CÔNG NGHỆ GIÚP VIỆT NAM GIỮ VỊ TRÍ SỐ 1 XK ĐIỀU
Năm 2017, XK điều cán mốc 3,5 tỷ USD. 12 năm liền Việt Nam dẫn đầu thế giới về XK điều nhân, chiếm 50% thị phần toàn cầu. Vì sao giá trị XK nhân điều tăng trưởng mạnh trong năm 2017? Đó là cán cân cung - cầu. Ông Tạ Quang Huyên, Phó chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Hoàng Sơn 1 (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) cho biết là do nhu cầu của thị trường thế giới ngày càng tăng cao nên tiêu thụ nhân điều trong năm 2017 rất tốt. Trong khi nhu cầu tiêu thụ nhân điều vẫn tăng mạnh thì nguồn cung điều nguyên liệu lại sụt giảm ở nhiều nước sản xuất lớn, trong đó có Việt Nam đã đẩy giá nhân điều tăng cao. 11 tháng năm 2017, nhân điều XK của Việt Nam có giá bình quân 9.926 USD/tấn, cao hơn 22,3% so với 11 tháng năm 2016. XK sang Hồng Kông đạt mức giá cao nhất, bình quân 11.553 USD/tấn.
Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phúc An, phường Phước Bình (Phước Long), doanh nghiệp hàng đầu chế biến, xuất khẩu điều Việt Nam - Ảnh: Thanh Nga
XK nhân điều các thị trường đều tăng về giá trị trong 11 tháng năm 2017. Tăng mạnh nhất là Bỉ với mức tăng tới 195,27%; Nga tăng 56,35%, tiếp đó là Hà Lan 44,69%, Thái Lan 41,42%... Về XK điều trong thời gian tới, ông Tạ Quang Huyên cho rằng, sẽ còn tiếp tục thuận lợi và giữ được giá cao ít nhất là trong nửa đầu năm 2018. Bởi 6 tháng đầu năm là thời điểm giáp hạt, nguồn cung nhân điều nhỏ hơn cầu nên giá sẽ không hạ và có thể còn tăng. Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng giao bán đến tháng 4-2018.
Campuchia đầu tư xây dựng nhà máy chế biến điều từ 15 năm trước. Nhưng đến nay hầu hết các nhà máy chế biến điều ở Campuchia đã phải đóng cửa. Nhiều nước châu Phi còn chế biến điều trước cả Việt Nam. Và gần đây, một số nước châu Phi đã nhập máy móc, công nghệ chế biến điều từ Việt Nam, gây ra mối lo ngại cho cộng đồng doanh nghiệp về việc sẽ bị mất nguồn điều nguyên liệu và bị cạnh tranh trên thị trường nhân điều thế giới. Tuy nhiên, dù đã nhập máy móc, công nghệ của Việt Nam nhưng các nhà máy chế biến điều ở châu Phi vẫn không đạt được hiệu quả sản xuất. Bởi yếu tố then chốt chính là con người. |
2 năm trở lại đây, Việt Nam đã trở thành trung tâm chế biến và xuất nhập khẩu điều lớn nhất thế giới với công suất 1,6-1,7 triệu tấn/3,4 triệu tấn toàn thế giới. Các doanh nghiệp điều Việt Nam đã ý thức được giá trị về an toàn vệ sinh thực phẩm trong quy trình sản xuất; thương hiệu và uy tín trong thương mại; quyết định đến vấn đề phát triển của doanh nghiệp nói riêng và ngành điều nói chung. Người Việt Nam cần cù, chịu khó và sáng tạo. Đó là điều mà phần lớn các quốc gia trồng điều không có được. Vì vậy, trong khi ngành chế biến điều ở Việt Nam đã liên tục phát triển mạnh trong nhiều năm qua và hiện đứng đầu thế giới về sản lượng chế biến, máy móc, công nghệ, thì nhiều nước đã thất bại khi đầu tư vào lĩnh vực này.
KỶ LỤC NK ĐIỀU THÔ
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Vinacas cho biết, giá nhân điều XK tăng nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp lại không được như kỳ vọng. Nguyên nhân là do giá điều nguyên liệu cũng tăng. 11 tháng năm 2017, lượng điều nguyên liệu NK tăng 27,4% nhưng giá trị tăng tới 60,9% so với năm 2016. Điều thô NK có giá 1.970 USD, cao hơn 409 USD/tấn so với giá bình quân của điều thô NK trong 11 tháng năm 2016. 11 tháng năm 2017, giá điều thô NK đã tăng tới 26,2% so với cùng kỳ 2016, nhưng giá nhân điều XK chỉ tăng 22,3%. Do giá điều thô NK tăng cao nên đến hết tháng 11, Việt Nam đã NK gần 2,4 tỷ USD điều thô nguyên liệu, tương đương gần 1,3 triệu tấn, chiếm 75% sản lượng điều thô nguyên liệu chế biến. Giá điều thô khô cất trữ trong dân loại 1 tại Bình Phước vào cuối năm đạt mức kỷ lục gần 60 ngàn đồng/kg.
Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phúc An, thị xã Phước Long doanh nghiệp hàng đầu chế biến, xuất khẩu điều Việt Nam - Ảnh:Thanh Nga
Giá điều thô NK tăng cao có nguyên nhân không nhỏ từ việc mất mùa điều ở Việt Nam và Campuchia. Như vậy, có thể thấy dù điều thô NK đã góp phần tạo ra giá trị thặng dư không nhỏ cho ngành điều, đóng góp quan trọng vào kỷ lục XK hơn 3,5 tỷ USD, nhưng việc phụ thuộc quá lớn vào nguồn điều thô NK vẫn đang tiềm ẩn những rủi ro và hạn chế không nhỏ tới sự phát triển của ngành chế biến điều Việt Nam.
Bình Phước có diện tích điều ổn định trên 134 ngàn ha và chiếm gần 1/2 sản lượng cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có 226 doanh nghiệp và 328 hộ kinh doanh tham gia chế biến điều, công suất chế biến khoảng 600 ngàn tấn nhưng sản lượng điều chỉ đạt khoảng 150 ngàn tấn. Như vậy, bình quân doanh nghiệp điều Bình Phước NK hơn 450 ngàn tấn điều thô. Niên vụ 2016-2017, điều mất mùa nên năng suất, sản lượng giảm khoảng 40%. Đến hết tháng 5-2017, ngành điều Bình Phước đã NK 319.519 tấn điều thô, trị giá hơn 634 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2016, lượng điều thô NK tăng 1,73 lần (183.986 tấn) và trị giá cao hơn 2,23 lần (283 triệu USD). Các doanh nghiệp tiên phong chế biến điều Bình Phước đã và đang nỗ lực đầu tư công nghệ, máy móc để giảm lao động phổ thông và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Ông Trần Văn Hiệp, Trưởng ban Xúc tiến thương mại Vinacas cho biết, công suất chế biến của các nhà máy chế biến điều trong nước hiện không chỉ dừng lại ở 1,5 triệu tấn mà có thể lên đến 2 triệu tấn. Trong khi sản lượng sản xuất trong nước chỉ ở mức 250-350 ngàn tấn, phần còn lại bắt buộc phải NK. Trong khi đó, Việt Nam không còn nhiều quỹ đất để mở rộng sản xuất điều. Do vậy, việc NK nguyên liệu để chế biến không hẳn là xấu.
Trước thực tế sản lượng sản xuất trong nước khó có khả năng phát triển thêm, Vinacas đã phối hợp với Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia và các doanh nghiệp nước này để xây dựng vùng nguyên liệu 1 triệu tấn điều ở Campuchia trong thời gian tới. Ngoài Campuchia, các doanh nghiệp cũng nhắm đến vùng nguyên liệu ở Lào nhằm giải quyết căn cơ vấn đề thiếu hụt nguyên liệu chế biến như hiện nay. Đồng thời, các doanh nghiệp điều phải tiếp tục đẩy mạnh chế biến sâu, khai thác tốt thị trường trong nước; phải gắn chặt hơn nữa với vùng nguyên liệu để hướng đến các sản phẩm sạch, như hữu cơ, sản xuất theo các chuẩn quốc tế... Từ đó, góp phần giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu NK thường xuyên biến động tăng giá, đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành điều Việt Nam, xứng đáng quốc gia dẫn đầu chế biến điều thế giới.
P.Hà (tổng hợp)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065