Làm sạch bờ Khu bảo tồn biển Núi Chúa - Ảnh internet
Việc quản lý, bảo vệ và phát triển Vườn quốc gia Núi Chúa nói chung, khu bảo tồn biển nói riêng có ý nghĩa quan trọng, nhằm bảo tồn tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng, biển khu vực Nam Trung bộ. Tại đây có hệ sinh thái rừng khô tiêu biểu và độc đáo với các loài động - thực vật rừng, biển quý hiếm. Hệ sinh thái này có giá trị và chức năng bảo vệ môi trường, phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục và hợp tác quốc tế về bảo tồn, khai thác tiềm năng nhiên nhiên, phát triển du lịch sinh thái, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Khu bảo tồn biển của Vườn quốc gia Núi Chúa chia thành 5 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu bảo vệ rùa biển, phân khu bảo vệ cỏ biển, phân khu hỗ trợ bảo tồn tài nguyên sinh vật biển và phân khu du lịch sinh thái biển. Theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, hệ sinh thái biển Núi Chúa bao gồm rạn san hô gần bờ, bãi rùa đẻ, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và các bãi cát ven biển. Hệ sinh thái san hô gần bờ là nơi sinh sống và trú ngụ của nhiều loài sinh vật biển. Bên cạnh đó, hệ sinh thái cỏ biển thuộc vùng triều, tạo nên sự độc đáo cho khu bảo tồn biển nơi đây. Rạn san hô tại Núi Chúa được xem là phong phú, đa dạng nhất về hình thái và cấu trúc so với các vùng biển khác của tỉnh Ninh Thuận. Tổng diện tích ước tính các rạn san hô hiện khoảng 2.330 ha, được ghi nhận là nơi có rạn san hô lớn nhất Việt Nam. Với sự biến đổi khí hậu thất thường như hiện nay, rạn san hô có nguy cơ bị tàn phá. Tuy nhiên, khu vực này trong vùng biển có hiệu ứng nước trồi, nên có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Vì vậy, nơi đây có thể được coi là nơi lưu giữ các quần thể san hô khi có hiện tượng biến đổi khí hậu tác động vào các khu vực khác của Việt Nam. Kết quả khảo sát các rạn san hô vùng ven bờ Ninh Hải từ năm 2011 cho thấy, phần lớn các rạn san hô ở vùng biển này có mức độ che phủ khá cao, tuy nhiên nó không còn trong tình trạng tốt như trước đây. Sự suy giảm về chất lượng của các rạn san hô có liên quan tới nhiều nguyên nhân, trong đó khai thác quá mức, đánh bắt hủy diệt và sự bùng nổ của sao biển gai là những nguyên nhân chính.
Để quản lý bền vững nguồn tài nguyên và môi trường biển trong khu vực Khu bảo tồn biển Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận đã tăng cường năng lực quản lý của khu bảo tồn biển, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đồng thời huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Ngay từ năm 2002, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) đã có sự hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí cho Vườn quốc gia Núi Chúa để bảo tồn rùa biển. Tỉnh Ninh Thuận cũng đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền góp phần làm thay đổi nhận thức cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường; đồng thời xây dựng những đội tình nguyện viên từ cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ rùa biển. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đến nay đã chấm dứt hoàn toàn nạn đánh bắt rùa biển của người dân nơi đây. Hình tượng rùa biển tại khu bảo tồn biển Núi Chúa là niềm tự hào của người dân Ninh Thuận vì họ biết rằng tại Việt Nam chỉ duy nhất ở đây còn có rùa biển đẻ trứng.(*)
Đức Hồng
(Bài viết tham khảo tư liệu ninhthuan.gov.vn)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065