BỔN PHẬN NÊU GƯƠNG VÀ VAI TRÒ “HẠT GIỐNG ĐỎ”
>> Bài 1: Nhiệm vụ ưu tiên và kế sách “trù phương lược”
>> Bài 2: Nông thôn mới trong tư tưởng, tư duy
>> Bài 3: Từ đáp số của các mô hình
>> Bài 4: Giữ gìn bản sắc trong dòng chảy hội nhập
BPO - Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay đã được quy định rất rõ ràng, cụ thể trong Nghị quyết Trung ương 4 và Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Trong các bài viết chỉ đạo công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Quán triệt chỉ đạo của Trung ương, căn cứ tình hình thực tiễn ở địa phương, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: “Thực hiện hiệu quả, thực chất việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị…”. Cùng với nêu gương, việc bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ là những giải pháp, định hướng căn bản nhằm củng cố, nâng cao toàn diện hiệu quả lãnh đạo của Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
NHẬN THỨC SÂU SẮC TÌNH HÌNH
Đánh giá về những hạn chế trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) nhận định: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc câu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Để dẫn đến những biểu hiện suy thoái trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân trực tiếp, căn bản nhất chính là do bản thân cán bộ, đảng viên non kém về bản lĩnh, tính tiền phong gương mẫu hạn chế. Riêng đối với vùng đồng bào DTTS, bên cạnh những đặc điểm chung theo đánh giá của Trung ương, biểu hiện suy thoái chính trị, đạo đức, lối sống còn thể hiện ở phong cách quan liêu, xa dân, thiếu trung thực, làm méo mó hình ảnh cán bộ, đảng viên trong lòng đồng bào.
Nếu những mầm mống này không được ngăn chặn, đẩy lùi thì sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, lối sống sẽ là mảnh đất màu mỡ để các thế lực thù địch lợi dụng lôi kéo, mua chuộc, đẩy những biểu hiện tiêu cực thành hành động cực đoan, đi ngược lại quan điểm, đường lối của Đảng. Thực tế đã chứng minh, một bộ phận cán bộ, đảng viên từng có công lao đóng góp cho cách mạng, trong đó có cả trí thức, cán bộ cấp cao, văn nghệ sĩ nổi tiếng… đã bị rơi vào tình trạng này. Các vùng đồng bào DTTS, tôn giáo luôn là trọng điểm lợi dụng, chống phá của các thế lực thù địch để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vì vậy, nếu ngay trong nội bộ Đảng có những biểu hiện suy thoái nói trên, sẽ tiềm ẩn những nguy cơ, nguy hại khó lường cho an ninh chính trị, an ninh tư tưởng vùng đồng bào DTTS.
Để ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực đó, Đảng ta chú trọng các giải pháp tự phê bình và phê bình gắn với rèn luyện, nâng cao trách nhiệm, bổn phận nêu gương. Quy định số 08-QĐi/TW của Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nêu rõ: “Chủ động thực hiện chủ trương thí điểm của Trung ương; khuyến khích mô hình, cách làm mới, hiệu quả. Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; tìm tòi, đổi mới, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ngành, lĩnh vực do mình phụ trách”. Như vậy, hành động nêu gương không phải là khái niệm chung chung mà luôn đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải gắn với việc làm cụ thể trên cương vị, chức trách được phân công. Bản chất của nêu gương là làm cho bản thân tốt lên, hoàn thiện hơn để cống hiến ngày càng nhiều cho dân, cho Đảng, xứng đáng là công bộc của dân.
TẠO ĐỘT PHÁ, TIÊU BIỂU Ở ĐỊA PHƯƠNG
Quán triệt chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Bình Phước nhiệm kỳ 2015-2020 đã chỉ đạo cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp thực hiện trách nhiệm nêu gương bằng nghị quyết, chương trình hành động mang tính đặc thù. Gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Quy định số 08-QĐi/TW với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Bình Phước đã xác định việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, phải gắn liền với trách nhiệm giải quyết các vấn đề mang tính đột phá, giải quyết bức xúc trong đời sống nhân dân.
Đó là việc cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức các hội nghị, cuộc họp; đột phá thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án trọng tâm; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn. Cán bộ phải tăng cường tiếp xúc, đối thoại với nhân dân; giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, bức xúc của nhân dân, bảo đảm tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; tăng thu ngân sách, nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người. Từng cấp ủy ở cơ sở căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị mình, đã xác định rõ những nội dung đột phá, gắn với thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn, lĩnh vực được phân công.
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” trong quân đội, giai đoạn 2016-2020, vừa diễn ra tại Hà Nội và các điểm cầu trong toàn quân, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Bình Phước là một trong những đơn vị điển hình được tôn vinh. Tính điển hình của lực lượng vũ trang tỉnh thể hiện ở hiệu quả công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Cùng với Bộ CHQS tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh cũng phối hợp với cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng các cấp triển khai công tác dân vận hiệu quả, được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Nhiều mô hình, cách làm trong vùng đồng bào DTTS ở Bình Phước được Bộ Quốc phòng chỉ đạo nhân rộng. Một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng hàng đầu được Bộ CHQS và Bộ đội biên phòng tỉnh đúc kết, chia sẻ, đó là phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, trực tiếp là đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận. Do môi trường sống, phong tục tập quán, điều kiện kinh tế, mặt bằng dân trí… của một bộ phận đồng bào còn khó khăn, lạc hậu nên công tác dân vận được bộ đội triển khai theo phương châm “3 bám”, “4 cùng” (bám địa bàn, bám dân, bám chủ trương, chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng chia sẻ với đồng bào), tăng cường thực hiện “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Để làm được điều đó đòi hỏi mọi suy nghĩ, hành động nêu gương của cán bộ phải thực chất, hiệu quả. Nếu có biểu hiện “diễn”, làm cho có, làm đối phó để báo cáo thành tích, đồng bào sẽ nhận ra ngay. Lúc đó, lòng tin của dân đối với cán bộ sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng.
Đặc trưng đời sống xã hội trong vùng đồng bào DTTS là vai trò của các già làng trong từng thôn, ấp. Hiệu quả phối hợp hoạt động giữa cấp ủy, chính quyền cơ sở với quân đội, công an bám dân và hội đồng già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân cư… là mô hình dân vận tiêu biểu trong đồng bào DTTS ở Bình Phước. Đây là những trụ cột để nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng, tuyên truyền, vận động, giúp đỡ đồng bào tin theo Đảng, làm theo Đảng xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn bản sắc văn hóa, củng cố vững chắc quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trên toàn tuyến biên giới. Bình Phước là địa phương tiêu biểu, điển hình, hoàn thành sớm nhất, đạt hiệu quả cao nhất trong nhiệm vụ phối hợp phân giới, cắm mốc, xây dựng đường biên hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển toàn diện với nước bạn Campuchia. Bình Phước cũng là địa phương điển hình của Quân khu 7 trong phối hợp triển khai xây dựng các điểm dân cư liền kề chốt dân quân, đồn biên phòng ở biên giới, triển khai các dự án mang tính lưỡng dụng, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa củng cố quốc phòng - an ninh.
CHÚ TRỌNG BỒI DƯỠNG, QUY HOẠCH CÁN BỘ
Nhấn mạnh yếu tố hiệu quả, thực chất trong việc nêu gương của cán bộ, đảng viên trong nhiệm kỳ tới, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI thể hiện quyết tâm chính trị cao, nhằm kế thừa, phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, nâng cao toàn diện chất lượng đội ngũ cán bộ. Đối với cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong vùng đồng bào DTTS, nêu gương vừa là trách nhiệm, vừa là bổn phận; vừa xây dựng, củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, vừa tạo hình mẫu để dân noi theo, làm theo. Từ đặc điểm dân cư và phong tục tập quán lâu đời của đồng bào các DTTS ở Bình Phước, có thể khẳng định, hiệu quả lãnh đạo, tập hợp đồng bào không ai làm tốt hơn bằng chính đội ngũ cán bộ trong lòng đồng bào. Chính vì vậy, việc phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ của Đảng trong vùng đồng bào DTTS có vai trò hết sức quan trọng, vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, đảm bảo cho địa phương phát triển ổn định, bền vững. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI có 24 đại biểu DTTS. Đây là những cán bộ, đảng viên tiêu biểu, mẫu mực của đồng bào.
Quy định số 08-QĐi/TW đặt ra yêu cầu đối với việc nêu gương của cán bộ là: “Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ kế cận. Chủ động, tích cực phát hiện, thu hút, trọng dụng người có đức, có tài, khát khao cống hiến. Bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự nghiệp của Đảng, vì lợi ích quốc gia - dân tộc”. Như vậy, mục đích, mục tiêu cao nhất của sự nêu gương là vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Trung ương, đồng thời biến quyết tâm của Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI về tiêu chí nêu gương hiệu quả, thực chất thành chương trình hành động thiết thực; cán bộ chủ chốt và cấp ủy các cơ quan, đơn vị, địa phương trong vùng đồng bào DTTS phải chú trọng hơn nữa việc phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố mới tích cực. Đó chính là những “hạt giống đỏ” trong thế hệ trẻ của đồng bào, cần được chăm sóc, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất để họ bộc lộ năng lực, rèn luyện phẩm chất, hình thành những điều kiện cần và đủ để xứng đáng là lực lượng kế cận của Đảng trong vùng đồng bào DTTS.
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065