Lễ hội chùa Hương là một lễ hội dài ngày nhất ở miền Bắc nước ta. Ngày mồng Sáu, tháng Giêng khai hội và kéo dài đến cuối tháng Ba âm lịch. Đỉnh cao của lễ hội là từ Rằm tháng Giêng đến 18 tháng Hai âm lịch. Hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nghe và yêu thích những câu thơ dung dị, ngây thơ, trong sáng của một nàng “gái quê” trong lễ hội chùa Hương của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. Bài thơ đã được Trung Đức phổ thành ca khúc “Em đi chùa Hương”: “Hôm nay đi chùa Hương/ Hoa cỏ mờ hơi sương/ Cùng thầy me em vấn đầu soi gương...”. Dù trong quá khứ hay hiện tại, lễ hội chùa Hương vẫn là một nét đẹp không thể thiếu trong phong tục tập quán của người Việt, bởi đây là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.
Khai hội chùa hương năm 2014 (ảnh internet)
VÀI NÉT VỀ CHÙA HƯƠNG
Chùa Hương nằm trên địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), là một khu danh thắng nổi tiếng, không chỉ về phong cảnh mà còn có một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng của người dân Việt Nam. Không giống bất kỳ nơi nào, chùa Hương là nơi tập hợp nhiều đền chùa, hang động gắn liền với núi rừng và là một quần thể thắng cảnh rộng lớn, với một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo. Dãy núi Hương Sơn tuy không cao nhưng đẹp về chiều dài, chiều rộng, với thế quần tụ, bố cục nhịp nhàng giữa núi với núi, giữa sơn với thủy. Trên đường vào chùa Hương thú vị nhất là đi đò suối Yến. Đò suối Yến đỗ bến Thiên Trù, khách lên thăm cảnh chùa Thiên Trù (chùa Trò) nghỉ ngơi rồi lên đường núi qua thăm chùa Thiên Sơn, Giải Oan, am Phật tích, động Tuyết Quỳnh... và cuối cùng là vào động Hương Tích.
Năm 1770, khi chúa Trịnh Sâm tuần thú Hương Sơn có đề khắc 5 chữ lên cửa động Hương Tích: “Nam thiên Đệ nhất động” (động đẹp nhất trời Nam). Và còn rất nhiều những thi nhân tới đây đã đề bút như: Chu Mạnh Trinh, Cao Bá Quát, Hồ Xuân Hương, Xuân Diệu, Chế Lan Viên... Ngày nay, chùa Hương không chỉ là giá trị của riêng một vùng miền, mà đã trở thành di tích của quốc gia cũng là nơi chứa đựng những giá trị văn hóa tâm linh của dân tộc. Theo truyền thuyết, ở vùng “linh sơn phúc địa này” công chúa Diệu Thiện (tục gọi là chúa Ba) ứng thân của Bồ Tát Quan Thế Âm đã vào tu hành 9 năm, đắc đạo thành Phật đi cứu độ chúng sinh. Bởi vậy mà hàng năm, mỗi độ xuân về hoa mơ nở trắng núi rừng Hương Sơn, hàng triệu phật tử khắp nơi trong nước lại nô nức tới đây.
Ngày 5-2-2014 (tức mồng 6 tết), lễ hội chùa Hương 2014 chính thức khai mạc. Trên 5.000 chiếc đò đủ kích cỡ đã phục vụ khách hành hương. Đường điện chiếu sáng đã được lắp đặt mới từ chùa Thiên Trù lên tới động Hương Tích. Mức phí thắng cảnh 50 ngàn đồng/người và vé đò 35 ngàn đồng/người/khứ hồi vẫn giữ nguyên, trong khi giá cáp treo tăng lên mức 140 ngàn đồng/vé. Lễ hội du lịch chùa Hương 2014 đặt mục tiêu đón trên 1,5 triệu lượt khách.
|
TRẨY HỘI CHÙA HƯƠNG
Vào những ngày đầu năm, khi mà hơi ấm của tết cổ truyền còn lan tỏa trên khắp mọi miền đất nước, việc hành hương đến chùa Hương dường như là điều mà nhiều người đều muốn, với hy vọng cầu trời phật ban cho may mắn trong năm. Cũng như những lễ hội khác, lễ hội chùa Hương chia thành 2 phần riêng biệt: Lễ và Hội. Lễ thực hiện rất đơn giản, có nghiêng về “thiền”. Nhưng ở chùa Ngoài lại thờ các vị sơn thần thượng đẳng với đủ màu sắc của đạo giáo. Đền Cửa Vòng là “chân long linh từ” thờ bà chúa Thượng Ngàn, là người cai quản cả vùng rừng núi xung quanh với cái tên “tỳ nữ túy Hồng” của sơn thần tối cao. Chùa Bắc Đài, chùa Tuyết Sơn, chùa Cả và đình Quân thờ ngũ hổ và tín ngưỡng cá thần. Chùa Trong có lễ dâng hương, gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả và thức ăn chay. Lúc cúng có hai tăng ni mặc áo cà sa mang đồ lễ chay đàn rồi mới tiến dâng đồ lễ lên bàn thờ. Từ ngày mở hội cho đến khi hết hội, thỉnh thoảng mới có vài nhà sư đến gõ mõ tụng kinh chừng nửa giờ tại các chùa, miếu, đền, còn hương khói thì không bao giờ dứt. Như vậy, phần lễ là toàn thể hệ thống tín ngưỡng gần như là cả một tổng thể tôn giáo ở Việt Nam: Có sự sùng bái tự nhiên, có Đạo, có Phật và có cả Nho giáo.
Từ năm 2001, quần thể thắng cảnh Hương Sơn được Nhà nước lập hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Và nơi đây còn được coi là một trong 4 trung tâm Phật giáo lớn nhất nước ta, hiện đã có 22 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Những năm qua, Hương Sơn đã được đầu tư nhiều vào việc xây dựng đường sá, nạo vét mở rộng suối Yến, suối Tuyết và các tuyến đường bộ đi tới các chùa. Hệ thống đường cáp treo từ Thiên Trù lên Hương Tích đã được xây dựng và hoạt động hiệu quả. Ủy ban nhân dân huyện Mỹ Đức và Công an thành phố Hà Nội đã tổ chức điều hành công tác giữ gìn an toàn trật tự nên đã hạn chế được tình trạng gây rối, trốn lậu vé và các tệ nạn xã hội khác... Năm 2013, số lượt người đến với lễ hội chùa Hương đã gần 3 triệu. Mùa xuân Giáp Ngọ 2014, trong những ngày đầu xuân, lễ hội chùa Hương đã có hàng vạn du khách về tham quan dự lễ. Non nước Hương Sơn đẹp đến mê say lòng người, luôn có một sức hút kỳ lạ. Ngày xuân trẩy hội chùa Hương trở thành thông lệ của bao người Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Đức Hồng
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065