Nhiều hạn chế
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), năm 2015, xuất khẩu dệt may đạt 27 tỷ USD, nhưng nhập khẩu cũng rất lớn. Mặc dù tỷ lệ nội địa hóa ngành đã tăng, đạt khoảng 51%, nhưng việc nhập khẩu vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Trong chuỗi giá trị toàn cầu - từ thiết kế đến máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu, cắt may rồi xuất khẩu và phân phối, dệt may Việt Nam đang ở đáy của giá trị; giá trị gia tăng rất nhỏ. “Điểm lại những Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia trước đây, chủ yếu yêu cầu xuất xứ từ vải, thì tỷ lệ khai thác được ưu đãi về thuế quan là vô cùng thấp, trừ FTA Hàn Quốc chỉ yêu cầu cắt may, tỷ lệ sử dụng được thuế ưu đãi là 85%-90%, nhưng chủ yếu cũng là các doanh nghiệp (DN) FDI Hàn Quốc khai thác được nhiều hơn”, bà Đặng Phương Dung, Cố vấn Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) dẫn chứng.
Theo bà Dung, dù thấy được điểm mạnh, điểm yếu nhưng việc dịch chuyển dệt may Việt Nam lên tầng cao hơn vẫn gặp những hạn chế. Đơn cử, trong dệt, thách thức vẫn là thị trường, kỹ thuật, xử lý nước thải. Mặc dù hiện đang kêu gọi, thu hút vốn FDI vào dệt nhuộm, nhưng đa phần các địa phương, đặc biệt những địa phương đang phát triển như Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương... đều từ chối. “Các DN dệt may Việt Nam cần nỗ lực, cố gắng vươn lên phần cao hơn trong chuỗi giá trị bằng cách phát triển thiết kế. Bởi đã có nhiều buổi trình diễn thời trang của các nhà thiết kế riêng lẻ cho thấy sự phối hợp giữa đội ngũ thiết kế với các nhà sản xuất còn kém, chưa phối hợp tạo sản phẩm bán được. Ngoài ra, cần xây dựng thương hiệu và phát triển hệ thống phân phối. Các DN gia công, may cần phải chuyển phương thức gia công sang ODM, OBM”, bà Dung đề nghị.
Đồng quan điểm trên, TS Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho rằng, trong chuỗi giá trị toàn cầu về da giày, DN Việt Nam chủ yếu gia công theo đơn hàng từ nước ngoài, chưa chủ động được khâu nguyên phụ liệu, nên lợi nhuận thấp. Phần lớn các DN trong ngành da giày hiện nay chỉ chăm chú gia công cho nước ngoài, giá trị ngoại tệ thu về rất ít, thiếu đầu tư sản xuất khép kín. Trong khi đó, TPP đòi hỏi ngành da giày phải tự chủ về nguyên phụ liệu, không được nhập khẩu nguyên phụ liệu từ những nước không phải là thành viên của TPP. “Nhưng đây lại là điểm yếu lớn nhất của các DN da giày, khi phần lớn nguyên phụ liệu phải nhập từ nước ngoài, mà chủ yếu là từ Trung Quốc”, ông Hà Duy Hưng, Chủ tịch Hội Da giày TPHCM nói. Theo ông Hưng, nguyên phụ liệu chiếm từ 68%-75% giá thành sản phẩm giày dép. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của DN Việt chỉ đạt 40%-45%. Các nguyên phụ liệu quan trọng như da thuộc, mũ giày, da nhân tạo, vải nhân tạo… đều phải nhập khẩu.
Liên kết cùng phát triển
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Garmex Sài Gòn cho biết, theo dự báo của các tổ chức quốc tế, ngành dệt may Việt Nam sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 30 tỷ USD vào năm 2020 và 55 tỷ USD vào năm 2025, với điều kiện khi nguồn cung nguyên liệu phát triển tương ứng cùng các giải pháp đồng bộ. Do vậy, trước mắt, cần phát triển công nghiệp hỗ trợ để DN dệt may khai thác cơ hội. Bởi nếu không phát triển công nghiệp hỗ trợ tương ứng với tốc độ tăng trưởng ngành dệt may là 20%-25%/năm, dự báo trên sẽ không thể trở thành hiện thực. “Ngoài ra, việc đầu tư công nghiệp hỗ trợ còn giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động kiểm soát chất lượng đầu vào, kế hoạch giao hàng và thủ tục hải quan. Trước mắt, có thể triển khai thực hiện một số giải pháp như chỉ đạo cơ quan hữu quan thống kê, phân tích cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, từ đó tổng hợp, dự báo nhu cầu nguyên liệu theo chủng loại để làm cơ sở hoạch định cơ cấu sản xuất sản phẩm hỗ trợ”, ông Hùng nói.
TS Nguyễn Công Ái cho rằng, để tận dụng cơ hội từ TPP, cần thúc đẩy mối liên kết giữa các DN trong chuỗi giá trị thông qua việc phát triển và quy hoạch các cụm công nghiệp dệt may, da giày. Hỗ trợ tín dụng cho các dự án, DN sản xuất nguyên phụ liệu dệt may, da giày, đặc biệt là các DN nội; đồng thời, đầu tư công nghệ máy móc, nâng cao khả năng thiết kế, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm. Ngoài ra, DN dệt may, da giày cần tăng cường hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài để tận dụng và cộng hưởng nguồn lực; tăng cường đầu tư, thu hút đầu tư vào các công đoạn sản xuất nguyên phụ liệu, dệt và nhuộm.
Còn theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE, để tham gia TPP hiệu quả, các DN Việt Nam cần phân tích thực trạng dựa trên chuỗi giá trị toàn cầu của ngành để khắc phục nhược điểm, tham gia có hiệu quả hơn. Ngoài ra, tạo liên kết theo chiều dọc trên cơ sở phân công hợp tác bền vững với chiến lược dài hạn. “Nhược điểm về liên kết, hợp tác là điểm mà các DN Việt Nam cần khắc phục”, ông Mại nêu vấn đề. Về phía hiệp hội ngành hàng, cần tổ chức mối quan hệ hợp tác nội bộ ngành theo mô hình khu công nghiệp chuyên biệt về dệt may. Tổ chức tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm tại từng thị trường chủ yếu để gia tăng lợi nhuận. Về phía Chính phủ, không nên ủng hộ quá nhiều DN FDI đầu tư vào dệt nhuộm, thay vào đó, cần có chính sách hỗ trợ về kinh tế, tín dụng, thuế cho các DN trong nước để có thể tự làm dệt nhuộm. Ngoài ra, Chính phủ cần có chỉ đạo các địa phương thống nhất hành động trong việc lựa chọn các dự án FDI về dệt may, da giày. Chỉ đạo rõ ràng hơn về việc hình thành các khu công nghiệp chuyên biệt, bởi hiện có hơn 360 khu công nghiệp, nhưng mô hình gần nhau, chưa có sự chuyên biệt. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên lắng nghe và giải quyết các vấn đề của DN để tạo điều kiện thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do.
Nguồn SGGP
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065