Tại Điều 8 Luật Báo chí hiện hành có quy định cụ thể như sau: Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu các tổ chức, người có chức vụ trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí; các tổ chức, người có chức vụ có trách nhiệm trả lời trên báo chí. Tổ chức, công dân có quyền yêu cầu cơ quan báo chí trả lời về vấn đề mà báo chí đã thông tin; cơ quan báo chí có trách nhiệm trả lời. Cơ quan báo chí phát hiện hoặc nhận được khiếu nại, tố cáo của công dân về những việc có dấu hiệu phạm tội thì phải báo ngay cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát bằng văn bản; cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có trách nhiệm thụ lý và trả lời cho báo chí cách giải quyết.
Ngày 26-4-2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 51/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí. Tại Điều 3 của nghị định này có quy định cụ thể như sau: Khi cơ quan nhà nước, tổ chức Đảng, tổ chức xã hội (gọi chung là tổ chức) và người có chức vụ nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân, tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát trên báo chí, trong thời hạn ba mươi (30) ngày, kể từ ngày nhận được hoặc từ ngày báo chí đăng, phát thì người đứng đầu tổ chức, người có chức vụ phải thông báo cho cơ quan báo chí kết quả hoặc biện pháp giải quyết. Nếu quá thời hạn nêu trên mà không nhận được thông báo của người đứng đầu tổ chức, người có chức vụ thì cơ quan báo chí có quyền chuyển ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân đến cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền giải quyết hoặc đưa vấn đề đó lên báo chí.
Mặc dù pháp luật quy định là vậy, nhưng thời gian qua, các kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân được cơ quan nhà nước phản hồi đúng thời hạn luật định (30 ngày) khá thấp, chỉ đạt hơn 20%. Kết quả khảo sát tại các cơ quan báo chí ở trung ương và các địa phương cho biết chỉ khoảng 30% đơn thư của công dân do các cơ quan báo chí chuyển đến được các cơ quan chức năng phản hồi. Nguyên nhân của tình trạng trên là do hệ thống pháp luật thiếu chế tài xử lý việc cơ quan quản lý nhà nước chậm hoặc không trả lời.
Trong khi đó, tại Nghị định số 02/2011/NĐ-CP có quy định rất cụ thể về chế tài với các hành vi của cơ quan báo chí khi “không thực hiện báo cáo, giải trình” hoặc “báo cáo, giải trình không đúng nội dung, thời hạn và yêu cầu”... Tuy nhiên, trong nghị định này không quy định chế tài nào đối với hành vi không tuân thủ quy định cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan nhà nước theo Điều 8 Luật Báo chí và Điều 3 Nghị định 51/2002/NĐ-CP. Chính vì vậy nên hiện tượng “lờn” luật; phớt lờ kiến nghị của báo chí... cứ kéo dài.
Để các quy định của pháp luật thực sự đi vào cuộc sống một cách công bằng, công khai và minh bạch, đã đến lúc Bộ Thông tin - Truyền thông cần sớm kiến nghị Chính phủ quy định những chế tài cụ thể đối với các cơ quan, đơn vị cố tình hoặc né tránh trả lời báo chí về những kiến nghị, bức xúc của công dân.
V.M
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065