GIỮ BẢN SẮC TRONG DÒNG CHẢY HỘI NHẬP
>> Bài 1: Nhiệm vụ ưu tiên và kế sách “trù phương lược”
>> Bài 2: Nông thôn mới trong tư tưởng, tư duy
>> Bài 3: Từ đáp số của các mô hình
BPO - Văn hóa là lĩnh vực được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng nhằm thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, chống phá cách mạng Việt Nam, phá vỡ kết cấu bền vững của các giá trị bản sắc văn hóa. Với đặc trưng dân số học của Bình Phước, đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) bị chi phối mạnh mẽ của quy luật giao thoa, tiếp biến. Trong thời đại hội nhập với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, để đồng bào DTTS có kỹ năng, nhu cầu tiếp nhận tinh hoa, ngăn chặn các trào lưu văn hóa độc hại, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, cần tạo ra một “hệ sinh thái” văn hóa lành mạnh, tiến bộ trong cộng đồng. Đó cũng chính là giải pháp hữu hiệu góp phần chấn hưng văn hóa đạo đức, củng cố, bồi đắp tình cảm, niềm tin với Đảng, với chế độ trong đồng bào DTTS…
Từ những góc nhìn cận cảnh
Trong chuyến đi thực tế tại các vùng đồng bào DTTS trước thềm Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, nhóm phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước được chính quyền địa phương giới thiệu nhiều mô hình, cộng đồng dân cư tiêu biểu. Một trong số đó là thôn 5, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng. Đây là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào dân tộc S’tiêng, hiện có 358 hộ dân, có chi bộ gồm 11 đảng viên. Dù địa danh hành chính là thôn 5, nhưng thế hệ cao tuổi trong thôn vẫn quen gọi là sóc Bu Cà Rói theo ngôn ngữ truyền thống của đồng bào. Theo đồng chí Phạm Đình Nhất, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Minh Hưng: Thôn 5 là một trong những mô hình điển hình của cộng đồng dân cư trong vùng đồng bào DTTS. Bí thư Chi bộ thôn Điểu Lý vừa được bình chọn là “Công dân Bình Phước tiêu biểu thế hệ 45 tuổi”. Tính tiêu biểu của thôn 5 thể hiện ở tinh thần đoàn kết cộng đồng, cán bộ, đảng viên trong thôn luôn gương mẫu nêu gương, đi đầu trong hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, vận động hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới. Bà con trong thôn áp dụng hiệu quả mô hình xen canh (trồng cây rau nhíp và cây ca cao trong vườn điều) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đa số hộ có mức sống trung bình trở lên, không còn hộ đặc biệt khó khăn. Nhiều hộ áp dụng tốt mô hình sản xuất xen canh cho thu nhập cao, mua sắm được ôtô. Thôn đã được đầu tư xây dựng, phát triển các thiết chế văn hóa tương đối đồng bộ, như: Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng, khu tập luyện thể thao, duy trì hiệu quả đội cồng chiêng, tổ chức biểu diễn vào các dịp lễ, tết. 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Thế hệ công dân trẻ của thôn đa số có điện thoại thông minh, xe gắn máy. Phần lớn nhà cửa, công trình sinh hoạt của dân đều đã bê tông hóa. Số lượng người dân ở nhà sàn hiện còn ít…
Tiếp xúc với già làng và những người cao tuổi trong thôn, chúng tôi được họ chia sẻ những trăn trở đã và đang đặt ra. Là nơi sinh sống lâu đời của người S’tiêng, đồng bào đã phát triển qua nhiều thế hệ, mặc dù đời sống kinh tế không ngừng được cải thiện, nâng cao, nhưng về văn hóa thì đang đặt ra nhiều thách thức. Theo già làng Điểu Tang, hầu hết thanh niên trong thôn hiện nay không biết đánh cồng và không thích học đánh cồng. Nhiều sinh hoạt tín ngưỡng theo phong tục truyền thống của người S’tiêng đã biến mất. Lớp trẻ hiện nay nhiều người không biết và không thích hát các bài hát truyền thống của đồng bào S’tiêng. Một số hộ dân sau khi đi theo đạo Tin lành, đã bỏ hoàn toàn phong tục thờ cúng truyền thống của người S’tiêng.
Tìm hiểu chi tiết đời sống của đồng bào ở một địa chỉ tiêu biểu để thấy rõ hơn góc nhìn cận cảnh trong bức tranh tổng thể. Có thể nói, thôn 5, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng là bức tranh thu nhỏ của đời sống đồng bào DTTS ở Bình Phước. Nhìn nhận hiện trạng xã hội cụ thể, chúng ta mới có cơ sở đánh giá tổng thể một cách khách quan, công bằng, chính xác.
Rõ ràng, việc tiếp thu cái mới, ứng dụng và tận dụng tiện ích của thành tựu văn minh công nghiệp để cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, trong dòng chảy hội nhập, quy luật giao thoa, tiếp biến của văn hóa đã và đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi sự xâm nhập của các trào lưu văn hóa tiêu cực, các sản phẩm văn hóa xấu, độc. Từ môi trường văn hóa và tiện ích công nghệ, các thế lực thù địch sẽ triệt để lợi dụng để “ký sinh” các “virus” văn hóa đồi trụy, xấu độc, tạo sự lây lan, gây băng hoại nền tảng đạo đức, phong tục tập quán tốt đẹp của đồng bào. Nhu cầu văn hóa của lớp trẻ thiên về cái mới, thích tìm tòi cái lạ. Nếu chúng ta lơ là, chủ quan, coi nhẹ việc tận dụng tiện ích của công nghệ thông minh để tuyên truyền, giáo dục, xây dựng trường văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, thì sự xâm nhập của các trào lưu văn hóa ngoại lai càng có cơ hội bùng phát, tạo môi trường cho “cỏ dại” lấn át “hoa thơm”.
Nhận thức rõ vấn đề này, trong những năm qua, tỉnh Bình Phước đã có nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng đời sống văn hóa phong phú, lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc, với phương châm đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, tạo chỉnh thể thống nhất cho mục tiêu phát triển bền vững. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, di sản văn hóa được chú trọng hơn. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở được xây dựng nhiều hơn. Hiện có 851/861 thôn trong tỉnh có nhà văn hóa (trong đó 372/851 nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định). Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.
Tuy nhiên, lĩnh vực văn hóa trong vùng đồng bào DTTS vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã chỉ rõ: “Các thiết chế văn hóa - thể thao chưa đồng bộ, đầu tư thiếu thiết thực, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và thụ hưởng của người dân; tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm về văn hóa chậm. Văn hóa khu dân cư và gia đình văn hóa còn hình thức, một số trường hợp không thực chất. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, nhất là văn hóa các DTTS còn hạn chế”...
Xây dựng “hệ sinh thái” văn hóa lành mạnh
Hướng đến mục tiêu đưa Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2025, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, môi trường khởi nghiệp tiếp tục được quan tâm, mở rộng đường băng cho cộng đồng doanh nghiệp cất cánh. “Hệ sinh thái” khởi nghiệp, “hệ sinh thái” đầu tư… là những thuật ngữ quen thuộc trên lĩnh vực kinh tế - xã hội. Việc xây dựng “hệ sinh thái” văn hóa lành mạnh được Thành ủy TP. Hồ Chí Minh khởi xướng từ cuối năm 2019, nhằm thực hiện mục tiêu đưa TP. Hồ Chí Minh thành trung tâm văn hóa, có nền văn học nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…
Là tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đảng bộ, nhân dân Bình Phước luôn cầu thị, học hỏi, tiếp thu thành tựu, kinh nghiệm từ thành phố đầu tàu. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Phấn đấu hằng năm có từ 90% trở lên hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, từ 70% trở lên thôn, ấp, khu phố được công nhận danh hiệu “Thôn, ấp, khu phố văn hóa”; 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020-2025 là: Đầu tư các lĩnh vực xã hội nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân để văn hóa thực sự trở thành nền tảng của xã hội. Trong đó, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực. Bảo tồn các giá trị, phong tục, bản sắc văn hóa các dân tộc; phục dựng các lễ hội, ngành nghề truyền thống, các di tích lịch sử, bảo tàng chiến tranh... Hằng năm tổ chức liên hoan văn hóa các dân tộc cấp tỉnh và cấp huyện…
Mặc dù thuật ngữ “hệ sinh thái” văn hóa chưa được sử dụng trong các văn kiện đại hội, nhưng thực chất, nhiệm vụ và những giải pháp trọng tâm về văn hóa được Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI xác định, chính là sự thể hiện sinh động tư duy xây dựng “hệ sinh thái” văn hóa lành mạnh trong vùng đồng bào DTTS. Nỗ lực của Bình Phước cũng chính là nhằm thực hiện thắng lợi Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, trong đó xác định rõ: “Nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân. Ðầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở ở từng vùng, từng địa phương; quan tâm tu bổ, bảo tồn các công trình di tích lịch sử, văn hóa; sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS. Phát huy vai trò làm chủ của đồng bào trong xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; 80% thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng”...
Với quyết tâm cao nhất, Bình Phước luôn tiên phong đi đầu trong thực hiện các chủ trương, định hướng từ Trung ương về văn hóa. Bình Phước là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện mô hình truyền thông hội tụ, phát huy lợi thế của báo chí đa phương tiện nhằm nâng cao toàn diện chất lượng, hiệu quả hoạt động. Các chương trình tập huấn đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phương pháp sử dụng mạng xã hội, kỹ năng đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên báo chí và không gian mạng…, được tiến hành thường xuyên, đồng bộ. Nhờ đó, chúng ta đã và đang tạo nên những kênh thông tin hấp dẫn, tiến bộ, hiện đại trên báo chí - truyền thông và các thiết chế văn hóa nghệ thuật trong đời sống đồng bào, sử dụng mạng xã hội để lan tỏa hành vi, lối sống đẹp, tạo nên trường văn hóa lành mạnh cho toàn dân nói chung, đồng bào DTTS nói riêng…
Trong thời gian tới, Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, phát triển “hệ sinh thái” văn hóa lành mạnh, đi sâu vào đời sống đồng bào theo phương châm, người dân vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa nghệ thuật từ cơ sở. Từ chủ trương của tỉnh, từng đơn vị, địa phương, nòng cốt là từ mỗi chi bộ và đội ngũ cán bộ, đảng viên, phải có trách nhiệm, bổn phận tạo nên những “vườn ươm” từ cơ sở, cộng hưởng, lan tỏa những nét đẹp văn hóa phong tục đến với mỗi người dân, từ không gian mạng đến đời sống. Tiếp tục nhân rộng những mô hình hay, những nhân tố điển hình trong các cộng đồng dân cư để đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt” ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.
(Còn nữa)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065