|
Theo đại biểu (ĐB) Trần Xuân Vinh (Quảng Nam), nên hạn chế tỷ lệ ĐB hoạt động trong nhánh hành pháp hiện tham gia hoạt động lập pháp. Việc hạn chế, theo ĐB Vinh để nhằm bảo đảm tính dân chủ, độc lập, khách quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội (QH).
Để lập pháp, hành pháp không xung đột
ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng mô hình cơ cấu ĐB kiêm nhiệm thành viên Chính phủ hoặc người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp đã tạo nên những bất cập, thậm chí là xung đột trong thực tiễn. Cử tri không biết khi nào các vị ĐB làm nhiệm vụ của ĐBQH, khi nào làm nhiệm vụ đại diện của cơ quan hành pháp. Khi quyết định các vấn đề còn ý kiến khác nhau trong QH với đề xuất của Chính phủ thì ĐBQH là thành viên của Chính phủ sẽ quyết định ra sao?
Khi thực hiện quyền giám sát, liệu ĐBQH là bộ trưởng, thành viên Chính phủ có thể chất vấn Thủ tướng Chính phủ các bộ trưởng khác hay không? Một vị lãnh đạo ngành ở địa phương là ĐBQH sẽ giám sát hoạt động của lãnh đạo chính bộ, ngành mình như thế nào? |
||
ĐB Nguyễn Tiến Sinh |
||
“Khi thực hiện quyền giám sát liệu ĐBQH là bộ trưởng, thành viên Chính phủ có thể chất vấn Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng khác hay không? Một vị lãnh đạo ngành ở địa phương là ĐBQH sẽ giám sát hoạt động của lãnh đạo chính bộ, ngành mình như thế nào? Đây là vấn đề lớn song không thể không đề cập trong dự thảo luật”, ĐB Sinh nói.
Về vấn đề này, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng cần quy định cụ thể tỷ lệ ĐB chuyên trách không phải cán bộ, công chức, viên chức để “tăng cường bản lĩnh của các ĐBQH”.
Không lựa chọn người có chức vụ làm ĐB chuyên trách là quan điểm của ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp. Theo ông Đương, ĐB chuyên trách là chuyên nghiệp, do vậy đòi hỏi phẩm chất phải khác với ĐBQH nói chung. Các tiêu chuẩn này theo ông Đương là ngoài các yếu tố về học vấn, trình độ thì phải từng trải qua thực tiễn, tinh thông nghiệp vụ trong lĩnh vực mà ĐB dự kiến tham gia. “Ví dụ trong lĩnh vực tư pháp, ĐB đọc hồ sơ phải biết oan sai, đọc báo cáo biết chỗ nào ngụy biện chỗ nào thực chất. Nếu không thì chất lượng thẩm tra, giám sát sẽ rất hạn chế”, ĐB Đương nói. Theo ông, không nên đưa những người có chức vụ về làm ĐB chuyên trách mà cần chọn các chuyên viên cao cấp, có ít nhất 15 năm làm thực tiễn, có khả năng đề xuất chính sách pháp luật, có kỹ năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, có kỹ năng phản biện.
Quốc hội phải thực sự nắm ngân sách
ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng QH chưa phát huy được vai trò cơ quan đại diện của nhân dân trong việc quyết định và phân bổ ngân sách. Theo ĐB Nghĩa, dự thảo luật Tổ chức Quốc hội lần này sửa đổi theo hướng tăng cường vai trò của QH về ngân sách nhà nước nhưng chưa thực sự căn bản. Ông đề nghị cần đổi mới về thẩm quyền quyết định ngân sách nhà nước của QH để cơ quan đại diện người dân thật sự là chủ nhân phân bổ đồng tiền do người dân đóng thuế. “Muốn vậy việc trình dự toán phân bổ ngân sách hằng năm ra QH phải kèm theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, phản ánh những ưu tiên của quốc gia”, ĐB Nghĩa nêu ý kiến.
Cũng theo ông, việc thảo luận về ngân sách phải gắn với thảo luận về kinh tế - xã hội để việc sử dụng ngân sách còn eo hẹp của quốc gia thực sự có hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí. Ông Nghĩa nhận xét: “Báo cáo thẩm tra của các ủy ban của QH phải mang tính định hướng, chỉ ra rõ những khoản nào cần phải chi, khoản nào chưa nên chi, và khoản nào không nên chi chứ không nên chung chung như hiện nay”.
Chủ tịch nước, Chính phủ có quyền đề nghị trưng cầu ý dân Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình trước QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý khẳng định quyết định về trưng cầu ý dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của QH đã được Hiến pháp ghi nhận. Do đó vấn đề này cần được quy định trong dự luật Tổ chức Quốc hội. Ông Lý cho biết Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH cho cụ thể hóa một bước các trường hợp QH xem xét trưng cầu ý dân, các chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân là Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc 1/3 tổng số ĐBQH; đồng thời khẳng định kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân. Còn cách thức, trình tự thủ tục trưng cầu ý dân sẽ do luật Trưng cầu ý dân quyết định. |
Nguồn TNO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065