>> Bài 1: Tăng lãi suất huy động
VỐN ĐẦU TƯ CHO DOANH NGHIỆP KHÓ NỚI LỎNG
Các chương trình tín dụng khuyến khích doanh nghiệp (DN) sản xuất - kinh doanh đã giúp nhiều DN vượt qua khó khăn, có điều kiện tái cấu trúc tài chính. Tuy nhiên, đa phần DN đều cho rằng, tiếp cận vốn vay ngân hàng đã khó, được vay lãi suất thấp từ các gói tín dụng ưu đãi lại càng khó hơn.
CHO VAY CŨNG GẶP KHÓ
Theo một số vị lãnh đạo ngân hàng (NH) trên địa bàn tỉnh, hiện nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế dồi dào, mặt bằng lãi suất tương đối thấp nhưng khả năng hấp thụ vốn chưa tốt. Nguyên nhân do biến động giá các mặt hàng nông sản dẫn đến hoạt động của DN trầm lắng. Cùng với đó, hoạt động sản xuất ở các khu công nghiệp của tỉnh chưa có sự bứt phá mạnh mẽ, chưa hình thành các ngành sản xuất trọng điểm. Và trong khi NH khẳng định nguồn vốn dồi dào thì không ít DN kêu khó tiếp cận. Như vậy, dù đã tháo gỡ vướng mắc trong quan hệ vay vốn giữa NH - DN nhưng kết quả chưa như mong đợi, mà vướng nhất là điều kiện tài sản đảm bảo tiền vay.
Tiếp cận nguồn vốn NH để đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh ở DN chế biến cao su (ảnh chỉ mang tính minh họa)
“Đã là kinh doanh thì NH nào cũng muốn tăng trưởng nhưng liều lĩnh nới lỏng điều kiện để tìm kiếm khách hàng thì rủi ro mất vốn sẽ càng lớn. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, NH đã hỗ trợ về giá vốn qua việc hạ lãi suất ở mức thấp nhất có thể cho những DN vừa và nhỏ” - ông Hà Thiên Sơn, Giám đốc BIDV Bình Phước nói.
Ông Huỳnh Thành Chung, Chủ tịch Hội DN trẻ tỉnh cho biết, ngành NH đã nỗ lực rất lớn để đầu tư vốn cho DN nhưng theo khảo sát của hội và phản ánh của DN liên quan đến vấn đề vốn vay thì DN chỉ được vay theo định giá tài sản thế chấp. Ngoài thế chấp tài sản, vay tín chấp vẫn được NH thực hiện nhưng chỉ ít DN có quan hệ truyền thống. Nếu chỉ dựa trên tài sản thế chấp thì mức cung ứng vốn sẽ hạn chế, DN khó có điều kiện vực dậy và phát triển.
Ông Sơn cũng như lãnh đạo các NH đều có chung nhận định, tài sản thế chấp là bất động sản, máy móc, phương tiện sẽ chắc ăn hơn là thế chấp bằng kho hàng. NH không thể mạo hiểm khi hoạt động lưu thông hàng hóa của DN kinh doanh nông sản ảm đạm từ đầu năm đến nay. Hàng tồn kho nếu bảo quản không tốt sẽ bị giảm chất lượng hoặc nguy cơ thất thoát nếu kiểm soát không chặt. Đó là chưa kể trường hợp DN thế chấp cùng 1 kho hàng cho nhiều NH, rồi rủi ro về thiên tai, hỏa hoạn cũng gây thiệt hại lớn mà thực tế đã xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
ÁP LỰC NỢ XẤU
Lãi suất đầu vào tăng khiến nhiều DN lo lắng lãi suất đầu ra sẽ bị điều chỉnh tăng tương ứng trong thời gian tới. Tuy nhiên, lãnh đạo một số NH cho rằng, ít nhất trong quý 3/2016, lãi suất cho vay sẽ không tăng vì các NH phải thực hiện giảm lãi suất dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước. Chênh lệch lãi suất giữa huy động và cho vay của các NH hiện chỉ ở mức 2-3% nên dư địa giảm lãi suất không nhiều. Trừ khi có sự hỗ trợ về nguồn vốn từ phía Ngân hàng Nhà nước thông qua việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, dự trữ thanh khoản để có thêm nguồn vốn rẻ cho vay.
Thực tế cũng cho thấy, ngoài các NH lớn như BIDV, Vietinbank đã giảm 0,5-1% lãi suất cho vay, còn hầu như chưa thực hiện. Một số NH như ACB, Sacombank... đã có động thái giảm nhẹ lãi suất huy động ở một số kỳ hạn nhằm giảm chi phí, từ đó tiến đến giảm lãi suất cho vay. Hiện chưa có nhiều DN tiếp cận được vốn vay giá rẻ của NH, ngay cả những gói vay hỗ trợ lãi suất mà các NH tung ra thì phần vốn này cũng ưu tiên cho những DN đủ điều kiện vay.
Ngoài ra, lãi suất huy động đang tăng sẽ khiến việc duy trì ổn định mức lãi suất vay như năm 2015 của các NH gặp khó khăn, chứ chưa nói đến chuyện giảm. Mặt khác, nợ xấu cao chưa được giải quyết nên lãi suất cho vay vẫn là vấn đề lớn của những tháng cuối năm 2016, do đó nhiều NH thương mại cổ phần không có khả năng hạ lãi suất cho vay.
CẦN “TIẾNG NÓI CHUNG”
Ông Huỳnh Thành Chung cho rằng: Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, hiệu suất sinh lời thấp, do đó DN rất cần sự linh hoạt trong điều kiện cho vay, có thể dựa trên kết quả đánh giá từ nhiều kênh thông tin. Nhiều DN có giá trị tài sản thế chấp thấp nhưng trong quá trình làm ăn lại được đối tác đánh giá rất cao về mức độ uy tín do sản xuất - kinh doanh hiệu quả, đóng góp đầy đủ cho ngân sách nhà nước. Vậy thì NH nên linh động, đồng hành với DN. Còn bà Trần Mỹ Tâm, thành viên Hội DN trẻ tỉnh đề nghị: NH nên nới lỏng đánh giá các điều kiện áp đặt để DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. Bởi phía NH hiện không chỉ buộc DN vay vốn phải cam kết không thế chấp tài sản ở NH khác mà các dự án phát triển sản xuất - kinh doanh phải khả thi thì mới được vay vốn.
Từ quan điểm trên, lãnh đạo các NH thương mại trên địa bàn tỉnh cho rằng, tìm một DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh có đủ các yếu tố để NH cho vay vốn hiện rất khó. Tuy nhu cầu nguồn vốn lớn để đầu tư mở rộng sản xuất - kinh doanh nhưng cơ chế quản lý DN còn tụt hậu về quản trị và công nghệ. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý một số DN vừa và nhỏ trình độ chưa đáp ứng yêu cầu, khả năng mở rộng hợp tác liên doanh, liên kết còn hạn chế... cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư của DN. Trong khi áp lực về thủ tục, điều kiện tín dụng trên nền tảng quản trị rủi ro đã “siết chặt” các tổ chức tín dụng trên địa bàn phải thận trọng khi trao vốn cho DN.
Trước áp lực cạnh tranh, NH nào cũng đang ra sức tìm kiếm khách hàng, đưa ra nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất 6-7%/năm. Tuy nhiên, đa số DN đang trong giai đoạn duy trì và ổn định sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động là chính, chứ hiệu quả hoạt động chưa lớn nên việc triển khai các gói tín dụng chưa đến được DN. Về vấn đề này, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Bình Phước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các NH thương mại xem xét, không phân biệt quy mô DN lớn hay nhỏ, nếu có điều kiện vực dậy, có khả năng phát triển tốt thì phải đầu tư tín dụng, không để xảy ra tình trạng thiếu vốn hoạt động.
Thanh Mảng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065