Một lòng, một dạ giữ nghề
Về ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi hỏi nhà ông Điểu Sết hầu như ai cũng biết. Mọi người biết vì ông là Chủ tịch Hội đồng già làng xã và là người duy nhất trong ấp biết đan gùi. Chúng tôi đến thăm nhà khi già làng Điểu Sết đang đan dở chiếc gùi cho khách. Thấy có khách lạ, ông dừng tay mời chúng tôi vào nhà uống nước. Căn nhà nhỏ tuy đơn sơ nhưng bên trong có vô số những chiếc gùi đủ kích cỡ và nhiều tấm thổ cẩm đang dệt dở. Già Sết cho hay: “Người S’tiêng trước đây đàn ông là phải biết đan lát, đàn bà phải biết dệt thổ cẩm. 15 tuổi tôi đã biết đan các vật dụng sinh hoạt trong gia đình, trong đó có chiếc gùi đi rẫy”.
Già làng Điểu Sết tỉ mỉ đan gùi
Chiếc gùi của người S’tiêng thường được làm từ lồ ô và mây. Để tạo ra những chiếc gùi đòi hỏi sự khéo léo, chịu khó của người làm ra nó. Người học nghề phải mất nhiều thời gian mới đan thành thục và có được những sản phẩm đẹp, chắc, mịn. Một người lành nghề mỗi tháng cũng chỉ đan được tối đa 2 chiếc gùi, chưa kể thời gian tìm kiếm vật liệu. Già Sết cho biết, ngày nay để làm ra một chiếc gùi, khó khăn nhất vẫn là tìm kiếm vật liệu. “Nhiều khi tôi phải đi xa 30km để kiếm lồ ô, mây. Để có một chiếc gùi tốt phải chọn những cây lồ ô không quá non, cũng không quá già, phải có độ dẻo và chịu lực tốt. Chiếc gùi đẹp phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có kỹ năng vót thanh lồ ô sao cho vừa nhỏ, đều, mịn và bền” - già Sết nói.
Gần 60 năm gắn bó với nghề đan gùi, già làng Điểu Sết luôn tự hào về bản thân khi tạo ra được những chiếc gùi đẹp, chất lượng. “Năm nào tôi cũng đan gùi tặng các con để chúng hiểu được giá trị, ý nghĩa của chiếc gùi trong đời sống. Thi thoảng còn bán cho những khách hàng có nhu cầu. Với tôi, nghề đan gùi đã ăn sâu vào máu, nhiều hôm khó ngủ thì mang gùi ra đan. Tôi sẽ đan đến khi nào không còn sức” - già làng Điểu Sết chia sẻ.
Cũng như người chồng của mình, từ nhỏ bà Thị Nắc (1947) - vợ ông Sết, đã được mẹ truyền dạy dệt thổ cẩm. Đối với phụ nữ S’tiêng, khi trưởng thành phải biết dệt thổ cẩm thì mới được dân làng tôn trọng và đây cũng là tiêu chí để các chàng trai chọn vợ. Vì thế, khi về nhà chồng, bà Thị Nắc đã tự tay dệt váy, áo, khăn, khố và các phụ kiện khác cho gia đình. Bà Thị Nắc chia sẻ: “Trước đây, dệt thổ cẩm kỳ công, để có một tấm thổ cẩm đẹp người dệt phải tự đi hái trái bông trong rừng về xe thành sợi; còn với nguyên liệu dệt bằng cây gai thì lấy lớp vỏ bên ngoài, đập dẹp, phơi khô rồi xé nhỏ, xoắn hai sợi lại đem ngâm trong nước vo gạo cho sợi kết lại. Thuốc nhuộm sợi là củ, vỏ cây được lấy từ rừng về nấu vắt lấy nước. Sợi được ngâm vào thuốc, qua một đêm vớt ra, phơi khô sau đó quay thành từng cuộn theo màu sắc riêng biệt”.
Dệt thổ cẩm ngày nay đỡ vất vả hơn khi có thể ra chợ mua sợi tổng hợp đủ màu sắc. Tuy nhiên, nhìn vào một tấm thổ cẩm bây giờ thiếu hẳn độ sâu và vẻ đẹp tự nhiên của thổ cẩm truyền thống. Hiện bà Thị Nắc vẫn dệt để tặng người thân mặc vào các dịp lễ, tết.
Và nỗi lo mai một
Ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi có 273 hộ, trong đó 226 hộ là đồng bào dân tộc S’tiêng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ duy nhất già Điểu Sết biết đan gùi và rất ít người biết dệt thổ cẩm, chủ yếu là những người trên 40, 50 tuổi. Họ chỉ đan, dệt khi có thời gian rảnh rỗi. Vì vậy, để hoàn thành một sản phẩm phải mất cả tháng trời.
Bà Thị Nắc chuẩn bị những cuộn sợi tổng hợp đủ màu sắc để dệt thổ cẩm
Vợ chồng già làng Điểu Sết có 4 con, 10 cháu nhưng không ai biết đan gùi hay dệt thổ cẩm. Điều này dễ hiểu bởi cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, tập quán sinh hoạt, thói quen sử dụng các vật dụng truyền thống của người S’tiêng cũng đã thay đổi. Trong khi nghề đan lát hay dệt thổ cẩm có thu nhập thấp nên rất khó để người dân theo nghề. Bên cạnh đó, giới trẻ ngày nay bị cuốn theo lối sống hiện đại hiếm khi sử dụng dụng cụ, trang phục truyền thống nên những chiếc gùi, hay trang phục thổ cẩm chỉ còn xuất hiện trong những ngày tết, lễ hội. Vì vậy, già làng Điểu Sết trăn trở: “Lớp trẻ bây giờ không còn quan tâm giữ nghề truyền thống. Nhiều lúc muốn truyền nghề cho con cháu nhưng không ai muốn học. Mong sao các cấp chính quyền, ngành chức năng có chính sách hỗ trợ kịp thời để những nghề truyền thống của đồng bào S’tiêng không bị mai một”.
X. Túc
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065