Chùa Dơi tọa lạc trên diện tích khoảng 4 ha, số 73B, đường Lê Hồng Phong, phường 3, TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Thượng tọa Lâm Tú Linh, Phó trụ trì - người gắn bó với ngôi chùa từ năm 1987 đến nay, cho biết: Chùa được xây dựng năm 1569 có tên Mahatup, tên tiếng Việt là chùa Mã Tộc. Tuy nhiên, sau này đàn dơi với hàng trăm ngàn con không biết từ đâu bay đến tá túc nên mọi người quen gọi là chùa Dơi. Qua nhiều lần trùng tu, đến năm 1999 chùa được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Cổng vào chùa Dơi
Dẫn chúng tôi tham quan chùa Dơi, anh Tô Minh Châu - đồng nghiệp ở Báo Sóc Trăng cho biết: Sóc Trăng có hàng trăm ngôi chùa lớn nhỏ, trong đó chùa Dơi là ngôi chùa độc đáo, điểm du lịch thu hút đông khách thập phương đến tham quan nhất. Chùa được xem như bảo tàng hoàn hảo về giá trị văn hóa nghệ thuật lẫn kiến trúc từ những chi tiết nhỏ đến tổng thể các hạng mục, gồm: Ngôi chánh điện, Sala, miếu Bà Đen, nhà hội của các sư sãi và tín đồ, phòng ở của các sư sãi và trụ trì, xung quanh các tháp cất tro cốt người chết...
Những con dơi ở chùa gắn với nhiều câu chuyện lạ mà đến nay chưa ai lý giải được. Mặc dù Sóc Trăng có hàng trăm ngôi chùa nhưng đàn dơi chỉ chọn nơi đây làm điểm di trú. Điều lạ hơn là đàn dơi chỉ đậu trên những cây mọc trong chùa, còn cây của nhà người dân sát vách dù có ngả sang dơi cũng không đậu lên. Một điều thú vị nữa là dù trong chùa có rất nhiều loại cây ăn trái nhưng đàn dơi tuyệt nhiên không ăn mà chỉ kiếm thức ăn ở bên ngoài. Khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc đàn dơi ríu rít gọi nhau, bay lượn qua lại mấy vòng rồi đi kiếm ăn. Chúng tung cánh bay đi xa, kiếm ăn khắp nơi, đến sáng sớm hôm sau mới trở về nghỉ ngơi trong sự yên tịnh của ngôi chùa cổ kính. |
Công trình tiêu biểu trong quần thể kiến trúc chùa Dơi là ngôi chính điện. Ban đầu ngôi chính điện được làm bằng gỗ, lợp lá dừa nước nhưng sau này thay bằng gạch, đá, xi măng và lợp ngói. Phần mái chính điện có kết cấu đặc biệt, gồm 4 hệ thống mái chồng lên nhau, mỗi mái đều được trang trí tượng hình rồng ở các góc, đầu có sừng uốn lượn, mang đặc trưng của kiến trúc Khơme Nam bộ. Bên trong chính điện là vô số pho tượng lớn nhỏ, lớn nhất là tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đá nguyên khối cao 1,5m, được sơn son thếp vàng đặt trang trọng trên một tòa sen cao 2m. Đối diện là nhà Sala, nơi sinh hoạt cộng đồng, hội họp, làm lễ cúng cơm, tiếp khách và cũng là nơi nghỉ ngơi của các sư sãi, du khách. Bên cạnh là miếu Bà Đen - nơi được người dân ở đây xem là rất linh thiêng vì những điều cầu khấn thường hay ứng nghiệm. Du khách đến chùa Dơi, ngoài vãn cảnh còn được dâng hương ở miếu Bà Đen. Vì vậy dịp lễ, tết, mồng một, ngày rằm nhà chùa luôn tấp nập khách thập phương tới vãn cảnh, cầu nguyện. Ngoài dâng hương miếu Bà Đen, du khách còn được thưởng thức những giai điệu ngũ âm truyền thống của dân tộc Khơme. Khu vườn phía sau chùa thu hút rất đông khách thập phương. Khu vườn rộng với đủ loại cây xanh lâu năm cao chót vót, nhiều nhất vẫn là cây sao và dầu, là nơi trú ngụ tự nhiên của đàn dơi từ hàng trăm năm nay. Khi đến đây, ai nấy đều ngạc nhiên với những chú dơi to, đậu vắt vẻo trên cành cây. Anh Tô Minh Châu cho biết, đàn dơi trú ngụ ở chùa thuộc dòng quý hiếm có tên gọi dơi ngựa. Con mới đẻ sải cánh dài 0,5m, dơi trưởng thành sải cánh dài 1m, con đầu đàn sải cánh dài 1,5m và nặng gần 1kg.
Dơi thường đi kiếm ăn bên ngoài vào ban đêm nên nhiều con bị sập bẫy. Thượng tọa Lâm Tú Linh buồn rầu nói: Trước đây, đàn dơi phủ kín từ khu vực trước cổng đến tận sau vườn chùa nhưng đến nay số lượng còn lại rất ít và có nguy cơ tuyệt chủng. Nguyên nhân do người dân địa phương giăng lưới bắt bán cho các nhà hàng đặc sản, trong khi mỗi năm dơi chỉ đẻ 1 con/lứa. Chính quyền nơi đây cũng đã mạnh tay ngăn cấm và có hình thức phạt nặng đối với những trường hợp vi phạm nhưng rất khó khăn chấm dứt tình trạng này.
Với kiến trúc độc đáo, những câu chuyện lạ, huyền bí đầy màu sắc tâm linh, tín ngưỡng chùa Dơi đã trở thành điểm đến hấp dẫn và ấn tượng trong lòng du khách. Và để ngôi chùa giữ được những nét riêng vốn có của nó, nhà chùa, các phật tử, chính quyền địa phương và cả du khách mong muốn mọi người hãy chung tay bảo vệ đàn dơi.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065