>> Bài 1: Những thách thức trong công tác dân số ở Bình Phước
KHÓ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DÂN SỐ
BP - Hiện nay, ngành dân số Bình Phước đã đẩy mạnh tuyên truyền về nâng cao chất lượng dân số giúp người dân tiếp cận, áp dụng các biện pháp tránh thai và tự nguyện làm xét nghiệm sàng lọc trước sinh, sơ sinh; mở rộng mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, mô hình “Can thiệp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” ở vùng sâu, xa. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn đang diễn ra trong một bộ phận người dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Sinh con nhiều do... không biết tránh thai
Gia đình chị Thị Bru (1988) và anh Điểu Wat (1986) là hộ nghèo ở thôn 1, xã Đường 10, huyện Bù Đăng đã có 5 con gái nhưng chưa có ý định dừng lại. Ngày lấy chồng, chị Bru không đăng ký kết hôn nên các con chị sinh ra không có giấy khai sinh và đều không được đến trường do nghèo khó. Cả 5 lần mang thai, chị Thị Bru không đi khám, không chích ngừa uốn ván, sinh tại nhà và các con chưa từng được tiêm chủng. Chia sẻ về những khó khăn, chị Thị Bru cho biết: “Tôi chịu khó lo làm quanh năm mà cũng không đủ trang trải cuộc sống gia đình nên không có tiền, không biết ngừa thai, không có điều kiện cho con đi học. Sinh tới đứa thứ 5, tôi mới được một người họ hàng chỉ cách tránh thai”.
Gia đình anh Điểu Quát ở thôn 1, xã Đường 10, huyện Bù Đăng nghèo khó vì sinh đông con
Gia đình từng nhiều năm là hộ nghèo nhưng chị Thị Phương (1975) ở thôn Thuận Tiến, xã Thuận Lợi (Đồng Phú) cũng vừa sinh con thứ 5 được 2 tháng. Trước khi sinh con gái thứ 5, chị Thị Phương có 2 con trai, 2 con gái, trong đó 3 cháu đã lớn và tự lập. Chị Phương cho rằng, do bản thân bị bệnh không tránh thai được nên “vỡ kế hoạch” chứ vợ chồng không muốn sinh đông con vì kinh tế khó khăn. “Nghe chị em nói bệnh của mình không tránh thai được. Đến khi sinh con thứ 5 ở tuyến tỉnh, mới biết có biện pháp tránh thai dành cho những người bị bệnh như mình” - chị Phương nói.
Khi sinh con thứ 3 trở lên, nhiều chị đã đưa ra rất nhiều lý do để biện minh, phổ biến nhất vẫn là “vỡ kế hoạch”. Tuy nhiên khi tìm hiểu, cộng tác viên dân số cho rằng, một số vẫn còn tư tưởng “trời sinh voi sinh cỏ”, sinh nhiều để có lao động, sinh nhiều vì gia đình theo đạo không được dùng biện pháp tránh thai, sinh để “có nếp, có tẻ”... Bên cạnh đó, một số gia đình kinh tế phát triển muốn sinh thêm con theo kiểu đông con, đông của. Chị Thị Cách, cộng tác viên dân số thôn Thuận Tiến, xã Thuận Lợi cho biết: “Tôi đến từng nhà vận động chị em thực hiện kế hoạch hóa gia đình nhưng vẫn có chị thờ ơ, không coi chuyện đó là quan trọng. Nhiều chị em quên uống thuốc, không ngừa thai nên sinh đông con”. Ông Bạch Sỹ Long, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cho biết: Không chỉ đồng bào dân tộc thiểu số sinh con thứ 3 mà một bộ phận người Kinh kinh tế khá cũng muốn sinh thêm con. Trong khi đó, tại một số xã vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn còn diễn ra.
Dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ chưa đáp ứng nhu cầu
Những năm trước, nhờ chiến dịch tăng cường DS-KHHGĐ mà rất nhiều người dân ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ chất lượng cao. Tuy nhiên những năm gần đây, hoạt động này không còn nữa. Chị Nông Thị Miền, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Bom Bo (Bù Đăng) cho biết: Những năm trước, mỗi khi nghe có chiến dịch là chị em mừng lắm, rủ nhau đi khám. Mấy năm nay không có hoạt động này nên một số chị em kinh tế khó khăn “quên” luôn việc chăm sóc sức khỏe bản thân”. Thời gian trước, bệnh viện huyện không thực hiện được phương pháp triệt sản, vì vậy khi vận động được đối tượng chúng tôi phải trực tiếp đưa về bệnh viện tỉnh thực hiện vì họ không có phương tiện. Hơn nữa, đối với nhiều chị em ở nông thôn việc chăm sóc sức khỏe sinh sản là chuyện xa xỉ do còn phải lo đi làm, chăm sóc gia đình nên vận động rất khó.
Ngày nay, xã hội phát triển nên nhiều chị em đã quan tâm chăm sóc sức khỏe bản thân. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện không có nhiều cơ sở y tế đáp ứng nhu cầu này, trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản của chị em ngày càng tăng cao. Chị Nguyễn Thị Thu ở phường Tân Phú (Đồng Xoài) cho biết: Ngày nay, chị em đâu chỉ đơn thuần đi khám phụ khoa mà kèm theo nhiều dịch vụ chất lượng cao khác, trong khi ở tỉnh rất ít cơ sở y tế đủ điều kiện để lựa chọn. Vì vậy, cứ 6 tháng/lần tôi rủ bạn thuê xe về TP. Hồ Chí Minh thăm khám, nếu phát hiện bệnh sớm điều trị cũng yên tâm hơn.
Bình Phước có 13 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút hàng ngàn công nhân lao động từ các nơi khác, trong đó lao động nữ chiếm số lượng lớn, đa số trong độ tuổi sinh đẻ. Để đáp ứng nhu cầu dịch vụ DS-KHHGĐ, trong thời gian tới, Bình Phước cần đẩy mạnh hơn nữa việc tiếp cận chị em thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng, tư vấn, nói chuyện chuyên đề... để cung cấp đầy đủ kiến thức về sức khỏe sinh sản, giúp phụ nữ ý thức sâu sắc hơn về công tác DS-KHHGĐ. Từ đó điều chỉnh hành vi dân số phù hợp với điều kiện sống của gia đình, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.
P.Dung
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065