|
Ngồi mát ăn bát vàng
Hiện tại có một nghịch lý khá trớ trêu, trong khi khối doanh nghiệp (DN) tư nhân khát vốn, thì không ít ngân hàng vẫn tìm mọi cách quay sang “dồn” vốn cho các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước. Kể cả việc xin cấp tín dụng vượt hạn mức 15% vốn tự có và chấp nhận chào với lãi suất rẻ hơn cả lãi suất huy động.
Thống kê từ đầu năm cho thấy, các ngân hàng (NH) thi nhau đệ đơn lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thẩm định để trình Chính phủ xin tăng cấp tín dụng vượt mức. Cuộc “chạy đua” này được bắt đầu làm nóng từ nhóm đại gia trong hệ thống NH khi BIDV được đồng ý cấp tín dụng vượt hạn mức 15% vốn tự có đối với khách hàng để bơm vốn cho TCT xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4), Công ty TNHH hai thành viên BOT QL 1A-TCT 319. Tiếp đó, vào tháng 7-2014, Vietinbank cũng đã được chấp thuận cho vay vượt giới hạn vốn tự có của NH đối với TCT điện lực miền Bắc và Công ty CP cơ khí điện lực (PEC) để thực hiện xây dựng, cải tạo, mở rộng mạng lưới điện nhỏ và bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đầu tháng 9-2014, vẫn với hình thức trên, Vietinbank được cho phép giải ngân vốn đối với 11 công ty thuộc TĐ than - khoáng sản VN (TKV).
Các khoản vay như trên không chỉ diễn ra giữa NH thuộc sở hữu nhà nước với DN nhà nước, gần đây nhiều NH cổ phần cũng tham gia vào sân chơi này. Đơn cử như trường hợp NH TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) cấp tín dụng vượt hạn mức cho Vietnam Airlines mua 2 máy bay; NH TMCP Đông Nam Á (SeaBank) cũng hỗ trợ vốn Vietnam Airlines mua 1 máy bay Airbus…
Trong lúc tín dụng bế tắc, không ai lại để vốn ế trong nhà, tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng cũng phải thừa nhận là các NH đã và đang dồn vốn quá nhiều cho các TĐ, TCT. Nhưng chưa hết, trong khi DN ở khu vực khác phải vay với lãi suất thị trường từ 10 - 12%/năm, thì một số NH phá giá “chào” chỉ có 4,5 - 5%/năm cho các TĐ, TCT, mức này còn thấp hơn cả lãi suất huy động. Đây thực sự là cạnh tranh thiếu lành mạnh và có phần “vô lối”.
Bất công cho DN tư nhân
Theo ông Cấn Văn Lực, hàm Phó tổng giám đốc BIDV NH, cấp tín dụng vượt hạn mức 15% vốn tự có cho các TĐ, TCT, là để đảm bảo tổng hòa lợi ích trong kinh doanh trước sức ép của cổ đông. Có nhiều TĐ, TCT đầu tư vốn dang dở nhưng hạn mức chạm ngưỡng 15% phải xin cấp thêm. Ngoài ra, cho các DN nhà nước lớn vay cũng dễ kiểm soát dòng vốn, tránh được nhiều rủi ro và thậm chí còn có thể huy động được nguồn tiền gửi dồi dào, cấp dịch vụ thanh toán cho các DN này.
Nhưng đó chỉ là bề nổi, trên thực tế, không ít “ông lớn” hiện nợ nần chồng chất, làm ăn thua lỗ. Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra một loạt TĐ, TCT hoạt động kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn chiếm dụng, vốn vay nợ hệ số phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, mất an toàn so với tỷ lệ cho phép của Bộ Tài chính là 3 lần. Cụ thể, Cienco 6 là 3,27 lần; IDICO 5,91 lần; một số công ty cổ phần thuộc TKV - khách hàng của Vietinbank từ 3,18 đến 9 lần. Một số đơn vị khác tỷ lệ nợ phải trả/vốn điều lệ vượt mức cho phép như 8 công ty thuộc TKV từ 3,4 đến 8,74 lần; TCT 319 - khách hàng của BIDV 4,66 lần. Điều đáng nói, rất nhiều TĐ, TCT dù Thủ tướng yêu cầu phải xử lý nợ nhưng vẫn cứ chây ì không chịu phân loại, giải quyết dứt điểm.
Theo chuyên gia tài chính TS Vũ Đình Ánh, bản thân ông cũng không thể hiểu, Chính phủ đang yêu cầu tái cơ cấu khu vực DN nhà nước, giảm cấp tín dụng, giảm tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính cao ở khu vực này, vực dậy khu vực tư nhân, nhưng các NH, trong đó không ít thuộc sở hữu nhà nước lại bằng mọi giá chạy đua rót vốn với lãi suất rẻ. Còn khu vực DN vừa và nhỏ, DN tư nhân đang phải gánh lãi suất trung, dài hạn còn khá cao và ngày càng teo tóp, tan rã.
Theo quy định, vốn tự có hiện nay bao gồm vốn điều lệ (nguồn vốn do cổ đông đóng góp) và một số khoản quỹ khác, lợi nhuận để lại của NH... Nguồn vốn này tại các NH thời gian qua đang tăng lên khá nhanh nên tỷ lệ hạn mức cấp tín dụng cho một khách hàng cũng là rất lớn.
Đơn cử tại Vietinbank, vốn tự có mà NH này công bố lên tới hơn 51.000 tỉ đồng, chỉ cần hạn mức 15% vốn tự có, một khách hàng cũng được cho vay ít nhất 7.650 tỉ đồng. Đối với một NH cổ phần như SeaBank, với nguồn vốn điều lệ hiện gần 5.500 tỉ đồng, cộng với các nguồn khác hình thành vốn tự có, một khách hàng của NH này cũng được cấp tín dụng lên tới nghìn tỉ đồng...
|
Nguồn TNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065