Đồng bào Khơme lên chùa mừng sư sãi trong lễ Sen Dolta - ảnh tư liệu
Đồng bào Khơme ở Bình Phước có khoảng gần 20 ngàn người, tập trung chủ yếu ở Lộc Ninh. Nơi đây có ngôi chùa Sóc Lớn khá nổi tiếng (1). Những ngày này, bà con đang nhộn nhịp chuẩn bị cho những ngày lễ. Trong từng gia đình và các chùa đã được sửa sang, quét dọn, trang hoàng cờ hoa lộng lẫy... để bước vào những ngày lễ Sen Dolta đầy ý nghĩa.
NGHI LỄ SEN DOLTA
Lễ Sen Dolta được diễn ra trong 3 ngày theo một trình tự cụ thể. Vào ngày thứ nhất, nghi lễ được diễn ra tại nhà, dưới sự chứng kiến của già làng, thân tộc. Sáng sớm, các gia đình dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ Phật, chuẩn bị chăn, màn, chiếu, gối và bộ quần áo mới để rước ông bà về dự. Một mâm cơm được bày lên, gồm thức ăn với chén, đũa, rượu, trà, bánh... để nơi ban thờ. Tất cả anh em họ hàng phải tập trung ngồi quanh mâm cúng theo thứ bậc, chắp tay lạy những người thân đã quá cố. Sau 3 lần rót rượu và trà khấn vái, gia chủ gắp thức ăn mỗi món một ít, rót một chút rượu, trà và 4 chén cơm để cúng, sau đó đem đi đổ tại bốn góc rào xung quanh nhà, mỗi nơi cắm một nén nhang mời ông bà về dự cùng con cháu.
Ngày thứ hai được tổ chức tại chùa vì họ quan niệm linh hồn ông bà, cha mẹ đã ở chùa từ tối hôm qua. Các gia đình chuẩn bị lễ vật như: Mía, bánh tét, khoai mì, khoai từ (còn sống)... mang lên chùa để cúng Mọi người mời vị sư cả tụng kinh, cầu siêu cho linh hồn tất cả mọi nhà trong phum sóc. Buổi chiều, họ rước linh hồn ông bà về nhà, làm mâm cơm cúng và mời ông bà ở lại chứng kiến cuộc sống sung túc của con cháu.
Ngày cuối cùng là ngày cúng tiễn. Gia đình làm một mâm cơm, đặt 4 chén cơm và 4 đôi đũa ở bốn góc ban thờ cúng tiễn đưa vong linh ông bà. Gia chủ sẽ gắp thức ăn mỗi thứ một ít cùng khoai mì, khoai từ, bánh tét... đặt vào thúng để gửi ông bà mang về thế giới bên kia. Sau 3 ngày ông bà, tổ tiên được chứng kiến sự thành kính và cuộc sống ấm no của người thân, con cháu, bây giờ các linh hồn này lại phải trở lại cõi vĩnh hằng.
NÉT ĐẸP VĂN HÓA
Không tưng bừng, náo nức như tết mừng năm mới Chôl Chnăm Thmây, cũng không nhộn nhịp như ngày hội Oóc Om Bóc, lễ Sen Dolta thâm trầm, mang đậm những sắc thái tín ngưỡng đặc trưng văn hóa của người Khơme Nam bộ. Trong những ngày diễn ra lễ Sen Dolta, tại các chùa còn có nhiều lễ hội, biểu diễn nghệ thuật với các loại hình đặc sắc, cùng các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo khác. Chùa là nơi sinh hoạt văn hóa dành cho cả cộng đồng nên bất kỳ cuộc lễ nào cũng đều được tổ chức ở đó. Vào những ngày lễ Sen Dolta, hầu như bà con thức suốt đêm để vui chơi. Đêm đến, các đôi trai gái sánh vai nhịp nhàng điệu múa trong tiếng nhạc trầm bổng. Đáng chú ý là trong lễ Sen Dolta đông đảo người dân tập trung về một chùa để tổ chức đua bò kéo bừa truyền thống. Nổi bật nhất là hội đua bò Bảy Núi của đồng bào Khơme tỉnh An Giang. Từ năm 2003, lễ hội đặc sắc này đã được Tổng cục Du lịch công nhận là “Sản phẩm du lịch”. Những năm qua, lễ hội đua bò Bảy Núi đã lôi cuốn nhiều đội đua bò trong tỉnh An Giang và các địa phương của nước bạn Campuchia tham dự. (*)
Sen Dolta là lễ hội lớn trong năm của đồng bào Khơme Nam bộ, mang màu sắc tín ngưỡng dân gian xen lẫn tôn giáo, chứa đựng nhiều yếu tố tích cực. Lễ hội thể hiện truyền thống đạo lý “cây có cội, nước có nguồn” của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mang tính nhân văn và giáo dục đạo đức sâu sắc. Bên cạnh đó, qua nội dung của lễ hội làm cho gia đình sum họp, đầm ấm; thắt chặt tình đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau trong phum sóc. Lễ Sen Dolta là dịp để mọi người gặp gỡ, thăm hỏi, bàn bạc, trao đổi chuyện tương lai. Qua đó làm cho tình thân tộc, nghĩa gia đình đầm ấm, thắt chặt tình đoàn kết trong phum sóc. Đồng thời, nó còn mang một ý nghĩa sâu sắc là sự gắn kết tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết giữa đồng bào Khơme với các dân tộc khác trên vùng quê Nam bộ của Việt Nam.
Thế Nhàn
(*) Bài viết tham khảo các tài liệu và cinet.gov.
(1) Chùa Sóc Lớn (Retchamaha Chettava NaRam) được xây dựng vào năm 1931, tại ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh. Chùa là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng người Khơme, là “bảo tàng sống” giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện về phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng và bề dày lịch sử văn hóa của người Khơme Bình Phước. Ngôi chùa còn có chức năng là một ngôi trường dạy chữ, dạy đạo lý. Hàng năm, chùa thường tổ chức các ngày lễ của người Khơme như lễ Phật Đản, lễ Sen Dolta, lễ Dâng Y Kathina, tết Chôl Chnăm Thmây...
(Nguồn: Sở VH-TT&DL)
|
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065