BPO - Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: “Theo quy định của các ngân hàng thương mại, đối với thủ tục vay vốn, phần tài sản thế chấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được công chứng tại văn phòng công chứng và chứng thực tại văn phòng đăng ký QSDĐ, mất nhiều thời gian và tốn kém tiền bạc, nhất là đối với các hộ nông dân vay vốn sản xuất nông nghiệp với số tiền vay chỉ từ 10 đến 20 triệu đồng. Đề nghị điều chỉnh lại thủ tục vay vốn, đặc biệt là quy trình công chứng, chứng thực tài sản thế chấp để hạn chế phiền hà, tốn kém cho người nông dân. Đôi với các khoản vay nhỏ của các hộ dân sản xuất nông nghiệp cần có thủ tục đơn giản, thuận tiện để người dân có điều kiện tiếp cận vay vốn, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống”.
Ngân hàng nhà nước Việt Nam trả lời như sau:
Theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn thì cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa đến 50 triệu đồng và phải nộp giấy chứng nhận QSDĐ (đối với các đối tượng được cấp giấy chứng nhận QSDĐ) hoặc được UBND cấp xã xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ và đất không có tranh chấp. Quy định hộ gia đình phải nộp giấy chứng nhận QSDĐ cho tổ chức tín dụng trong trường hợp vay không có tài sản bảo đảm là cần thiết nhằm nâng cao trách nhiệm của hộ gia đình trong việc trả nợ ngân hàng, hạn chế rủi ro phát sinh do lợi dụng chính sách của Nghị định 41/2010/NĐ-CP để vay vốn tại nhiều tổ chức tín dụng. Đây không phải là hình thức thế chấp tài sản vì hộ gia đình không phải thực hiện các thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm. Nếu bỏ quy định này thì các tổ chức tín dụng sẽ thận trọng hơn khi xem xét cho vay và có thể ảnh hưởng đến việc đáp ứng nhu cầu vốn của các hộ dân.
Đối với trường hợp vay vốn có bảo đảm bằng tài sản, thì theo quy định hiện hành bên bảo đảm (khách hàng vay) và bên nhận bảo đảm (tổ chức tín dụng) thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm và đăng ký giao dịch bảo đảm; người dân thực hiện đăng ký thế chấp QSDĐ và nhà ở hoặc tài sản khác gắn liền với đất tại văn phòng đăng ký QSDĐ hoặc phòng tài nguyên và môi trường (tại những địa phương chưa thành lập văn phòng đăng ký QSDĐ). Việc điều chỉnh quy trình công chứng, chứng thực tài sản thế chấp… thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành khác và cần có sự phối hợp tích cực, đồng bộ của các ngành, các cấp để đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xem xét, quyết định cho vay.
Về phía ngành ngân hàng, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước, các tổ chức tín dụng đã và đang cải tiến, đơn giản hóa thủ tục cho vay trên cơ sở vẫn bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật. Một số ngân hàng thương mại đang triển khai cho vay với các hình thức đơn giản, phù hợp với người sản xuất, chăn nuôi như: cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng, xuống tận địa bàn để cho vay, thu nợ nhằm rút ngắn thời gian xem xét, quyết định cho vay…
Trên đây là ý kiến trả lời của Ngân hàng nhà nước Việt Nam về nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Phước. Ngân hàng nhà nước Việt Nam trân trọng cảm ơn và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cử tri đối với hoạt động ngân hàng.
Thống đốc
Nguyễn Văn Bình
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065