BP - Phát biểu tại hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X, diễn ra ngày 5-10, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Võ Sá đưa ra một con số rất đáng quan tâm: 9 tháng năm 2016, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,45% (cả nước tăng trưởng 5,93%). Dù ở mức khá nhưng tăng trưởng kinh tế của tỉnh lại thấp hơn kế hoạch đề ra (6,5-7%). Trong đó, đáng chú ý là khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33% so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân giảm ở khu vực này là do thiên tai, hạn hán, điều mất mùa, giá bán mủ cao su giảm sâu và kéo dài. Điều đó cho thấy nền kinh tế của tỉnh còn phụ thuộc lớn vào sản xuất nông nghiệp.
Bình Phước là tỉnh nông nghiệp. Trong đó, sản xuất nông nghiệp với hướng chủ đạo là trồng các loại cây công nghiệp như: cao su, cà phê, điều, tiêu, cây ăn trái với tổng diện tích trên 400 ngàn ha, tạo ra lượng giá trị lớn. Trong tỉnh đã hình thành các vùng chuyên canh lớn về cây công nghiệp như: cao su, cà phê, điều, tiêu và có những sản phẩm chủ lực tạo thế mạnh về xuất khẩu nhưng chưa tạo được chuỗi giá trị sản phẩm. Mặt khác, Bình Phước được coi là vùng nguyên liệu vì công nghiệp chế biến chủ yếu là gia công nguyên liệu cho quá trình chế biến tinh ở quốc gia khác dẫn đến xuất khẩu chỉ là sản phẩm thô; việc đầu tư chế biến, bảo quản sau thu hoạch cũng chưa được chú trọng. Vì vậy, giá trị gia tăng trong sản phẩm nông nghiệp thấp. Do xuất thô và chưa xây dựng được thương hiệu nên giá nông sản chủ yếu bán ra thấp hơn bình quân của thế giới. Đồng thời, sản xuất nông nghiệp thường có độ rủi ro cao, phụ thuộc nhiều vào thiên tai, dịch bệnh. Đợt hạn hán mùa khô 2016 vừa qua đã khiến trên 30 ngàn ha cây trồng bị ảnh hưởng, chủ yếu là cây lâu năm, tổng thiệt hại trên 600 tỷ đồng. Đây là bài học đắt giá cho nhà nông và cả ngành nông nghiệp Bình Phước về quy hoạch các loại cây trồng trước biến đổi khí hậu. Một nguyên nhân nữa là đa số vùng chuyên canh các loại cây công nghiệp hiện chưa có hệ thống tiêu thụ nông sản hợp lý, nhằm hạn chế trung gian, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm ổn định và hạn chế bị ép giá.
Để bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, trong đó có sản xuất nông nghiệp, Bình Phước cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, chú trọng phát triển nông nghiệp sạch và nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị chuỗi sản phẩm nông nghiệp của tỉnh gắn với mô hình hợp tác xã kiểu mới (trong quý 3/2016, tỉnh đã triển khai một số mô hình hợp tác xã kiểu mới, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như trồng bơ sáp, quýt đường, bưởi da xanh, rau sạch...). Và theo ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi tại hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: “Phát triển các loại cây công nghiệp chủ lực mà tỉnh có lợi thế như cây điều và cây tiêu trên cơ sở cải thiện nguồn giống có chất lượng, thâm canh tăng năng suất, phấn đấu đạt mục tiêu “3 đồng”: Đồng nhất về giống, đồng nhất về công nghệ và đồng nhất về sản phẩm để hướng đến xuất khẩu... Mỗi huyện, thị xã phải xác định 1-2 mặt hàng nông nghiệp chủ lực để có chính sách đầu tư phát triển, xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm”. Đây có thể được coi là bước đi mang tính đột phá, góp phần tạo ra chuỗi giá trị và nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Bình Phước trong thời gian gần nhất.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065