Một nghi thức trong lễ Ok Om Bok tại gia đình - Ảnh Internet
Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Khơme, thần mặt trăng là vị thần quan trọng nên được mỗi gia đình, phum sóc và cộng đồng suy tôn, thờ cúng. Từ xưa, hàng tháng cứ vào ngày trăng tròn, đồng bào Khơme đều tổ chức lễ cúng trăng tại nhà, cầu mong vị thần này bảo hộ mùa màng để lúa thóc đầy bồ. Trong lễ hội Ok Om Bok được tổ chức cúng tại nhà với các nghi thức trang trọng, thành kính. Buổi chiều, người dân chuẩn bị lễ vật, chủ yếu là nông sản mà họ sản xuất ra như: Cốm dẹp, chuối, dừa, khoai lang, khoai mì, trái cây... Đến tối, khi mặt trăng vừa nhô lên khỏi ngọn tre, người ta sắp xếp các vật cúng đã chuẩn bị sẵn lên một cái bàn có trải vải đặt trước sân. Kế đến, chủ gia đồng thời là chủ tế thắp nhang kính cẩn khấn vái tạ ơn thần mặt trăng năm qua đã phù hộ độ trì cho gia đình được bình yên, mạnh khỏe, mùa màng bội thu. Cầu mong thần tiếp nhận những lễ vật và chứng giám lòng thành mà tiếp tục phù hộ độ trì cho gia đình năm sau mọi sự như ý.
Nghi thức cúng trăng tại chùa được tổ chức quy mô hơn ở gia đình bởi nó mang tính cộng đồng của phum sóc. Để tổ chức lễ, ngay trong ngày rằm người ta tìm 3 cây tre thật thẳng đem về làm bàn lễ. Hai cây trồng đứng cách nhau khoảng 4-5m. Cây còn lại buộc vào 2 cây kia nằm ngang song song với mặt đất tạo thành chiếc cổng. Cổng được trang trí hoa lá, bên dưới đặt một cái bàn dùng để vật cúng. Đồng thời người ta còn đào những cây mía nguyên gốc đem về trồng phía trước hai bên bàn cúng. Chuẩn bị vào lễ, vật phẩm dâng cúng được mọi người bày lên bàn, gồm: cốm dẹp đã trộn, chuối, khoai, dừa, hoa, nhang đèn, nước thơm... Phía trước bàn dưới đất trải những chiếc chiếu để người dân ngồi làm lễ. Lễ vật bày xong là lúc mặt trăng nhô lên nhìn thấy rõ, mọi người tập trung lại ngồi trước bàn quay mặt về hướng mặt trăng chắp tay trước ngực làm lễ. Vị chủ tế cùng các bậc cao niên trong phum sóc kính cẩn thắp nhang tạ ơn thần mặt trăng đã phù hộ cho con người trong suốt thời gian qua.
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa công bố danh sách 19 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia mới được công nhận theo Quyết định số 2684/QĐ-BVHTTDL ngày 25-8-2014. 19 di sản được công nhận lần này thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Nghề thủ công truyền thống; Lễ hội truyền thống; Tri thức dân gian. Trong 19 di sản có Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khơme Trà Vinh. |
Lễ hội Ok Om Bok ở các địa phương thường được bắt đầu bằng cuộc đua ghe ngo (Um Tuk Ngua). Ghe ngo dài khoảng 24 m, ngang 1,2m, làm từ thân cây được khoét ruột, giống hình rắn thần Nagar (linh vật của người Khơme). Ghe chứa khoảng 40 tay chèo. Người Khơme coi ghe ngo là vật quý, linh thiêng và chỉ dùng tham dự các buổi lễ quan trọng như Ok Om Bok. Các nhà sư và người dân trong phum sóc phải lựa chọn thanh niên cường tráng làm quân dầm bơi (Ch’rò-wa), đồng thời cử một người có uy tín giữ vai trò chính là người cầm lái (Chih-khbal) cùng phụ lái (Yông-lith) cho ghe. Ngồi cặp kè hai hàng dọc dài theo bên trong thân ghe là những chàng trai, cô gái Khơme mặc đồng phục, nhịp nhàng bơi mái dầm theo tiếng còi hoặc tiếng cồng của người điều khiển. (*)
Đua ghe ngo ngày nay được xem như một ngày hội chung của các dân tộc sống trên địa bàn để mọi người vui chơi, thưởng thức tài nghệ điêu luyện của các tay bơi tranh tài trên sông, mang đậm tinh thần thể thao, đoàn kết, vui tươi. Ok Om Bok là lễ hội mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Khơme Nam bộ, thể hiện những khát vọng, tâm hồn và tình cảm của con người đối với các đấng bề trên. Việc tổ chức lễ hội Ok Om Bok hàng năm không chỉ là để bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, giàu tính nhân văn của đồng bào Khơme Nam bộ mà còn là một sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút du khách trong và ngoài nước.
Đức Hồng
(*) Bài viết tham khảo tài liệu “Lễ hội Việt Nam”
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065