BP - Hãng nghiên cứu thị trường Decision Lab vừa công bố báo cáo xu hướng chi tiêu của nhóm đối tượng sinh năm 1995 trở về sau (còn gọi là thế hệ Z). Ước tính Việt Nam có hơn 14,4 triệu người đang trong độ tuổi này và trên 56% trong số đó không có thu nhập hoặc thu nhập dưới 3 triệu đồng mỗi tháng. Dù thu nhập khiêm tốn và phụ thuộc nhiều vào gia đình nhưng mức chi tiêu cho ăn uống bên ngoài của thế hệ Z lên đến 892.400 đồng/người/tháng. Tính bình quân mỗi tháng, số tiền nhóm đối tượng này dành cho ăn uống gần 13.000 tỷ đồng.
Nhiều bậc cha mẹ không khỏi giật mình vì đây là số tiền chi tiêu “đáng kể” cho con cái. Đặc biệt, nó đã “đánh bại” sự trăn trở của nhiều bậc phụ huynh luôn đắn đo về câu hỏi “Có nên cho trẻ tiêu tiền?”. Thực tế cho thấy, trẻ chi tiêu cho sinh hoạt cá nhân và ăn vặt là một nhu cầu có thật và rất thực tế. Vậy vấn đề băn khoăn là cho trẻ sử dụng tiền như thế nào là vừa, là đúng thì lại không hề đơn giản.
Quan điểm không nên cho trẻ tiếp xúc sớm với tiền đã và đang tồn tại ở nhiều gia đình, nhưng điều này sớm muộn cũng phải thay đổi vì đứa trẻ sẽ lớn và đến một thời điểm phải có những thứ chi tiêu riêng. Cha mẹ không thể mãi áp đặt cái gì cũng mua sắm giúp con. Việc làm này vừa hạn chế quyền tự do vừa tạo ra thói quen thụ động cho trẻ. Dạy trẻ nhận biết về các mệnh giá, giá trị của đồng tiền đúng cách: tiền mua được đồ chơi, sữa, quần áo... chẳng những giúp trẻ biết chi tiêu đúng cách mà còn giúp các em biết trân trọng công sức của người làm ra đồng tiền ấy. Người Nhật Bản, Israel luôn dạy trẻ như vậy: 4 tuổi dạy trẻ biết phân biệt tiền xu, tiền giấy; trẻ 5-6 tuổi biết phân biệt mệnh giá tiền; 7-9 tuổi biết dùng tiền mua những mặt hàng đơn giản. 10 tuổi cha mẹ đã lập một tài khoản riêng cho con ở ngân hàng, cho trẻ tiền chi tiêu đều đặn hằng tháng.
Tác giả người Do Thái Sara Imas trong cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” đã chỉ ra rằng, bà luôn khuyến khích các con tự giác làm việc theo nguyên tắc “có làm có hưởng”, trả tiền công để trẻ làm thêm việc nhà (thay vì cho con tiền tiêu vặt), lập một sổ và yêu cầu trẻ lên kế hoạch chi tiêu, ghi chép lại những gì mình mua sắm trong tháng. Nếu muốn mua hàng với số tiền lớn, phải được sự đồng ý của cha mẹ. Cách làm đơn giản này khiến trẻ em thấy công bằng và luôn phấn đấu để sáng tạo trong lao động. Mặt khác, nó hình thành tư duy cho trẻ về những kỹ năng trong quản lý chi tiêu làm sao cho phù hợp, tránh phung phí. Nói cách khác, khi trẻ biết chi tiêu có kế hoạch sẽ hình thành kỹ năng quản lý tài sản từ nhỏ. Việc này sẽ giúp ích rất nhiều cho thành công trong tương lai của trẻ. So với những đứa trẻ chỉ tìm cách xin tiền từ cha mẹ, những trẻ biết phụ giúp gia đình để có khoản chi tiêu riêng sẽ năng động và sáng tạo hơn, biết quý trọng thời gian hơn.
Khi đời sống kinh tế của các gia đình ngày càng khá giả, trẻ em cũng được chi tiêu nhiều hơn. Vậy nên, thay vì phải để trẻ xin tiền, cha mẹ hãy tạo cơ hội cho con kiếm tiền một cách chính đáng. Từ những lao động nhỏ sẽ hình thành những ước mơ về công việc, những tìm tòi để có thể tự lập sớm và kiếm sống trong tương lai.
Vũ Văn Tuấn
Giáo viên Trường THPT Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065