Theo người dân địa phương thì trước đây, nơi này vốn là một làng chài có nhiều đàn cò trắng thường bay về tụ hội, sinh sống. Khi người Pháp đến đây đã đặt tên và ghi địa danh lên bản đồ là “LangCo” (Làng Cò không có dấu), lâu dần người ta đọc thành Lăng Cô. Năm 1916, trong một chuyến tuần du qua nơi này, vua Khải Định đã thốt lên: “Quả là chốn bồng lai tiên cảnh” và cho xây dựng hành cung làm nơi nghỉ dưỡng. Hiện nay, ở thôn An Cư Đông (thị trấn Lăng Cô) còn giữ một bia đá khắc bài văn của vua Khải Định ca ngợi vẻ đẹp Lăng Cô như sau: “Thôn yên đảo vắng, nơi đây mây biếc ráng hồng, bãi hạc hầm cò. Đất từ núi thẳm, đảo cát giăng ngang, sông tiếp đại dương, dòng chảy quanh quất. Trông về núi thì thấy mây lạ bay lên từ hang hốc, như những nàng tiên múa ở non bồng. Nhìn xuống dưới nước thì gió xô sóng biển như muôn ngựa về chầu. Đắm nhìn hồi lâu, bất giác cả người mát rượi, sự nóng nực tan biến, lòng thấy hớn hở ra”. Năm 2009, Lăng Cô được Câu lạc bộ các vịnh biển thế giới (Worldbays) công nhận là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới.
Bãi biển Lăng Cô từ lâu đã nổi tiếng có các điều kiện tự nhiên và phong cảnh vào loại đẹp nhất nước. Với bãi cát trắng dài tới hơn 10km, nước biển trong xanh, bên cạnh những cánh rừng nhiệt đới trên các dãy núi, cùng với đầm Lập An rộng lớn. Bãi tắm Lăng Cô dọc quốc lộ 1A, cạnh đèo Hải Vân và cách Vườn quốc gia Bạch Mã 24km. Bãi tắm có bờ biển thoải, cát trắng, sóng vừa, rất thích hợp cho loại hình du lịch tắm biển, nghỉ dưỡng, lặn biển và đã được tỉnh xác định là một khu nghỉ mát lý tưởng. Làng chài Lăng Cô là nơi cư ngụ của các gia đình ngư dân chất phác, cần cù, được bao quanh bởi cả dãy núi hùng vĩ và vùng biển rộng. Đến Lăng Cô, khung cảnh làng chài thanh bình sẽ hiện ra trước mắt với những chiếc ghe, thuyền neo đậu trên bến dưới bờ hoặc lững lờ trôi trên đầm Lập An để câu cá. Người dân làng chài quanh năm bám biển, phụ thuộc vào biển. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân làng chài vẫn lặng lẽ, cần cù làm công việc của mình. Biển Lăng Cô hiền hòa, trong xanh, ngay cả khi chịu sự cố môi trường, lượng tiêu thụ hải sản giảm đến 80%, nhưng dân làng chài vẫn kiên trì bám biển, gắn bó với làng. Hiện nay ở làng chài người kéo lưới, đóng đáy; người làm nghề lặn biển bắt cua, ghẹ, tôm hùm. Tới đây khi mà du lịch phát triển, đời sống của người dân làng chài nói riêng, cư dân Lăng Cô nói chung có cơ hội xóa hẳn cái nghèo. Tiềm năng du lịch ở Lăng Cô là rất lớn. Bởi đây là vịnh nổi tiếng thứ ba của Việt Nam, chỉ sau vịnh Hạ Long và Nha Trang, vì vậy sẽ có sức hấp dẫn du khách. Khu vực Lăng Cô, đầm Lập An, đầm Cầu Hai được đánh giá là một trong những nơi đẹp nhất của khu vực Đông Nam Á.
Dân cư vùng biển và đầm phá này có khoảng trên 11.000 người, sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá, nuôi trồng thủy hải sản, Những năm gần đây, người dân đã tham gia làm dịch vụ du lịch. Lăng Cô hội đủ điều kiện để trở thành khu du lịch cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng nhất tại Việt Nam. Với đặc thù đầm phá giữa nước lợ và nước mặn, các loài hải sản ở đây phong phú, có vị ngon mà không nơi nào có được sẽ là điểm đến lý tưởng ngày càng đông của du khách trong và ngoài nước. (*)
Đức Hồng
(*) Bài viết tham khảo tài liệu “Cẩm nang du lịch”
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065