BP - Phạm Lữ Ân - tác giả cuốn sách - không phải là nhà văn chuyên nghiệp nhưng sách quả thực là gieo “Những hạt giống tâm hồn” cho tuổi trẻ. Cuốn sách dày chưa đến 200 trang nhưng đã gói được những trải nghiệm về cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ (Phạm Lữ Ân là bút danh chung của 2 vợ chồng Phạm Công Luận và Đặng Nguyễn Đông Vy).
Kết cấu của sách khá độc đáo. Đó là sự khơi mào của những câu danh ngôn, những câu chuyện nhỏ hoặc thơ, phù hợp với đề tài mà tác giả muốn đề cập. Sau câu chuyện là sự cắt nghĩa lý giải chân thành tinh tế. Có 40 nhan đề cũng là bấy nhiêu vấn đề nhỏ của sách. Chung quy là những chiêm nghiệm về những tình huống và cách giải quyết tình huống có trong cuộc sống. Những quan điểm của tác giả về cuộc sống - tình yêu - bản sắc cá nhân...
Bản thân mỗi người là một giá trị có sẵn: Thực tế, bất kỳ ai trong chúng ta sẽ có lúc thiếu tự tin về bản thân và quan niệm sai lầm về sự tự tin: những người tự tin là những người giỏi hơn người khác, có năng lực, năng khiếu... Xuân Diệu cũng từng khẳng định: “Ta là một, là riêng là thứ nhất”. Phạm Lữ Ân đã lý giải thú vị: “Vấn đề không phải vịt hay thiên nga, vịt có giá trị của vịt cũng như thiên nga có giá trị của thiên nga. Vấn đề không phải hơn hay kém mà là sự riêng biệt”. “Có thể bạn không học giỏi nhưng luôn đúng hẹn, không xinh nhưng nấu ăn ngon...”. Quan trọng nhất của sự “biết mình”. Vâng! Khi “biết mình” ta sẽ không “tự kiêu” nhưng cũng không “tự ti” mà vừa đủ: “tự tin”. Xác định được giá trị bản thân là điều vô cùng quan trọng đối với các bạn trẻ. Luôn giữ được niềm tin về giá trị bản thân sẽ giúp bạn trẻ năng động, phát huy sở trường và sống tốt. Tôn trọng các giá trị bản thân sẽ là nền tảng để tôn trọng các giá trị đạo đức, nhân văn của xã hội.
Hãy kiêu hãnh và tự do như những chú gà rừng: Tiêu đề này là một so sánh rất thú vị: “Gà rừng đi mười bước mới nhặt được một hạt thức ăn, đi trăm bước mới uống được ngụm nước. Nhưng chúng không mong được sống trong lồng”. Câu chuyện này thức tỉnh những sai lầm của chúng ta trong cách dạy trẻ, cách cha mẹ muốn “bảo bọc” con cái “từ A đến Z” đến nỗi nhiều đứa trẻ 14 tuổi không biết gấp quần áo, cho cả dép vào máy giặt, 18 tuổi không thể tự đi thi... Được chăm lo quá mức như vậy dẫn đến không ít thanh thiếu niên lười biếng, mất đi bản năng độc lập, sống thụ động, chuộng thói quen hơn sáng tạo. Không ai lấy mất tự do của chúng ta, chỉ có chúng ta tự nguyện đánh mất nó thay vì cố gắng giữ lấy nó.
Có một cuốn sách bên trong bạn: Đây được xem là ý tưởng rất mới mẻ về vấn đề viết. Viết không phải là đặc quyền của nhà văn, nhà báo mà là của tất cả chúng ta. Không ai lại không có một ý tưởng nào đó để viết về cuộc sống, mơ ước, kinh nghiệm của bản thân. Tác giả như người mở đường để mọi người có thể viết. Đặc biệt, trong điều kiện ngày nay viết chứ không phải in sách nên không hề tốn kém. Viết trên Blog, Facebook đã là một kiểu “xuất bản” rồi. Khi đã có ý thức về việc viết, người viết sẽ không ngừng quan sát, tìm tòi, lý giải và đó sẽ là cách thưởng thức cuộc sống. “Tôi chẳng viết được gì cả, đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng”. Biết đâu đó là câu mở đầu hoàn hảo cho cuốn sách của bạn.
Trong cuốn sách “Nếu biết trăm năm là hữu hạn”: Ý thức về thời gian luôn là nỗi trăn trở của con người khi đứng trước sự vô thủy vô chung của vũ trụ. Không đi tìm phước “trường sinh bất lão” như tiền nhân, cũng không cổ vũ lối sống “vội vàng”, tận hưởng vồ vập như Xuân Diệu. Phạm Lữ Ân chuyển từ phạm trù “sống lâu” sang “sống sâu”. Nghĩa là “hưởng thụ thực sự, không ảo giác”. Không phải có nhiều tiền, sở hữu nhiều món đồ đắt tiền mới là hưởng thụ. Mua sách chất đầy kệ mà không đọc hay đọc mà không hiểu đó là chúng ta đang tự lừa dối mình. Tận hưởng là mãn nguyện, là đã “sống rất sâu”. Biết mình có gì, hiểu thứ mình có và biết cách tận hưởng tối đa những gì mình xứng đáng được hưởng, đó mới là tận hưởng. “Nếu biết trăm năm là hữu hạn, cớ gì ta không sống thật sâu?” - tác giả kết luận.
Th.S Vũ văn Tuấn
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065