượng lớn là rất cao. Một DN chế biến điều tại xã Long Hà (Phú Riềng) cho biết: “Hằng năm, sau vụ điều, DN thu mua bảo đảm hơn 50% nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất. Nhưng năm nay, chắc chắn chúng tôi phải nhập điều thô với số lượng nhiều hơn những năm trước”.
Năm 2015, sản lượng điều thô của tỉnh 189.495 tấn. Hiện thị trường nhập hạt điều thô về Bình Phước chủ yếu từ châu Phi, chiếm 59,97% số lượng điều nhập khẩu, trong đó Bờ Biển Ngà chiếm 34,74%. Con số thật về khối lượng điều nhập về Bình Phước là bao nhiêu đang là dấu hỏi lớn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc có bao nhiêu tấn đang “đánh đu” theo thương hiệu điều Bình Phước chưa thể xác định.
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất chế biến điều Mỹ Lệ cho biết: Thời gian qua, DN điều Bình Phước nhập điều thô từ thị trường Ấn Độ gặp nhiều rủi ro, mặc dù đã mua bảo hiểm cho hợp đồng. Nếu DN được trực tiếp mua điều tại Bờ Biển Ngà sẽ hạn chế rủi ro hơn.
“Không phải DN nào cũng có đủ khả năng nhập khẩu điều thô hoặc xuất khẩu trực tiếp sản phẩm điều nhân của mình ra các thị trường lớn. Đa số muốn nhập khẩu điều thô phải đặt hàng trước với DN lớn và điều nhân sản xuất ra bán cho DN thu mua điều nhân trắng ở các tỉnh khác và DN lớn trong tỉnh. Từ đó phát sinh tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”” - chị Nguyễn Thị Ba, chủ cơ sở chế biến điều nhỏ lẻ ở thôn 4, xã Long Hà chia sẻ.
SẢN PHẨM SẠCH VÀ BẢO VỆ THƯƠNG HIỆU BẰNG CÁCH NÀO
Các cơ sở chế biến điều nhỏ lẻ, hộ gia đình mọc lên ồ ạt trong những năm gần đây làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành điều Bình Phước.
“Mỹ là thị trường nhập khẩu điều nhân lớn nhất cả nước nhưng chỉ nhập khoảng 21,56% tổng sản lượng điều xuất khẩu của Bình Phước. Nguyên nhân do Mỹ là thị trường khó tính, trong khi DN của tỉnh chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về rào cản kỹ thuật và chất lượng sản phẩm khi xuất khẩu vào thị trường này” - ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn có nhiều người trồng điều ý thức về sản phẩm của mình nên tìm hiểu quy trình trồng điều sạch hướng tới thương hiệu điều Bình Phước chất lượng và uy tín. Đi đầu phong trào này là Hợp tác xã (HTX) Phước Hưng ở xã Tiến Hưng (Đồng Xoài). HTX đã định hướng cho xã viên trồng điều theo tiêu chuẩn của Tổ chức FLO (Tổ chức nhãn hiệu thương mại công bằng quốc tế). Được thành lập từ năm 2007 nhưng đến 2009 vườn điều của HTX mới được FLO chứng nhận là sản phẩm nông sản sạch.
Hiện HTX Phước Hưng có 200 xã viên ở các xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập), Đồng Nai (Bù Đăng) và Tiến Hưng, với tổng diện tích điều 1.400 ha. Không chỉ được cung cấp giống điều chất lượng cao, thành viên của HTX còn được cung cấp phân bón theo hình thức trả chậm, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc... và có công ty bao tiêu sản phẩm với giá ổn định. So với diện tích điều toàn tỉnh thì con số 1.400 ha trồng điều theo hướng sạch quả là còn quá ít.
Từ những bất cập trên, vấn đề đặt ra là: Làm thế nào để Bình Phước ngày càng có thêm nhiều diện tích điều được chăm sóc đúng kỹ thuật, theo hướng sản xuất sạch, có lô gô, nhãn mác được tổ chức quốc tế công nhận? Làm thế nào để giữ vững vị thế của ngành điều Bình Phước trên thị trường trong nước và quốc tế?... Những câu hỏi ấy rất cần được các ngành chức năng của tỉnh cùng DN chế biến và người trồng điều Bình Phước giải đáp.
Ngọc Bích
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065