... Tôi gặp Hạnh trong một lần đi thực tế tại trại “05” của Trung tâm chữa bệnh Phú Văn. Khi tôi đề nghị được phỏng vấn một nhân vật gai góc của trại “05”, mấy anh chị quản giáo liền giới thiệu Hạnh. Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp Hạnh là một cô gái có gương mặt đẹp với vẻ bất cần đời, chẳng phù hợp tý gì với cái tên của cô. Biết tôi là nhà báo, Hạnh chủ động “tấn công” trước: Em là kẻ “lấy lỗ làm lãi”, “lấy thằng miền xuôi nuôi thằng miền ngược”. Anh muốn hỏi gì nào? Sau vài phút lúng túng, tôi đã nói chuyện ân cần được với Hạnh. Thì ra, bên trong cái vẻ bất cần đời ấy là một tâm hồn dễ vỡ.
Quê Hạnh là cái xóm nghèo của một tỉnh miền Trung, quanh năm gồng mình chống bão lũ. Năm đôi ba lần, bão lũ ghé thăm, cây cối vừa mới lớn, nhà cửa vừa được sửa sang nằm chưa kịp ấm thì lũ lại về cuốn trôi tất cả. 17 tuổi, không còn đi học, ở quê chẳng biết làm gì, Hạnh theo đám thanh niên trong xóm lên tàu vào Sài Gòn kiếm việc làm. Nhưng ngay trong đêm đầu tiên đặt chân lên đất Sài Gòn, Hạnh đã mất cái quý giá nhất của đời người con gái bởi một đám ma cô ở bến tàu. Rồi mặc cho số phận đẩy đưa, quăng quật, Hạnh sống lăn lóc như một quả bóng. Cô làm đủ thứ nghề, từ rửa bát thuê, làm ôsin, bán bia ôm đến móc túi, lừa đảo và cuối cùng là làm cái nghề mạt hạng: gái bán dâm.
Thời hoàng kim trong chuỗi ngày buôn hương bán phấn của Hạnh chẳng được bao lâu. Khi nhan sắc tàn phai, không còn cạnh tranh được với đám gái trẻ mới vào nghề, chỉ việc ngồi chờ khách tại các quán bar, vũ trường, Hạnh dạt ra ga tàu, bến xe hoặc theo chân cánh lái xe tải đường dài, được họ bao ăn và cho ít tiền tiêu vặt. Cho đến khi công an thành phố mở chiến dịch lớn làm trong sạch địa bàn, Hạnh bị cưỡng chế đi chữa bệnh và cải tạo lao động bắt buộc tại trại Phú Văn.
Hạnh đứng dậy mang bao cỏ vừa băm cho bò ăn rồi buồn bã kể: Sau lần gặp anh năm ấy không bao lâu thì em được ra trại. Nhưng em chẳng dám về quê. Dù có chút kiến thức về may vá học được trong trại, nhưng không có vốn mở cửa hàng. Em xin làm công ở mấy tiệm may, nhưng áo quần may mặc sẵn vừa rẻ, vừa sẵn nên các tiệm may làm ăn cũng khó, chẳng ai thuê mướn gì. Cùng đường, em đành quay lại con đường cũ. Địa bàn của em là những vùng nông thôn. Đối tượng em nhắm tới là đám lao động xa nhà làm công trong các trang trại. Thậm chí có lần “mua bán” xong, người ta trả cho em bằng mấy ký hạt điều hoặc cà phê trộm được của chủ trang trại. Họ cũng khốn cùng như em. Và trong những tháng ngày lê la nhơ nhớp đó, em gặp được chồng em bây giờ. Anh ấy người cùng tỉnh, vợ phụ bạc nên chán chường tha hương để tìm quên. Giờ anh ấy làm quản lý cho một trang trại ở xã Đức Hạnh. Chúng em đã có một bé trai. Ảnh bảo em ở nhà nuôi con và nội trợ. Em thấy buồn nên tham gia sinh hoạt hội phụ nữ. Cuối năm ngoái em được dự án Ngân hàng bò đầu tư cho một con bò giống. Thật may là khi nhận về con bò đã có chửa. Giờ em đã có một bê con. Đợi bê con cứng cáp em sẽ trả lại con bò để hội luân chuyển cho chị khác nuôi. Vợ chồng em dự định tết này sẽ đưa con về ra mắt nội ngoại anh ạ.
Tôi nhìn ánh mắt long lanh của Hạnh rồi nhìn gương mặt thiên thần của đứa trẻ đang ngủ, thấy mừng vui vì Hạnh đã có một nẻo về tươi sáng.
L.T
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065