Cụ thể, tại Điều 36 của nghị định này có quy định: Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nông hộ. Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trang trại. Phạt tiền từ 70 đến 100 triệu đồng đối với hành vi sử dụng chất cấm trong sản xuất, gia công và kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động sản xuất, gia công, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trong thời hạn từ 1 tháng đến 3 tháng và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cơ sở chăn nuôi tiếp tục nuôi dưỡng vật nuôi đã sử dụng chất cấm đến khi kiểm tra không còn tồn dư chất cấm mới được phép xuất bán hoặc giết mổ đối với hành vi vi phạm.
Mặc dù vậy, song vì nguồn lợi từ hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi quá lớn nên vẫn có không ít trường hợp cố tình vi phạm. Báo Tuoitre Online ngày 4-10-2015 cho biết: Để tăng trọng cho vật nuôi, trước đó vào trung tuần tháng 8-2015 ở Tiền Giang sau một đợt kiểm tra đã cho thấy có tới 5/9 trại dương tính với chất salbutamol, tập trung ở hai ấp Tân Ninh và Tân Thuận. Tất cả các mẫu được lấy đều là heo lớn sắp xuất chuồng. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 19-8-2015, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (C49), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (C46), Bộ Công an phối hợp với thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đột kích bắt quả tang Công ty TNHH sản xuất thuốc thú y Khoa Nguyên (901 Âu Cơ, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú), đang sản xuất hàng trăm mặt hàng thuốc kháng sinh cấm sản xuất. Về tác hại của các chất tạo nạc trong chăn nuôi, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng - chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam - cho rằng, các chất này bị cấm sử dụng vì thuộc nhóm gây ra độc hại khi sử dụng, ảnh hưởng lên hệ thần kinh, hệ cơ và hệ tim mạch.
Để ngăn chặn hành vi gây nguy hiểm cho xã hội nói trên, trong Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bộ sung năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018, đã bổ sung quy định về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Theo đó, tại Điều 317 có quy định như sau: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10 đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10 đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 100 đến dưới 300 triệu đồng hoặc sản phẩm trị giá từ 50 đến dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;…
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:… Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 300 triệu đồng trở lên; Thực phẩm có sử dụng nguyên liệu là động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy trị giá 500 triệu đồng trở lên; Thực phẩm có sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá 1 tỷ đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Pháp luật quy định là vậy, nhưng vẫn không ngăn chặn được lòng tham trước khoản lợi nhuận lớn của nhà sản xuất, người cung cấp hàng hóa, chế biến, vận chuyển… Đêm 5-5-2018, tại Km188+300 cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thuộc địa phận Thanh Trì, Hà Nội, lực lượng CSGT phối hợp với lực lượng Cảnh sát môi trường và Chi Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra xe ô tô tải biển số 60C-057.01 kéo theo contenner 60R-002.19 lưu thông theo hướng Hà Nội - Hà Nam. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe vận chuyển hơn 10 tấn nầm heo đựng trong 215 thùng hàng không có giấy tờ, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Và điều đáng nói ở đây là số thịt trên đã ngả màu và bốc mùi. Nếu không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, số thực phẩm bẩn trên chắc chắn đã được tiêu thụ trên thị trường và tác hại của chúng đối với người tiêu dùng thì có trời mới biết.
Để ngăn chặn có hiệu quả hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, trước hết các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với nhưng cá nhân, tổ chức vi phạm. Tuy nhiên, giải pháp căn cơ nhất vẫn là tập trung giải quyết từ gốc, tức là bắt đầu từ khâu thúc đẩy, mở rộng sản xuất nông sản an toàn. Đồng thời tạo dựng thị trường cho việc tiêu thụ sản phẩm an toàn, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi việc lưu thông thực phẩm không an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
NN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065