BP - Liên tiếp những clip về bạo lực học đường (BLHĐ) được tung lên mạng xã hội thời gian gần đây với mức độ “bạo hành” ngày càng trầm trọng của học sinh (cả ở bậc tiểu học) khiến dư luận dậy sóng. Tại diễn đàn Quốc hội, các đại biểu cũng thể hiện sự nóng ruột về vấn nạn BLHĐ. Không thể đừng, Thứ trưởng “bộ học” đã phải lên tiếng về tình trạng đáng buồn này. Tuy nhiên, dư luận chưa đồng tình với nội dung trả lời của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, bởi BLHĐ đã diễn ra từ nhiều năm qua và ngày càng nghiêm trọng; Bộ GD-ĐT đã nhận trách nhiệm song chưa đưa ra được phương án khả thi nào để giảm bớt, tiến tới ngăn chặn BLHĐ.
Trả lời phỏng vấn của báo chí, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng “BLHĐ đang diễn ra hết sức phức tạp, chỉ vì những chuyện nhỏ thường ngày mà các em ứng xử thiếu lòng nhân ái, trái với chuẩn mực đạo đức xã hội”. Nhiều nguyên nhân được lãnh đạo bộ đưa ra để lý giải tình trạng sa sút đạo đức của học sinh, mà nguyên nhân sâu xa là mặt trái của nền kinh tế thị trường; gần là từ phía gia đình, do bố mẹ thiếu quan tâm, không theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, diễn biến tâm lý của con để kịp thời uốn nắn những lệch lạc... Và bà Nghĩa cũng thừa nhận một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng BLHĐ là do chương trình giáo dục còn nhiều bất cập, môn Đạo đức - Giáo dục công dân “còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ thực tiễn”...
Để ngăn chặn bạo lực học đường đòi hỏi môi trường sư phạm trong sáng, yêu thương và gương mẫu. Trong ảnh: Nữ sinh Trường THPT Hùng Vương, thị xã Đồng Xoài - Ảnh: S.H
Cuộc sống hiện tại đã có quá nhiều thay đổi do tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường. Theo đó, những giá trị, chuẩn mực đạo đức cũng thay đổi theo hướng tiêu cực. Vì thế, BLHĐ xảy ra không thể đổ lỗi tất cả cho ngành giáo dục mà phải mở rộng thêm cả vấn đề gia đình, xã hội. Thế nhưng rõ ràng trách nhiệm của nhà trường là rất lớn, bởi hầu hết các trường đều học hai buổi nên phần lớn thời gian các em học tập, sinh hoạt tại trường. Nhà trường đã quản lý ra sao mà ngay trong lớp, trong trường có những học sinh xưng vương xưng bá, cấu kết với trẻ hư bên ngoài nhà trường chèn ép, ăn hiếp và ra tay rất dã man với các bạn yếu thế mà thầy cô không biết!? Trước đây, chỉ những học sinh hư, cá biệt mới đánh nhau thì nay cả “con ngoan, trò giỏi” cũng tham gia vào những cuộc ẩu đả đầy bạo lực. Nếu không trực tiếp ra tay thì các em cũng vô tư nhìn bạn bị hành hung, thậm chí còn hò reo cổ vũ, dùng điện thoại quay video rồi tung lên mạng. Trước đây, không có chuyện trò hỗn hào với thầy, nếu giữa học trò có chuyện xích mích thì việc giải quyết mâu thuẫn cũng diễn ra ngoài trường học. Còn bây giờ, học sinh đánh nhau tại lớp, thậm chí thầy trò đánh nhau ngay trên bục giảng như ở Trường THPT Nguyễn Huệ (Bình Định) hơn 2 năm trước khiến dư luận vô cùng bức xúc. Tại Bình Phước cũng đã có học sinh THPT ở Đồng Xoài bị đâm chết ngay cổng trường. Rồi chuyện thầy đánh bầm mông trò ở Bù Đăng, chuyện cô giáo phạt học sinh ăn ớt ở Trường tiểu học Hoàng Diệu (Bù Gia Mập), cô giáo bắt phạt học sinh ngậm đá để không nói chuyện ở Đồng Phú... cũng đã xảy ra. Như vậy, BLHĐ đã, đang diễn ra ở khắp nơi, ở mọi bậc học.
Thực ra từ năm 2008, Bộ GD-ĐT đã phát động phong trào xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực” và còn nhiều phong trào, cuộc vận động khác, thế nhưng căn bệnh thành tích trầm kha đã đẩy nền giáo dục nước nhà đi lạc hướng ngày càng xa. Phương pháp đào tạo “lạc điệu” với hơi thở của cuộc sống nên dù có phát động nhiều phong trào như “nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục”, “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”... cũng không thể sửa được những chỗ hỏng trong “cỗ máy” giáo dục. Và BLHĐ dường như là hệ quả của một nền giáo dục có quá nhiều vấn đề bất cập, yếu kém. Đó là sự gian lận trong học hành, thi cử mà điển hình là vụ clip thi tốt nghiệp ở Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) mấy năm trước, giáo viên ném “phao” vào lớp và học sinh thì thoải mái chép. Gần đây, dư luận lại râm ran với câu chuyện học sinh lớp 6 phải xuống học lớp 1 vì không biết đọc, biết viết ở Sóc Trăng. Dù đã có lần phụ huynh yêu cầu được cho con lưu ban, nhưng vì “thành tích”, giáo viên chủ nhiệm vẫn động viên phụ huynh để con được lên lớp. Và ngay tại Bình Phước, hẳn tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” do bệnh thành tích của thầy cô không phải là quá hiếm. Thế nhưng bản thành tích của các trường, của toàn ngành giáo dục thì cứ kêu như chuông. Tỷ lệ học sinh giỏi hằng năm, tỷ lệ tốt nghiệp, đậu đại học cứ cao ngất ngưởng. Trước đây, báo chí từng đưa tin có vị giám đốc sở GD-ĐT rất hăng hái trong phong trào “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, tổ chức coi thi tốt nghiệp rất chặt nên có trường ở tỉnh này tỷ lệ đậu tốt nghiệp chưa quá 40%. Kết quả là vị giám đốc bị phê bình vì làm ảnh hưởng đến thành tích chung của tỉnh... Trong môi trường có quá nhiều vấn đề tiêu cực như thế, cộng với áp lực học hành quá nặng nề nên tâm hồn các em trở nên chai sạn và nhiều em nổi loạn.
BLHĐ đã ở mức rất nghiêm trọng. Nếu không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và giải quyết triệt để thì con đường từ BLHĐ tới những hành vi phạm pháp ngoài xã hội chỉ là khoảng cách rất ngắn. Được biết Bộ GD-ĐT đang tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”; Chỉ đạo triển khai đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy môn Giáo dục công dân, môn Đạo đức; thậm chí có phương án đưa môn Giáo dục công dân thành môn thi tốt nghiệp THPT trong năm 2017... Nhưng nếu không thay đổi tư duy, đánh giá thực chất việc dạy và học thì tất cả chương trình, dự án, đổi mới cũng chỉ là hình thức và những tiêu cực trong ngành giáo dục, trong đó có BLHĐ không thể nào xóa bỏ được.
Thảo Nguyên
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065