KHĂN MATƠRA KÍN ĐÁO CỦA PHỤ NỮ CHĂM
Người Chăm rất coi trọng trang phục. Gắn liền với trang phục là những chiếc khăn, nón nhiều loại và đa dạng màu sắc. Trong đó, hình ảnh người phụ nữ trùm khăn matơra (loại khăn trùm để che kín cổ và tóc) đã trở nên quen thuộc.
Khi nhắc đến nét duyên dáng, dịu dàng của cô gái Chăm, người ta thường thấy hình ảnh các cô gái ngồi bên khung cửa sổ dệt vải, thêu thùa. Tuy nhiên, với cộng đồng người Chăm ở Bình Phước, do địa hình cư trú nên họ chỉ trùm khăn khi đi làm vườn, rẫy hoặc công việc khác, nhưng vẫn giữ được nét văn hóa của dân tộc mình. Trùm khăn matơra không chỉ phụ nữ có gia đình hay lớn tuổi mà nó hiện hữu với cả em nhỏ.
Từ nhỏ, bộ áo dài truyền thống và chiếc khăn matơra đã gắn liền với cuộc sống của các bé gái người Chăm ở xã Thuận Phú
Tuy tuổi còn nhỏ nhưng em RoPhiGian, sinh năm 2004 ở ấp Tân Phú, xã Thuận Phú (Đồng Phú) luôn ý thức được việc đội khăn để bảo tồn văn hóa của dân tộc mình. Hơn 11 giờ, mọi người đang quây quần bên bữa cơm trưa ngày cuối năm thì RoPhiGian đi học về. Sau khi thay đồng phục học sinh, em mặc bộ đồ hằng ngày và không quên trùm chiếc khăn matơra màu đen đội đầu và che kín cổ, chỉ để lại khuôn mặt bầu bĩnh. RoPhiGian cho biết: Từ lúc nhỏ, em đã được bà và mẹ bảo rằng, phụ nữ Chăm phải trùm khăn bất cứ hoàn cảnh nào. Đi học thì em mặc đồng phục như người Kinh, nhưng khi về nhà em phải trùm khăn để che mái tóc của mình. Ngày nào không học, em trùm khăn từ sáng sớm, chỉ khi đi tắm hay ngủ mới tháo ra.
Ông Chàm Sa, già làng cộng đồng người Chăm ở ấp Tân Phú, xã Thuận Phú cho biết: Với người Chăm theo đạo Hồi Islam, đội khăn là văn hóa từ xưa đến nay. Với trang phục khăn choàng càng kín đáo càng tốt. Nhưng xã hội ngày càng phát triển, người phụ nữ vừa chăm sóc gia đình vừa phải lo kinh tế nên cần sự gọn gàng trong di chuyển. Từ đó họ chỉ cần đội nón, choàng khăn... che đi mái tóc của mình, không nhất thiết phải phủ khăn che kín mặt.
Dưới ánh nắng của những ngày xuân, chiếc khăn matơra lấp lánh, nhiều màu sắc, không chỉ tô điểm cho nét đẹp phụ nữ Chăm mà còn thể hiện nét văn hóa dân tộc. Với phụ nữ Chăm theo đạo Hồi Islam, áo dài là trang phục thiêng liêng và quý giá nhất, họ thường mặc vào những lễ hội lớn hay lễ cưới, hỏi. Còn chiếc khăn giúp che trọn mái tóc dài đen óng lại là một điểm nhấn độc đáo, tạo nên vẻ đằm thắm, thùy mị của người phụ nữ. Theo kinh Koran, phụ nữ càng kín đáo thì càng được tôn trọng. Ngay cả phụ nữ đã có chồng vẫn phải đội nón che tóc, quàng khăn, vì nếu để người đàn ông khác nhìn thấy, coi như mang tội với chồng.
KHĂN KRAMA - BIỂU TƯỢNG CỦA VĂN HÓA KHƠME
Khăn krama hiện hữu trong cuộc sống của người Khơme bất cứ hoàn cảnh nào. Chúng ta dễ bắt gặp hình ảnh cụ già quấn khăn krama che đầu khi ra ngoài, phụ nữ quấn khăn krama để lau mồ hôi khi đi làm nương, rẫy. Thậm chí, đàn ông Khơme cũng quấn khăn krama quanh trán khi làm việc để cản mồ hôi rơi xuống mắt. Hiện nay, khăn krama (khi đọc sang tiếng Việt là khăn rằn) còn được cộng đồng người Kinh và các bạn trẻ đón nhận nồng nhiệt bởi vẻ đẹp giản dị và nhiều tác dụng của khăn.
Chị Nguyễn Thị Diên ở phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài cho biết: Là người hay di chuyển nhiều, tôi rất chuộng loại khăn rằn. Chất liệu mềm mỏng, thấm nước tốt, nhẹ là lựa chọn tốt cho những chuyến đi xa. Tôi có thể quấn thành khẩu trang che bụi và nắng hay quấn quanh đầu, ngang cổ để thấm mồ hôi... Rõ ràng, khăn là trang phục của người Khơme nhưng khi du nhập vào xã hội, khăn krama đã nhận được sự ưu ái của nhiều cộng đồng dân tộc khác nhau.
Khăn krama hiện hữu một cách bình dị trong cuộc sống của đồng bào Khơme
Với phụ nữ Khơme, vào dịp tết dân tộc, lễ hội hoặc khi đi chùa lễ phật, cùng với trang phục truyền thống, họ vắt qua vai chiếc khăn krama hoặc khăn trắng, hồng được xếp lại vừa mang tính thẩm mỹ, tín ngưỡng, tạo thành nét văn hóa độc đáo. Cũng giống như đồng bào Chăm, người Khơme ở Bình Phước không còn dệt khăn krama, nhưng điều đó không có nghĩa là họ quên vẻ đẹp cũng như nhiều tác dụng của chiếc khăn này. Khăn krama xưa thường có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng. Hai màu này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải khắp mặt khăn. Mỗi chiếc khăn dài khoảng 1,2m, rộng chừng 40-50cm, không cầu kỳ, sặc sỡ mà bình dị, giản đơn. Tuy nhiên, với sự đi lên của xã hội, chiếc khăn krama ngày nay được biến tấu với nhiều màu sắc, chất liệu hơn, nhưng những đường nét cơ bản vẫn được giữ nguyên.
Ông Lâm Bắc, già làng ấp Chà Đôn, xã Lộc Khánh (Lộc Ninh) nói: Khăn krama là biểu tượng cho rắn thần Raga, là vị thần che chở đồng bào Khơme. Chúng tôi luôn yêu quý và quấn trên đầu hoặc mang theo bên mình với ý nghĩa thần luôn bên cạnh bảo vệ, che chở, tránh được thú dữ xung quanh, đặc biệt trong những chuyến đi rừng, đi rẫy xa. Qua thời gian, khăn krama đã trở thành một vật dụng tiện lợi và thân thiết với mọi người. Khăn có thể che nắng, thấm dòng mồ hôi, chắn gió lốc, lau khô dòng nước mắt hay giấu đi một nụ cười.
Những chiếc khăn của các cộng đồng người ở dọc miền đất nước đều có giá trị văn hóa khác nhau. Kết hợp với trang phục, chiếc khăn còn góp phần tôn thêm vẻ đẹp truyền thống, tạo dấu ấn về nét văn hóa Á Đông của người phụ nữ Việt Nam duyên dáng, kín đáo, đằm thắm và kiên cường.
Thanh Nga
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065