Thực tế trong nhiều năm qua cho thấy, những thông tin liên quan đến việc cơ quan chức năng bắt giam, khởi tố cán bộ lạm dụng chức vụ để chiếm đoạt tài sản của ngân hàng hay nhân viên ngân hàng “ôm tiền” của khách hàng bỏ trốn... đã xuất hiện khá dày đặc trên các trang thông tin đại chúng. Các vụ án lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt tiền và tài sản với số tiền lớn tại các ngân hàng đã làm rúng động thị trường và để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.
Vậy tại sao tội phạm ngân hàng lại liên tục gia tăng, quy mô và mức độ phạm tội ngày càng lớn như vậy? Lý giải điều này, có nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất là yếu tố con người. Những năm qua, ngành ngân hàng phát triển quá nóng khiến việc tuyển dụng cán bộ, nhân viên quá ồ ạt, quy trình tuyển dụng không chặt chẽ, không đặt nặng trọng tâm vào việc đánh giá đạo đức của các ứng viên... dẫn đến buông lỏng việc quản lý giám sát và đánh giá hồ sơ ứng viên tuyển dụng thiếu chính xác. Điều này đã khiến đạo đức trong lĩnh vực ngân hàng bị phân cấp và nhiều đối tượng lợi dụng chức vụ, vị trí của mình để chiếm đoạt tài sản bất chính. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật hiện nay còn có quy định, nguyên tắc chưa phù hợp, chưa đầy đủ. Hơn nữa việc thực hiện quản lý cũng chưa nghiêm, xử lý tội phạm ngân hàng chưa đủ sức răn đe. Tất cả những điều đó làm cho phát triển hệ thống ngân hàng còn có những vi phạm, lỗ hổng để các đối tượng lợi dụng.
Từ nhận định trên, để ngăn ngừa và giảm thiểu tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, nhiều chuyên gia cho rằng khi phát hiện vi phạm cần xử lý nghiêm minh để răn đe những cán bộ, nhân viên có dấu hiệu phạm tội khác. Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật… để phù hợp với diễn biến của thị trường. Phải áp dụng công nghệ cao vào trong quản lý ngân hàng để ngăn ngừa tối đa tỷ lệ phạm tội. Các ngân hàng cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, chú trọng chất lượng nhân sự kể cả về chuyên môn lẫn đạo đức, phẩm chất, tăng cường kiểm tra, giám sát... Đồng thời, mỗi ngân hàng cũng cần phải có biện pháp chấn chỉnh và nâng cao đạo đức nghề nghiệp đối với mỗi cán bộ, nhân viên...
Đặc biệt là trong quá trình tái cấu trúc đang diễn ra, ngành ngân hàng cần tiếp tục nâng cao tính hiệu quả, khả năng quản lý, quản trị của hệ thống ngân hàng thương mại kể cả liên doanh, cổ phần và nước ngoài có hệ thống tại Việt Nam để tạo nên yếu tố an toàn. Đối với cơ quan quản lý cần tăng cường giám sát hoạt động của các ngân hàng. Có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng tội phạm ngân hàng hiện nay.
Hải Như
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065